Theo anh Phương, trước năm 1998 vùng đất Hiệp Phước nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa một năm 2 vụ. Nông dân trồng lúa chỉ đủ ăn, không có lời.
Khái niệm nuôi tôm, nhất là nuôi tôm công nghệ cao chưa có trong tâm thức của nông dân vùng đất Hiệp Phước.
Huyện Nhà Bè nằm án ngữ trên đoạn đường thủy huyết mạch từ biển Đông vào nội thành của TP Hồ Chí Minh.
Do ở gần cửa sông, tiếp giáp với biển, nên nguồn nước ngọt dành cho sinh hoạt và sản xuất của huyện rất khan hiếm. Vào mùa khô thường xuyên thiếu nước ngọt nên nông dân trồng lúa không có năng suất cao.
Trước tình trạng trồng lúa thu nhập bấp bênh, năm 1998, anh Phương quyết định chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 1ha.
"Bước đầu nuôi tôm thẻ, tôi gặp rất nhiều khó khăn và thất bại nhiều vụ. Thời điểm đó, do tôi kinh nghiệm nuôi tôm chưa có, thời tiết lại thay đổi thất thường, dịch bệnh trên tôm thường xuyên xảy ra", anh Phương chia sẻ.
Sau những thất bại, cùng với sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, anh Phương đã tham gia các lớp tập huấn về nuôi tôm thẻ chân trắng, tham quan các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình nuôi tôm trong, ngoài TP.
Có được kiến thức, kinh nghiệm, anh Phương nâng quy mô lên 2ha và áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm.
Anh Phương đầu tư 2 tỷ đồng cho ao nuôi tôm công nghệ cao với máy cho ăn tự động, lắp đặt quan trắc theo dõi các chỉ số về môi trường để nuôi tôm 2-3 giai đoạn.
"Mỗi vụ nuôi tôm khoảng 110 -115 ngày. Với diện tích 2ha ao tôm, tôi thu hoạch hơn 40 tấn tôm thẻ/vụ. Với giá bán tôm thẻ từ 190.000 – 220.000 đồng/kg (cỡ 20 -28 con/kg), tôi thu lời khoảng 2 tỷ đồng/vụ nuôi tôm", anh Phương thổ lộ.
Từ lợi nhuận nuôi tôm công nghệ cao bước đầu, hiện anh Phương đã mở rộng mô hình hơn 7ha với 24 ao nuôi công nghệ cao.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Phước Trần Quang Vinh, với 23 năm kinh nghiệm nuôi tôm công nghệ cao, anh Phương đi đầu nhân rộng mô hình này trên địa bàn.
"Anh Phương là người rất chịu khó, luôn tìm tòi học hỏi, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ KHKT nên nuôi tôm khá thành công", ông Trần Quang Vinh nhận xét.
Cũng theo ông Vinh, không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của gia đình anh Phương còn tạo việc làm cho khoảng 20 lao động tại địa phương.
Mỗi lao động làm việc tại trang trại nuôi tôm công nghệ cao của anh Phương có thu nhập 10 – 20 triệu đồng/tháng. Không những vậy anh còn chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm công nghệ cao cho khoảng 30 hộ nuôi tại địa phương.
Cùng với đó, hàng năm anh Nguyễn Văn Phương đều tham gia đóng góp cho các phong trào an sinh xã hội do Hội Nông dân phát động, như: Trao học bổng cho học sinh, tặng quà cho hội viên nông dân khó khăn…
Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP HCM) cho biết, từ năm 2015 – 2020, anh Phương được Hội Nông dân TP công nhận "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp TP".
Đặc biệt, năm 2020, anh Phương được TP HCM vinh danh "Nông dân tiêu biểu cấp thành phố năm 2020" do thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao và có nhiều đóng góp tiêu biểu cho các phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động.
Theo Trần Đáng/danviet.vn
https://danviet.vn/lieu-nuoi-tom-cong-nghe-cao-anh-nong-dan-tp-ho-chi-minh-thanh-ty-phu-noi-cua-song-nha-be-20210614211627245.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã