Đứt gãy chuỗi ngành hàng
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Trần Đình Luân cho biết, chuỗi ngành hàng cá tra đang bị đứt gãy nghiêm trọng. Cụ thể, sản xuất cá giống, sản lượng thả nuôi và cá tra thương phẩm đều giảm mạnh. So với cùng kỳ năm 2020, tháng 7 năm nay, sản lượng thu hoạch cá tra thương phẩm làm nguyên liệu giảm 20%, sang tháng 8 giảm tới 44%. Nửa đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm 77% so với cùng kỳ.
Việc này khiến lượng cá tra tồn đọng rất lớn, giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh, dao động ở mức 21.000-22.000 đồng/kg.
Tính đến đầu tháng 9 có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng, số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%. Các nhà máy hoạt động công suất cũng chỉ đạt 30-40%.
Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, thông tin, tỉnh này còn tồn 20.000 tấn cá tra thương phẩm. Vĩnh Long lại chỉ có 2 DN sản xuất chế biến cá tra.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 8 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,054 tỷ USD, trong đó, tháng 8 đạt 85 triệu USD, giảm 31% so với tháng 7/2021.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thuỷ sản, tháng 9, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra cũng giảm như tháng 8.
Đến nay, ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn khi số công nhân đi làm giảm, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 1 mới đạt từ 10% - 90% (tùy địa phương, doanh nghiệp), tiêm đủ 2 mũi chỉ khoảng 10%; việc đi lại giữa các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn… Với giá thức ăn tăng, chi phí sản xuất lớn, giá thành sản xuất cá tra giống và cá tra thương phẩm hiện cao hơn giá bán, nhiều doanh nghiệp, nông dân thua lỗ.
Ông nhận định, chuỗi ngành hàng cá tra đã đuối sức. Doanh nghiệp (DN) đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí sản xuất đội lên cao, vật tư đầu vào, giá ước vận tải đều tăng mạnh. Đặc biệt, DN thiếu nguyên liệu chế biến, thiếu lao động để duy trì sản xuất và tăng công suất.
“Giờ là cuối tháng 9, nếu không phục hồi khẩn cấp sẽ không kịp phục vụ đơn hàng cuối năm”, ông nói.
Bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thừa nhận, nhiều DN có nguy cơ không thể trả các đơn hàng, đồng thời không dám nhận đơn hàng mới cho dịp cuối năm và đầu năm 2022.
Đáng nói, các hộ đã ngưng thả giống 2 tháng nay. Do đó, cuối năm nay và đầu 2022 có thể sẽ thiếu giống cá tra, dẫn đến thiếu nguyên liệu cục bộ.
Linh hoạt là “cửa sống”
Tại Hội nghị "Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội” Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tin nhắn ông nhận được về việc “con cá tra đuối sức quá rồi”. Khi đó, ông có trả lời vui rằng, kêu trời trời không thấu vì ở rất xa, còn chúng ta đang ở rất gần nhau nên hãy ngồi lại cùng nhau tìm ra không gian phát triển.
“Nếu các tỉnh tách rời hai mục tiêu, chú trọng chống dịch mà bỏ qua kinh tế và ngược lại thì rất dễ. Cái khó là phải dung hoà hai mục tiêu này mà vẫn đảm bảo an toàn. Chữ linh hoạt mới là cửa sống của chúng ta hiện nay”, Bộ trưởng nói.
Theo ông Hoan, nhiều khi khe cửa rất hẹp, nhưng biết ngồi lại với nhau tìm giải pháp thì sẽ mở toang được cánh cửa. Đây là thời điểm chúng ta phải liên kết vùng, trong đó tính tới phát triển không gian kinh tế vùng. Từ đó, thay đổi tư duy để 13 tỉnh ĐBSCL trở thành một thực thể kinh tế chứ không phải 13 thực thể hành chính như hiện nay.
“Một miếng cá tra phi lê xuất khẩu liên quan tới rất nhiều vùng: từ vùng làm giống tới ao nuôi, thức ăn rồi thu hoạch, chế biến, chở ra cảng để xuất khẩu. Nếu không có liên kết vùng thì không thể làm được", ông nói và nhấn mạnh, Bộ NN-PTNT sẽ tạm thời giữ vai trò kết nối để 13 tỉnh ĐBSCL thành một thực thể kinh tế.
Bộ trưởng cũng cho rằng, các DN chế biến phải tính toán, lên được kế hoạch sản xuất trong hoàn cảnh bình thường mới, bởi chúng ta sẽ phải sống chung với dịch.
Bà Tô Thị Tường Lan cho rằng, cần thay thế phương án "3 tại chỗ" bằng những phương án hiệu quả hơn, giảm chi phí và tạo sự an toàn, an tâm cho người lao động làm việc. Đồng thời, cho phép các nhà máy có số lượng tiêm mũi hai vắc xin trên 60%, có năng lực quản lý kiếm soát dịch tốt trong 3 tháng qua và điều kiện nhà xưởng đảm bảo quy định của Bộ Y tế được mở rộng quy mô tối đa.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn kiến nghị, cần có chính sách để con cá tra vượt qua ranh giới các tỉnh. Các tỉnh nuôi và chế biến cá tra phải có tuyên bố chung cho công nhận công đoàn đã và đang thực hiện "3 tại chỗ" và cấp “thẻ xanh công đoàn thu hoạch cá tra liên tỉnh”. Từ đó, tiến tới cấp "thẻ xanh công nhân" liên tỉnh.
Theo bà Khanh, nếu chúng ta giải quyết được những khó khăn trên thì doanh nghiệp sẽ chớp được thời cơ để phục hồi sản xuất, duy trì được tăng trưởng của ngành.
Các địa phương cùng hành động
Tại tỉnh An Giang, năm 2021, tỉnh có kế hoạch sản xuất 10 tỷ cá tra bột, 2,2 tỷ con cá tra giống, cá tra thương phẩm 445.000 tấn. Về cơ bản, tỉnh vẫn đang thực hiện tốt kế hoạch sản xuất. Về nuôi thương phẩm, tổng diện tích nuôi cá tra đạt 1.235ha (diện tích liên kết chiếm 87%), sản lượng ước 400.000 - 450.000 tấn/năm, tập trung tại các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân và TP Long Xuyên. Sản lượng thu hoạch 9 tháng của năm 2021 ước đạt 310.000 tấn, bằng 98,79% so cùng kỳ năm 2020 (giảm 3.800 tấn). Riêng diện tích đang nuôi cá tra thương phẩm của doanh nghiệp hiện đạt 852,7ha tại 37 vùng nuôi.
Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh đang xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế thích ứng với dịch Covid-19 theo 3 kịch bản: Dịch bệnh nghiêm trọng, dịch bệnh có thể kiểm soát và trở lại trạng thái bình thường mới. Để không thể thiếu hụt cá giống, An Giang đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp lớn, như: Vĩnh Hoàn, Việt Úc, Sao Mai, Nam Việt… để chuẩn bị đàn cá tra bố mẹ, hậu bị ngay từ thời điểm này để đáp ứng nhu cầu con giống cá tra cho tái sản xuất.
Nhằm tạo thuận lợi cho ngành hàng cá tra, cũng như chuỗi sản xuất nông nghiệp, An Giang thành lập các tổ phản ứng nhanh từ tỉnh đến cấp huyện, xã để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn kịp thời. Trong số 19 nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang, hiện có 13 nhà máy vẫn duy trì hoạt động, 6 nhà máy đã tạm ngưng hoạt động. Tỉnh đã làm việc với 6 nhà máy này, nếu thỏa mãn “3 xanh” (doanh nghiệp xanh, công nhân ở vùng xanh, công nhân có kiểm soát) thì được sản xuất; nếu không đáp ứng “3 xanh” thì có phương án khác để phục hồi sản xuất.
Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, phương án sản xuất “3 tại chỗ” chỉ là tạm thời trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài bởi hiệu quả không cao. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị các phương án sản xuất thích ứng với từng tình huống dịch bệnh; chia nhiều dây chuyền, ca, kíp sản xuất để hạn chế thiệt hại khi có ca nhiễm. Đối với các doanh nghiệp thủy sản lớn, cần xây dựng nhiều nhà máy ở nhiều tỉnh khác nhau để linh hoạt tăng, giảm công suất theo tình hình dịch bệnh.
Trong công tác phòng, chống dịch, An Giang tiến hành khoanh vùng nhỏ nhất nhằm hạn chế ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân. Về lâu dài, có thể nghiên cứu cấp “thẻ xanh” cho công nhân ở vùng xanh, vùng vàng có kiểm soát được đi lại nơi sản xuất; đối với công nhân vùng cam, nếu được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 và kiểm soát dịch bệnh, cũng được tham gia vào dây chuyền sản xuất…
Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề nghị các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có tiếng nói chung trong quy định đi lại, kiểm soát phương tiện, con người; cùng đưa ra công thức chung trong kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động có tính chất liên vùng như chuỗi sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Đối với Bộ Tài chính, cần có chính sách hỗ trợ về thuế; Ngân hàng Nhà nước có chính sách về vốn, lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ nhằm giúp các doanh nghiệp thủy sản phục hồi sản xuất.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn Trương Thị Lệ Khanh cho rằng, đặc thù ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi nào có dòng nước ngọt sông Tiền, sông Hậu kết nối là nghề nuôi cá tra phát triển. Có những vùng sản xuất giống, nuôi cá tra thương phẩm, nhà máy chế biến nằm cách nhau một con sông nhưng khác huyện, khác tỉnh. Do vậy, việc áp dụng quy định phòng, chống dịch theo cách riêng của từng địa phương đang gây khó khăn, ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất, thu hoạch, thu mua, vận chuyển, chế biến cá tra. Nguyên nhân do vùng nuôi, nhà máy, công nhân trong công đoàn thu hoạch cá, hộ sản xuất cá giống, cán bộ kỹ thuật kiểm tra giống, công nhân sản xuất… ở nhiều huyện, tỉnh khác nhau nhưng các địa phương, chốt chặn lại áp dụng quy định giấy đi đường, xét nghiệm, quy định cách ly khác nhau. Nhiều công nhân sau khi đi thu hoạch cá, xuống giống ở vùng khác về nhà lại bị cách ly, ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt gia đình nên ngại tham gia.
Phép thử cho tư duy liên kết vùng
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chuỗi sản xuất nông nghiệp, thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long giống như những mạch máu chằng chịt trong cơ thể; mạch máu nơi này đứt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nơi khác. Dịch Covid-19 như một phép thử cho tư duy liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long. “Chúng tôi đánh giá ở TP Hồ Chí Minh, dù dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng, tác động nặng nề hơn nhưng sẽ phục hồi kinh tế nhanh hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân do TP Hồ Chí Minh là một thực thể kinh tế, dễ đồng thuận và thống nhất trong triển khai chiến lược phục hồi sản xuất - kinh doanh. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 13 tỉnh, thành phố là 13 thực thể khác nhau, nếu chiến lược khác nhau thì sẽ không thống nhất. Trong khi đó, chuỗi ngành hàng nông nghiệp, thủy sản ở từng tỉnh không thể tách rời nhau. Con cá, con tôm, hạt lúa, trái cây thu hoạch ở tỉnh này nhưng vận chuyển, chế biến, tiêu thụ phải qua tỉnh khác” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long làm đầu mối tham mưu UBND tỉnh cùng thống nhất về kế hoạch phục hồi kinh tế thích ứng linh hoạt, có hiệu quả với tình hình dịch Covid-19. Trong đó, có tiếng nói chung, công thức chung trong quy định đi lại, kiểm soát dịch bệnh, hoạt động của doanh nghiệp đòi hỏi tính liên kết vùng cao như nông nghiệp, thủy sản. “Sự đồng thuận, thống nhất cao trong vùng sẽ tạo được khí thế mới, tạo động lực, niềm tin để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững” - ông Lê Minh Hoan tin tưởng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), XK cá tra Việt Nam tháng 8/2021 đạt 87,5 triệu USD, giảm 30,66% so với tháng trước và giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng 8 tháng đầu năm nay, XK cá tra đạt 994,2 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ 2020. Cá tra Việt Nam có ở 139 thị trường trên thế giới. Về thị trường tháng 8/2021, XK cá tra sang Trung Quốc giảm 46,7% so cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 8/2021, XK cá tra sang thị trường này đạt gần 262 triệu USD, giảm 11,5%. Ngược lại, với thị trường Mỹ, tháng 8/2021, các doanh nghiệp (DN) cá tra được hưởng mức thuế chống bán phá giá tốt vẫn cố gắng tận dụng cơ hội khi Mỹ rộng cửa nhập khẩu sản phẩm cá tra đông lạnh. XK cá tra sang Mỹ tháng 8/2021 vẫn tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2020. Tổng 8 tháng đầu năm nay, XK cá tra sang Mỹ đạt gần 225 triệu USD, tăng 45,5% so cùng kỳ năm ngoái. Tại khu vực châu Mỹ còn có các thị trường tiềm năng như Mexico, Brazil, Colombia… được trông đợi nhiều trong năm nay do nhu cầu gia tăng. Ngoài ra, một số thị trường mới nổi trong năm 2021 đang hứa hẹn nhiều hy vọng như Colombia, Nga, Ai Cập. Tính đến hết tháng 8/2021, XK cá tra sang Colombia đạt 28,11 triệu USD (tăng 65,7%); sang Nga đạt 23,7 triệu USD (tăng 113,7%) và Ai Cập đạt 18,7 triệu USD (tăng 87,6%)… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã