Làng nghề phát triển, giá ngày công trả cho người lao động cao lại đều việc cả năm nên số hộ cấy lúa ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất (Hà Nội) mỗi ngày một ít đi, nhất là với kiểu canh tác truyền thống đầy nặng nhọc. Họ bỏ không đất hoặc chuyển sang trồng sen, nuôi cá - những thứ dễ dàng hơn nhiều so với trồng lúa. Người trẻ đi làm ngoài hết, ruộng đồng giờ chỉ có người già với trung niên. Dân chán ruộng cũng là cơ duyên để chị Hòa đặt quyết tâm đầu tư cho lĩnh vực mới: mạ khay, máy cấy.
“Lúc trước tôi làm ở Trạm Khuyến nông huyện, năm 2013 bắt đầu có chương trình cơ giới hóa lúa, triển khai mạ khay, máy cấy nên được cử đi học hỏi, trải nghiệm rồi phụ trách luôn lĩnh vực đó. Khi chuyển công tác về xã, tôi và một người đã góp vốn, khoảng 200 triệu gì đó để làm mạ khay, ngoài ra còn được hỗ trợ 45 triệu để mua 1 máy cấy. Sau tích lũy dần dần chúng tôi đã có được 2 máy cấy 4 hàng, 1 giàn gieo tự động và 20.000 khay mạ như hiện nay.
Ngoài máy móc tự có chúng tôi còn thuê thêm máy cấy ở bên ngoài nên vụ vừa rồi đã thực hiện làm mạ khay cho khoảng 80 ha, chiếm 1/4 diện tích lúa của xã trong đó có 60 ha là cấy máy. Nhu cầu mạ khay, cấy máy thời gian gần đây tăng đột biến, mỗi năm khoảng 80-90%, không chỉ ở xã tôi đâu mà nhiều xã khác, như xã Dị Nậu bên cạnh cũng đang làm cỡ 50-60 ha mà dân vẫn còn đăng ký tiếp.
Cái khó hiện nay của chúng tôi là mặt bằng sản xuất không ổn định, không có nơi để rải mạ nên phải mượn đất hoang của bà con, nếu như họ không đồng ý thì sẽ phải thay đổi cả kế hoạch sản xuất. Tôi chỉ ước ao có một diện tích chừng 1.000m2 để đầu tư bài bản từ nhà xưởng đến chỗ ngâm, chỗ gieo, chỗ ủ… sao cho chủ động trong sản xuất nhưng vừa rồi hỏi một thửa mà họ đòi cao quá, tận 1 tỷ đồng nên đành chịu”.
Tôi cùng chị Hòa ra cánh đồng để chứng kiến sự khác biệt của cấy máy với cấy tay. Hễ ô nào lúa lên đều, ruộng thông thoáng, cây phát triển, đẻ nhánh khỏe hơn là y như rằng lúa ấy dùng mạ khay, cấy bằng máy.
Kỹ thuật làm mạ khay: Ngâm để hạt thóc giống hút no nước, kích thích nảy mầm, thời gian ngâm 24 tiếng cứ 6 tiếng thay nước 1 lần. Sau khi hạt thóc ngâm đã no nước, hạt căng đều, nhìn rõ thấy phôi màu trắng ở đầu hạt, khi cắn hạt nhũ (phần gạo ở giữa hạt) thấy bở mềm, hơi cứng ở lõi là đạt yêu cầu, tiến hành đãi sạch, để ráo nước rồi ủ trong bao túi vải, đống ủ được phủ rơm hay cỏ từ 12-15 giờ đến khi hạt nứt nanh, nhú mầm thì chuyển ra gieo hạt.
Sau khi gieo, xếp khay mạ thành chồng cao 20-25 khay để ủ hoạt hóa bằng cách phủ bạt và thắp bóng điện xung quanh đến khi nhú đều cao từ 0,5 - 1,0 cm thì chuyển ra bãi chăm sóc. Lúc này khay mạ được xếp thành từng luống có che phủ nilon chống rét để tiện theo dõi, chăm sóc, tưới nước trung bình 1 lần/ ngày, khi nhiệt độ >150C tiến hành mở hai đầu luống mạ, trời nắng mở toàn bộ nilon ban đêm che lại để chống rét cho mạ. Khi mạ đủ tiêu chuẩn cấy (từ 15- 20 ngày, cao từ 15 -20 cm, cứng cây, đanh dảnh) thì đem cấy.
Trong thời gian qua Hà Nội đã có nhiều cơ chế hỗ trợ cho cơ giới hóa đồng bộ trong khâu gieo cấy lúa, tuy nhiên diện tích thực hiện được vẫn còn rất khiêm tốn. Nằm trong tình trạng chung ấy, việc gieo cấy lúa của huyện Thạch Thất vẫn chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống: gieo mạ, nhổ mạ và cấy thủ công nên lác đác một số nơi đã bỏ hoang đồng ruộng. Để khắc phục tình trạng này, vụ xuân năm 2021 Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy” tại xã Canh Nậu với quy mô 60 ha.
Mục đích của mô hình gồm: Phát triển sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu gieo cấy. Giúp giải phóng sức lao động giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Là nơi tham quan, học tập cho người dân các vùng lân cận, là tiền đề để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy.
Điều kiện để được tham gia vào mô hình gồm: Cơ sở thực hiện mô hình có dây chuyền gieo mạ khay tự động và máy cấy lúa. Thực hiện theo đúng quy định của việc xây dựng mô hình, đúng quy trình kỹ thuật. Cam kết chưa nhận hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào từ ngân sách nhà nước cho cùng một nội dung mô hình. Có đủ các điều kiện đất đai, nhân lực và vốn đối ứng. Tổ chức mua sắm vật tư đối ứng theo đúng quy định hiện hành. Cán bộ chỉ đạo, chủ hộ hoặc trưởng nhóm hộ phải có sổ nhật ký đầy đủ quá trình chỉ đạo và thực hiện mô hình…
Xét thấy mình đáp ứng đủ những điều kiện đó chị Nguyễn Thị Hòa đã xin tham gia mô hình, được Trạm Khuyến nông chấp nhận, hoàn thiện hồ sơ và gửi về Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thống nhất lên kế hoạch triển khai. Các vật tư như khay, giống được cơ quan này bàn giao cho chị đúng thời hạn để gieo đủ 15.000 khay mạ, cấy máy đủ 60ha.
Qua theo dõi thấy lúa cấy máy sinh trưởng đều, phát triển tốt, ít phải tỉa dặm-điều mà bà con vẫn thường lo ngại nhất trước đây. Về hiệu quả về kinh tế gieo mạ khay, cấy máy giảm chi phí cho người sản xuất so với gieo mạ dược, cấy tay: 7.628.000 đồng/ha. Mặt khác, lúa cấy bằng máy sinh trưởng phát triển tốt, ruộng thông thoáng giảm sâu bệnh gây hại, năng suất tăng từ 10 - 15% so với ruộng cấy tay.
Về hiệu quả về xã hội, mô hình này làm thay đổi nhận thức của người nông dân, giúp họ tránh được những công đoạn rất nặng nhọc, dễ gây ra bệnh xương khớp, khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực trong lúc thời vụ. Đây cũng là tiền đề để đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp đồng thời là nơi tham quan học tập, mở rộng mô hình sang các xã khác.
Khi triển khai, mô hình này được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Thành phố tới cơ sở, có cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời, khuyến khích HTX, hộ nông dân hình thành các tổ dịch vụ chuyên sản xuất mạ khay. Bản thân chị Nguyễn Thị Hòa lại là người đã có kinh nghiệm sản xuất mạ khay ở các năm trước nên mọi việc diễn ra theo đúng theo dự định.
Tuy thế, vẫn còn nhiều khó khăn mang tính khách quan như đồng ruộng xã Canh Nậu không đồng đều, phân chia thành nhiều cấp gây khó khăn cho di chuyển của máy cấy và việc lấy nước, giữ nước. Sản xuất mang tính thời vụ, thời gian gieo cấy trong một vụ rất ngắn, không kịp quay vòng, kinh phí đầu tư ban đầu lớn, lâu thu lại được vốn, mặt khác muốn mở rộng được diện tích cấy máy phải có mặt bằng để gieo mạ…
Bài học kinh nghiệm được rút ra từ mô hình mạ khay, máy cấy ở xã Canh Nậu là cần phải tuyên truyền nhiều hơn nữa về hiệu quả của mạ khay cấy máy để người dân biết đến và đồng loạt áp dụng. Phải quy hoạch được vùng sản xuất tập trung, hệ thống kênh mương thủy lợi phải đáp ứng được diện tích ruộng cấy, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu làm đất đến gieo, cấy. Có giải quyết được tốt những vấn đề trên thì Trung tâm Khuyến nông Hà Nội mới có thể tiếp tục triển khai để nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện Thạch Thất nói riêng và toàn thành phố nói chung trong các năm tiếp theo.
Theo Nguyễn Thị Thắm/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/thay-gi-o-mo-hinh-khuyen-nong-ma-khay-cay-may-tai-canh-nau-d292142.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã