Học tập đạo đức HCM

Đổi mới & Thích ứng: Cây lúa thuận thiên

Thứ năm - 30/09/2021 07:14
Để sản xuất lúa thuận thiên, điều cần thiết không gì hơn là phải lui về quá khứ để nhìn thấy được tương lai.

Chuyển hướng sản xuất nông nghiệp từ thói quen sử dụng hóa chất sang sản xuất thuận thiên - thuận theo tự nhiên là một việc làm không hề đơn giản, vì nó cần phải vượt qua hai rào cản đó là sự quyết tâm của con người và sự giúp sức của tự nhiên. Nghị quyết 120/NQ-CP đã thể hiện sự quyết tâm ở chính sách, nhưng giải pháp thực hiện dường như chưa thỏa mãn mong đợi.

I.

Trong quá khứ, ông cha ta đã dày công mở cõi vùng ĐBSCL, một vùng đất chủng, ngập nước và trù phú về sản vật, để sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa. Nền nông nghiệp đó được gọi là “lạc hậu”, vì cơ sở hạ tầng và kỹ thuật chưa thật hoàn chỉnh.

Thế nhưng, lợi ích của nó không mâu thuẫn với tự nhiên, mà tuân thủ quy luật tự nhiên, nên được tự nhiên nuôi dưỡng. Canh tác thời đó không hóa chất, đất đai được tăng cường dinh dưỡng từ phù sa, con người có thể dùng được sản vật tự nhiên mà hệ thống canh tác này mang lại.

Lúa mùa ở giai đoạn mới cấy và sau 1 tháng ở vùng đất 3 vụ, tỉnh An Giang. Ảnh: LTP.

Lúa mùa ở giai đoạn mới cấy và sau 1 tháng ở vùng đất 3 vụ, tỉnh An Giang. Ảnh: LTP.

Từ khi xuất hiện các giống lúa cải tiến, áp dụng hóa chất, và xây dựng hệ thống đê ngăn lũ tăng vụ thì canh tác lúa dần xa lánh tự nhiên. Con người tiếp cận thực phẩm từ thiên nhiên ngày càng ít, phải tốn nhiều chi phí để có được những sản vật mà ngày xưa được tự nhiên ban tặng. Với hiện trạng như hiện nay, chúng ta có thể làm gì để hạn chế được sự “xung đột” với tự nhiên, giúp cho sản xuất lúa bền vững hơn và cũng là nền tảng cho các vùng sản xuất khác?!

Phương thức sản xuất nông nghiệp cụ thể là sản xuất lúa theo hướng thuận thiên hiện vẫn còn tồn tại ở vùng ĐBSCL. Đó là những nơi mà điều kiện canh tác còn những vướng mắc và khó khăn thì cây lúa mùa lại phát huy hiệu quả trong trong sản xuất.

Có thể thấy, cây lúa mùa vẫn còn được gieo trồng ở 8 tỉnh ĐBSCL, bao gồm: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Trà Vinh và Long An. Diện tích trồng lúa mùa vào khoảng 171.300ha, chiếm 4,21% diện tích trồng lúa hàng năm của ĐBSCL. Kiên Giang và Bạc Liêu là hai tỉnh duy trì diện tích lớn lúa mùa (gần 101.000ha), nhờ vào việc phát triển các hệ thống canh tác lúa - tôm, lúa - cá có hiệu quả kinh tế cao. Xu hướng mở rộng diện tích thực hiện mô hình lúa mùa - thủy sản ở các địa phương trên đang ngày càng tăng.

Mô hình lúa mùa - tôm sú tại tỉnh Kiên Giang. Ảnh: LTP.

Mô hình lúa mùa - tôm sú tại tỉnh Kiên Giang. Ảnh: LTP.

Cây lúa mùa có khả năng thích nghi rộng từ vùng thiếu nước ngọt, vùng ảnh hưởng mặn, phèn, đến vùng ngập lũ. Là loại cây sinh trưởng mạnh, nảy rất nhiều chồi/bụi, nên ít sử dụng phân hóa học. Đa số các giống lúa mùa đều có quang kỳ, trổ bông trong điều kiện ngày ngắn, tầm tháng 9-10 âm lịch khi độ dài ngày vào khoảng 10 giờ nắng/ngày.

Thời gian chín vào cuối mùa mưa, lúc mà nước lũ trên đồng rút cạn dần. Dựa vào thời gian chín, người ta chia lúa mùa thành các nhóm như: chín sớm (thu hoạch ở tháng 10 âm lịch), chín trung gian (thu hoạch ở tháng 11 âm lịch) và chín muộn (thu hoạch trước và sau tết âm lịch).

Bên cạnh đó, lúa mùa còn được chia theo mức độ chịu ngập nước như: lúa nổi (chịu ngập từ >100 cm), lúa nước sâu (từ 51 - 100cm), lúa ngập sâu - nước trời (từ 16 - 50cm) và lúa nước trời - ngập nông (từ 5 - 15cm). Như vậy, khi kết hợp về thời gian sinh trưởng và mức độ chịu ngập, chúng ta sẽ có những nhóm giống lúa mùa có thể thích nghi ở nhiều điều kiện sinh thái và có thể sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau.

Nhóm lúa mùa

Khả năng chịu ngập nước

>100 cm

(1)

Từ 51-100 cm

(2)

Từ 16 - 50 cm

(3)

Từ 5 - 15 cm

(4)

Chín sớm (A)

A1

A2

A3

A4

Chín trung gian (B)

B1

B2

B3

B4

Chín muộn (C)

C1

C2

C3

C4

II.

ĐBSCL nằm trong lưu vực sông Mekong với lưu lượng nước vào khoảng 475 tỉ m3/năm. Trong đó, khoảng 80% lượng nước được chuyển vào mùa mưa và 20% được chuyển vào mùa khô. Khi mùa lũ về sẽ mang theo nguồn phù sa và nguồn lợi thủy sản dồi dào giúp cho ruộng đồng tươi tốt cũng như cung cấp nguồn thực phẩm và dinh dưỡng cho người dân.

Lúa mùa được trồng thử nghiệm ở vùng phèn nặng và ngập nước, tỉnh An Giang. Ảnh: LTP.

Lúa mùa được trồng thử nghiệm ở vùng phèn nặng và ngập nước, tỉnh An Giang. Ảnh: LTP.

Từ khi phát triển lúa vụ 3 bằng các giống lúa cao sản không chịu ngập, quản lý nước ở mức thấp (từ 5 - 15cm) thì chúng ta dần xa rời tự nhiên và không còn tiếp nhận các huê lợi mà tự nhiên mang lại. Lượng nước dư thừa trong mùa mưa lũ thay vì được đồng ruộng hấp thu, thì nay được chuyển đi để gây áp lực cho vùng cây ăn trái và các đô thị ở hạ lưu. Phù sa và nguồn lợi thủy sản về cũng không được đồng ruộng đón nhận, nên chúng chỉ quanh quẩn ở những con sông hoặc đổ ra biển. Từ đó, dẫn đến nguồn tài nguyên thiên nhiên không những bị lãng phí, kiệt quệ mà còn tác động xấu đến các vùng khác.

Năm 2020, nước lũ về không nhiều, nhưng các vùng cây ăn trái (Vĩnh Long, Cần Thơ và Đồng Tháp) và các đô thị vùng hạ lưu chịu ngập nặng. Trong khi vụ lúa Thu Đông, đồng ruộng khô cạn vì đang thời kỳ xiết nước cho lúa bám rễ sâu.

III.

Xu hướng nghiên cứu khoa học gần đây thường tìm về các kiến thức bản địa để kết hợp với kiến thức hiện đại nhằm đưa ra các giải pháp tối ưu trong việc thích ứng với BĐKH. Canh tác lúa cũng vậy. Chúng ta cũng có thể sử dụng các nguồn gen giống lúa bản địa để giúp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nước, phù sa và thủy sản.

Điều này có thể chứng minh qua lịch sử tồn tại hàng thế kỹ của cây lúa mùa, chúng không hề xung đột với lợi ích tự nhiên. Những giống lúa mùa với khả năng thích nghi từ cạn đến sâu có thể áp dụng cho các khu vực phù hợp để giúp cho việc tái tạo lại không gian trữ nước, phù sa và không gian cho thủy sản.

Chúng ta cũng có thể cải tiến phương pháp gieo sạ lúa mùa, giúp rút ngắn thời gian sinh trưởng, phù hợp với điều kiện canh tác hiện đại dựa trên đặc tính nảy chồi mạnh của chúng. Kinh nghiệm sản xuất của nông dân Cần Được - Long An đối với giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào (giống chín muộn), nông dân thường cấy rất trễ (vào tháng 9 âm lịch), và thu hoạch là lúc gần Tết Âm lịch. Thời gian trồng lúa trên đồng chỉ còn khoảng 3,5 - 4,5 tháng.

IV.

ĐBSCL có hai “túi nước” là vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười gần 1,1 triệu héc-ta. Tuy nhiên, việc bao đê trồng lúa cao sản đã được phủ gần kín hai “túi nước” nói trên. Chúng ta nên có những công trình nghiên cứu mở rộng ứng dụng cây lúa mùa để phục hồi các vùng trữ lũ cho ĐBSCL.

Hệ thống đê bao hiện có, thay vì ngăn lũ giờ đây sẽ trở thành nơi trữ lũ, phù sa, thủy sản và ngăn các rũi ro ở những lúc lũ bất thường. Sau vụ lúa mùa, cũng có thể trở lại trồng lúa cao sản hoặc luân canh với các loại cây màu khác nhằm tận dụng được ẩm độ và dinh dưỡng, giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sản vật tự nhiên từ ruộng lúa mùa ở vùng phèn nặng và ngập nước, tỉnh An Giang. Ảnh: LTP.

Sản vật tự nhiên từ ruộng lúa mùa ở vùng phèn nặng và ngập nước, tỉnh An Giang. Ảnh: LTP.

Nguồn gen các giống lúa mùa vẫn đang được lưu trữ tại các viện/trường, nên có rất nhiều cơ hội để tìm ra được các giống lúa mùa phù hợp mục tiêu và có chất lượng gạo vượt trội. Nếu tận dụng được nguồn gen các giống lúa quý này để phát triển các mô hình canh tác lúa thuận thiên thì có thể mở ra những công dụng khác cho canh tác lúa trong tương lai.

Là loại cây ít đáp ứng với phân hóa học, dinh dưỡng từ phù sa cũng đủ để cây lúa mùa phát triển tốt, cho năng suất. Chúng ta có thể xây dựng được các mô hình nông nghiệp sạch, tiến tới việc canh tác nông nghiệp hữu cơ ngày càng nhanh hơn để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Điều kiện về sự giúp sức của tự nhiên vẫn còn đó, tuy nhiên rất cần sự lựa chọn giải pháp hợp lý từ phía con người. Nghị quyết 120/NQ-CP chính là cơ hội để thúc đẩy sự lựa chọn giải pháp “tôn trọng quy luật tự nhiên” càng trở nên hiện thực hơn. Trồng lúa không chỉ đem lại nguồn lương thực mà còn phải làm sao để bảo vệ sinh thái, môi trường, cung cấp các sản vật tự nhiên, bảo vệ sức khỏe người dân và tạo ra các thương hiệu có giá trị về kinh tế khác.

ThS Lê Thanh Phong

Theo Hoàng Vũ - Văn Vũ (ghi)/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/doi-moi-thich-ung-cay-lua-thuan-thien-d300676.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập131
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm110
  • Hôm nay38,591
  • Tháng hiện tại907,683
  • Tổng lượt truy cập90,971,076
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây