Trồng dâu nuôi tằm đạt giá trị trên 200 triệu đồng/ha đất canh tác. Ảnh: Báo Yên Bái
Hiện, Trấn Yên hình thành và phát triển vùng dâu rộng 760 ha, dự kiến hết năm 2020 là trên 900 ha, chủ yếu ở các xã: Việt Thành, Báo Đáp, Tân Đồng, Đào Thịnh, Y Can, Quy Mông, Hòa Cuông, Hồng Ca...
Chỉ trong 4 năm gần đây, huyện phát triển trên 676 ha, bình quân mỗi năm trồng mới trên 140 ha. Không phát triển ồ ạt mà làm đến đâu chắc ăn đến đó, các tiến bộ kỹ thuật trong trồng dâu, nuôi tằm được áp dụng chặt chẽ, đồng bộ.
Huyện đã xây dựng được 7 nhà nuôi tằm con tập trung (xã Việt Thành 3 nhà, Báo Đáp 2 nhà, Tân Đồng 2 nhà); vận động, hướng dẫn các hộ nuôi tằm thương phẩm cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhà tằm đảm bảo kỹ thuật để nuôi tằm.
Cùng đó, huyện tích cực đầu tư, chăm sóc dâu theo quy trình kỹ thuật thâm canh, đưa giống dâu tiến bộ kỹ thuật vào để phát triển mở rộng diện tích. Đến nay, năng suất, sản lượng, chất lượng lá dâu được nâng lên, đặc biệt khâu vệ sinh đồng ruộng được quan tâm chú trọng, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ trên các cánh đồng dâu, khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn trong nuôi tằm.
Bằng những việc làm cụ thể, sản lượng kén tằm đã tăng lên từng năm và nếu như năm 2015 sản lượng kén mới đạt 300 tấn thì đến năm 2020 sản lượng đạt trên 1.000 tấn, giá trị thu được trên 100 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, chương trình phát triển trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả cao, giá trị thu nhập từ 1 ha trồng dâu, nuôi tằm trung bình đạt từ 220 đến 250 triệu đồng/ha/ năm, cao hơn so với sản xuất lúa từ 2,5 đến 3 lần.
Sachi - Cây trồng mới hiệu quả trên cao nguyên Mộc Châu
Sachi là một loại cây trồng lấy dầu, cách đây khoảng 3 năm đã được trồng thử nghiệm ở xã Mường Sang, Chiềng Khừa và Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La).
Ông Lò Văn Thóm, bản Vạt, xã Lóng Sập, cho biết: Cây Sachi chịu được thời tiết khắc nghiệt, dù mùa đông sương muối hay hè nóng bức, cây đều sinh trưởng tốt. Năm 2018, gia đình tôi trồng 1 ha sachi, đến nay chưa phải dùng bất cứ hóa chất nào, cây không có sâu bệnh. Quả sachi cho thu hoạch lấy hạt quanh năm, đạt gần 1 tấn hạt khô/ha, hiện nay giá bán giao động từ 30- 40 nghìn đồng/kg, gia đình thu được hơn 80 triệu đồng.
Tiềm năng của cây trồng mới này đang được mở ra, khi HTX Du lịch bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu) đã sản xuất thử nghiệm thành công sản phẩm son môi và dầu dưỡng da từ hạt sachi, kết quả của Dự án “Hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm, mô hình nông nghiệp hữu cơ gắn với công tác bảo vệ rừng tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La” . Đây là Dự án nằm trong chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) Việt Nam giai đoạn II (2019- 2020), do Hội Nông dân Việt Nam triển khai, với mục đích nâng cao năng lực du lịch trải nghiệm dưới tán rừng hiện có và sản xuất giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Chị Lữ Thị Thuận, Giám đốc HTX Du lịch bản Áng, chia sẻ: Tham gia dự án, ngoài được hướng dẫn các kỹ năng làm du lịch, chúng tôi còn được các chuyên gia phát triển sản phẩm truyền thụ kiến thức, quy trình làm dầu dưỡng da và son môi từ dầu sachi. Để duy trì nguồn cung ổn định, HTX đã ký hợp đồng với một số hộ trồng sachi trên địa bàn huyện, hỗ trợ thu hái và tiêu thụ sản phẩm.
Các sản phẩm từ sachi được làm thủ công, nguyên liệu tự nhiên, an toàn nên được đánh giá tiềm năng tốt. Hiện nay, sản phẩm son môi và dầu dưỡng làm từ hạt sachi đang được HTX gửi mẫu đi kiểm định, đánh giá chất lượng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý lưu hành. Dự kiến khi hoàn thiện, giá bán ra thị trường khoảng trên dưới 200 nghìn đồng/sản phẩm.
Gian hàng trưng bày sản phẩm son và dầu sachi của HTX Du lịch bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu) tại lễ Khai trương mô hình Du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến (Mường La). Ảnh: Báo Sơn La
Một khó khăn là quy trình sản xuất từ khâu bóc, tách lấy hạt, nấu sáp ong đến điều chế dầu dưỡng và son môi chủ yếu làm thủ công nên sản lượng tương đối hạn chế. HTX mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để sớm hoàn thiện đăng ký chất lượng, nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị sản xuất, giúp HTX phát triển sản xuất.
Sản phẩm son và dầu sachi của HTX Du lịch bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu) đã mở ra hướng đi cho những người trồng cây sachi trên địa bàn huyện và góp phần đa dạng các sản phẩm phục vụ khách du lịch đến tham quan trải nghiệm trên cao nguyên Mộc Châu.
Triển vọng cây chanh leo ở Bảo Yên
Mô hình trồng cây chanh leo ở Bảo Yên (Lào Cai) đã bước sang năm thứ 2 cho thu hoạch. Qua đánh giá bước đầu, đây là loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất và chất lượng quả tốt, hứa hẹn trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Ông Bàn Văn Phúc thu hoạch chanh leo. Ảnh: Báo Lào Cai
Đang vào đầu vụ thu hoạch chanh leo, những ngày này, điện thoại của ông Bàn Văn Phúc (Bản 1, xã Điện Quan) luôn nóng máy bởi các thương lái alo đặt mua. Chưa vào chính vụ nên sản lượng còn thấp nhưng lại được giá cao (trung bình 25 nghìn đồng/kg) và thu hái đến đâu có người mua đến đó.
Ông Bàn Văn Phúc là 1 trong 40 hộ ở Điện Quan tham gia trồng thử nghiệm cây chanh leo từ đầu năm 2019. Ngoài khoản hỗ trợ của Nhà nước, ông Phúc đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội gần 200 triệu đồng để cải tạo vườn đồi, đầu tư hệ thống giàn trồng chanh leo. Theo ông Phúc, sau năm đầu bói quả, năm nay cây đã cho sản lượng cao hơn và ông cũng từng bước làm chủ được kỹ thuật chăm sóc nên chất lượng quả tốt hơn, vừa dễ tiêu thụ mà giá thành lại cao. “Cây chanh leo có thời vụ thu hoạch khá dài, từ trung tuần tháng 6 đến tháng 12. Mỗi héc-ta có thể trồng khoảng 600 - 650 gốc chanh leo và nếu chăm sóc tốt thì mỗi gốc có thể cho thu hoạch 50 kg/tháng”, ông Phúc cho biết.
Xã Điện Quan hiện có hơn 10 ha chanh leo. Cùng với các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác đang được thực hiện hiệu quả trên địa bàn, mô hình trồng chanh leo đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng giá trị canh tác lên 150 triệu đồng/ha/năm. Ông Hoàng Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Điện Quan cho biết: Năm nay, xã tiếp tục nhân rộng mô hình này thêm khoảng 20 ha. Cùng với việc hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ cây giống cho người dân, xã sẽ thành lập và duy trì hoạt động của hợp tác xã nhằm thúc đẩy việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chanh leo.
Tại xã Phúc Khánh, những ngày này vườn chanh cũng bắt đầu chín đỏ. Những vạt đồi trồng ngô và sắn trước đây nay đã thay thế bằng những giàn chanh leo trĩu quả. Xã hiện có 6 ha chanh leo. Là cây trồng mới, lần đầu tiên được trồng thử nghiệm trên đất Phúc Khánh nhưng sau gần 1 năm trồng đã thấy rõ sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Với hiệu quả bước đầu, dự kiến trong thời gian tới, xã sẽ mở rộng diện tích lên 10 ha.
Ông Nông Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh cho biết: Để phát triển cây chanh leo trên địa bàn, xã đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai chương trình cho vay ưu đãi gắn với chương trình khuyến khích phát triển cây chanh leo, từ đó nhiều hộ đã đăng ký vay vốn trồng thử nghiệm loại cây này.
Huyện Bảo Yên hiện có 30 ha cây chanh leo, trồng tập trung ở các xã: Điện Quan, Thượng Hà và Phúc Khánh. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, huyện đã phối hợp Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại tất cả các xã thực hiện mô hình. Năm 2020, dự kiến các xã sẽ trồng thêm 30 ha chanh leo. Ngoài mô hình trồng đại trà, huyện Bảo Yên cũng thí điểm 3.000 m2 chanh leo trong nhà lưới, đây là mô hình mang lại giá trị kinh tế cao để người dân trong vùng đến tham quan học tập kinh nghiệm.
Ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Cây chanh leo được xác định là 1 trong 6 cây trồng chủ lực của huyện nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa trên địa bàn. Dù còn nhiều khó khăn khi phải thực hiện các kỹ thuật mới và yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, song cây chanh leo hứa hẹn trở thành cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân Bảo Yên.
Châu chấu tre gây hại gần 30ha cây trồng ở Mường Chà
Bà Lâm Thị Thương Huyền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà (Điện Biên), cho biết: Hiện nay, châu chấu tre đã xuất hiện và gây hại ở thị trấn Mường Chà và các xã: Mường Mươn, Sa Lông, Na Sang, Huổi Lèng, Ma Thì Hồ và Huổi Mí. Riêng ở xã Ma Thì Hồ, châu chấu tre đã xuất hiện tại khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào cách đây hơn chục ngày; đối với thị trấn Mường Chà và các xã còn lại mới phát hiện từ ngày 25/7.
Châu chấu gây hại trên cây ngô tại địa bàn xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà). Ảnh: Báo Điện Biên Phủ.Được biết, châu chấu thường xuất hiện ở các bìa rừng, nguồn thức ăn chính là tre, trúc, khi cạn nguồn thức ăn sẽ chuyển sang ăn các cây trồng nông nghiệp khác, như: lúa, ngô. Qua kiểm tra, rà soát, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà thống kê diện tích châu chấu tre gây hại khoảng 29ha; trong đó 20ha tre, trúc, sặt, chít; 7ha lúa nương và 2ha ngô.
Do châu chấu tre chỉ xuất hiện, tập trung ở một vị trí trong thời gian ngắn (1 - 2 ngày) rồi lại di chuyển đến nơi khác nên rất khó để phun thuốc phòng trừ. Vì vậy, cơ quan chuyên môn đang tiến hành theo dõi sự xuất hiện, hướng bay của châu chấu tre để có giải pháp phòng trừ; đồng thời đề nghị các địa phương chỉ đạo người dân thực hiện các giải pháp xua đuổi thủ công thay vì phun thuốc diệt trừ châu chấu vì không hiệu quả. Đặc biệt là trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 là thời gian châu chấu di chuyển gây hại mạnh nhất trong chu kỳ, người dân cần thường xuyên kiểm tra diện tích nương ngô, lúa để đề phòng châu chấu trưởng thành từ nơi khác tràn vào địa bàn gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp.
Theo V.N (tổng hợp)/kinhtenongthon.vnNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã