Mùa hè này đến đến với huyện Yên Châu (Sơn La), cảm giác đầu tiên mà bạn cảm nhận không phải là cái nóng oi ả của miền sơn cước, mà thay vào đó là mãn nhãn với những rừng nhãn ngút ngàn, lúc lỉu chùm nhãn vàng rộm đang đến mùa thu hoạch.
Tại huyện Yên Châu, đâu đâu cũng thấy không khí lao động tấp nập của bà con mùa nhãn chín. Người bẻ nhãn, người bóc nhãn, xe chở hàng từ các tỉnh Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên... đến thu mua nhãn rôm rả cả 1 vùng núi rừng.
Đến thăm hộ gia đình ông Lê Văn Sơn (bản Trung Tâm, xã Tú Nang, huyện Yên Châu) khi ông đang thu hoạch nhãn để bán. Nhìn những chùm nhãn hàng trăm quả, vàng rộm, mọng nước, mới thấy công sức lao động của người nông dân nơi đây được hưởng thành quả thật xứng đáng. Gia đình ông Sơn trồng nhãn từ năm 2000, tuy nhiên khi ấy cả vườn vẫn là giống nhãn địa phương.
Trao đổi với PV báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt, ông Lê Văn Sơn chia sẻ: "Trước đây tôi trồng khoảng 300 gốc nhãn địa phương trên nương rẫy, với mong muốn tăng cao nguồn thu nhập. Nhưng giống nhãn địa phương này cho quả bé, không ngọt, năng suất thấp, nguồn thu nhập của gia đình cũng bị ảnh hưởng...".
Trong 1 lần tham gia lớp tập huấn của phòng nông nghiệp huyện tổ chức, ông Sơn đã được giới thiệu về năng suất của loại nhãn Miền Thiết và được hướng dẫn cách ghép nhãn Miền Thiết lên nhãn địa phương.
Từ đó, ông trở về áp dụng vào vườn nhãn trên đất dốc của gia đình. Ông bắt xe xuống mua mắt nhãn ghép Miền Thiết ở dưới Hưng Yên về ghép lên nhãn địa phương. Thời điểm ông chặt đốn cành nhãn, người dân trong bản ai cũng nói tôi bị khùng, gàn dở mới làm những việc dở hơi như vậy.
Bỏ ngoài tai tất cả những lời nói dị nghị không hay, ông tập trung chăm sóc vườn nhãn. Khoảng 3 năm sau vườn nhãn bắt đầu cho quả bói. Lúc đó ông vui mừng khôn xiết, ông nói với vợ rằng lần này gia đình mình thoát nghèo thật rồi...
Để tạo điều kiện thuận lợi cho vườn nhãn phát triển tốt, ông Sơn đầu tư vốn lắp đặt hệ thống ống dẫn nước từ con suối cạnh nương tưới cho hơn 1ha diện tích nhãn Miền Thiết. Ngoài ra, ông còn dùng các loại phân hữu cơ, phân chuồng, NPK, bón cho cây trồng. Nhờ vậy, mà vườn nhãn của gia đình ông từ khi ghép mắt đến hiện tại đều xanh mơn mởn và cho qua đầy cành.
Theo kinh nghiệm của ông Lê Văn Sơn, nhãn Miền Thiết ghép lên nhãn địa phương rất dễ chăm sóc. Từ lúc ghép mắt, ra hoa đậu quả chỉ khoảng 3 năm là cho thu hoạch. Nhãn Miền Thiết có đặc điểm quả to, cùi dày, hạt nhỏ, ăn vào dịu ngọt, thanh mát, được thị trường trong và ngoài tỉnh Sơn La ưa chuộng.
Hiện nay, hình thức tiêu thụ chủ yếu xuất dưới dạng quả tươi chiếm khoảng 80%. Mỗi 1 kg nhãn gia đình ông Sơn bán với giá từ từ 10.000 - 15.000 đồng, tùy theo mẫu mã.
Để giúp người dân từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác, có thị trường tiêu thụ ổn định, ông Hà Như Huệ, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng Nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất..".
Theo ông Hà Như Huệ, đặc biệt là trong trồng nhãn thì tập trung vào các khâu cải tạo giống, quy trình tưới ẩm để nâng cao năng suất của cây nhãn. Đồng thời, huyện tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con, để từ đó người dân có nguồn thu nhập ổn định và yên tâm gắn bó với ngành nông nghiệp...
"Từ khi ghép nhãn Miền Thiết, điều kiện kinh tế của gia đình tôi đã khá giả hơn so với trước. Nhận thấy nhãn cho sai quả và thu nhập cao, nên tôi trồng thêm 300 cây trên nương nữa. Hiện nay, vườn của gia đình tôi có hơn 600 gốc nhãn, trong đó có khoảng 300 cây đang cho thu hoạch...", ông Sơn cho hay.
Cứ đến mùa thu hoạch, các thương lái đều đánh xe vào tận vườn nhà ông Sơn thu mua, nên đầu ra cho sản phẩm luôn được bảo đảm và bán được giá cao. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi gần 200 triệu đồng...
Theo Hà Hoàng/danviet.vn
https://danviet.vn/len-son-la-ngam-rung-nhan-ghep-trai-triu-canh-dan-thu-hang-chuc-ty-moi-nam-20200731224734726.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã