Phát biểu tại hội thảo, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Nam đánh giá, Việt Nam đã đạt được những thành tích phát triển hết sức ấn tượng, trong đó có khu vực nông nghiệp, tạo ra công ăn việc làm chính cho phần lớn lao động, trong đó 63% lao động phụ nữ làm trong lĩnh vực nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em nông thôn vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương. Cộng động quốc tế ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện lồng ghép giới và bình đẳng giới, đặc biệt là trong các quy định văn bản pháp luật, trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội mà Chương trình MTQG XDNTM giai đoạn 2016-2020 là một ví dụ điển hình về quá trình tăng cường cam kết của Việt Nam trong thực thi bình đẳng giới.
Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Nam phát biểu tại hội thảo
Theo nghiên cứu của một nhóm nghiên cứu độc lập cho thấy, mặc dù gần 86% các xã ở nông thôn Việt Nam hiện đã đạt được chỉ tiêu BĐG trong nông thôn mới, tuy nhiên vẫn còn có những bằng chứng rõ nét về bất bình đẳng giới ở nông thôn Việt Nam. Phụ nữ ở vùng nông có nguy cơ nghèo cao nhất, gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận các dịch vụ cơ bản cũng như dễ bị tổn thương bởi các yếu tố tác động. Bên cạnh đó, họ được thụ hưởng kết quả từ phát triển không ngang bằng so với nam giới.
Do vậy, cần có sự cam kết mạnh mẽ, vào cuộc của rất nhiều bên, nhiều bộ, ngành, địa phương để có thể giải quyết căn nguyên các ván đề bình đẳng giới ở vùng nông thôn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ, thảo luận về nhiều khía cạnh của vấn đề lồng ghép giới, bình đẳng giới trong CTMTQG XDNTM như phương pháp tiếp cận, nguyên tắc, tiêu chí, nội dung lồng ghép giới, qua đó nhằm phát hiện những vấn đề về LGG và thực trạng BĐG, đưa ra những khuyến nghị về LGG trong CTMTQGXDNTM giai đoạn 2021-2025.
TS Phạm Thái Hưng, thành viên nhóm nghiên cứu độc lập của tổ chức UN Wome cho rằng, vấn đề LGG cần được nhìn nhận đúng bản chất, đúng nghĩa, như một tiêu chí, một vấn đề toàn diện chứ không phải theo tính chất chuyên đề hẹp và phải được đưa vào trong thiết kế chương trình, trong các tiêu chí cụ thể; cần nâng cao tiếng nói của phụ nữ trong công tác tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch.
Với quan điểm “Phụ nữ là nhân tố trọng trong nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình”, “Đầu tư cho phụ nữ là đầu tư cho sự phát triển bền vững”, bà Trần Thu Thủy, Chánh Văn phòng TW Hội LHPN Việt Nam, chuyên gia Giới phân tích: Nếu sự quan tâm của chúng ta đối với lực lượng lao động nữ chưa thỏa đáng thì chúng ta đã để lãng phí một nguồn nhân lực quan trọng của xã hội, đặc biệt trong khu vực nông thôn.
Bà Trần Thu Thủy phát biểu tại hội thảo
Tất cả những yếu tố mang tính chất cơ sở hạ tầng không đảm bảo chúng ta có được nông thôn mới toàn diện nếu trong mỗi gia đình vẫn còn bạo lực giới, vẫn còn có sự bất bình đẳng trong thụ hưởng. CTMTQGXDNTM chủ yếu là ở cấp cơ sở, do đó cần có nguồn kinh phí cho cơ sở để thực hiện Chương trình một cách thỏa đáng. Ở góc độ Hội LHPN Việt Nam, Hội mong muốn được tham gia vào quá trình lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát, phát hiện và liên tiếng về các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện, thụ hưởng Chương trình.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng, đại diện Văn phòng Điều phối NTM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tình với ý kiến của bà Trần Thu Thủy khi cho rằng: Vấn đề LGG cần phải được nhận thức nghiêm túc theo hướng là yêu cầu để huy động đầy đủ các nguồn lực trong xã hội trong quá trình xây dựng đất nước, trong đó có CTMTQGXDNTM.
Ông Nguyễn Minh Tiến (phải ảnh)
Do đó cần thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để có thể giải quyết được căn nguyên của vấn đề một cách tổng thể và toàn diện. Ông Tiến cũng đưa ra một thực trạng, việc đưa LGG vào tất cả các tiêu chí, chỉ tiêu của Chương trình không phải lúc nào cũng nhận được sự thấu hiểu cũng như sự đồng tình của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu không thể đưa vào chỉ tiêu cứng trong Chương trình mà nên đưa vào hướng dẫn thực hiện.
Bà Nguyên Thị Kim Thúy, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: LGG là vấn đề khó, trong khi không phải ai cũng quan tâm, cũng hiểu thấu đáo, nổi bật như định kiến giới vẫn còn, số lượng phụ nữ tham chính còn thấp ảnh hưởng đến hoạch định chính sách, nguồn lực hạn hẹp cũng là yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng tới việc thực hiện LGG. Phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu về việc bố trí nguồn lực cho thực hiện BĐG. Bên cạnh đó, tính khả thi là rất quan trọng do đó phải suy nghĩ, đưa ra những nội dung, yêu cầu có thể thực hiện được.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy
Các ý kiến đóng góp tại hội thảo là cơ sở quý cho Hội LHPN Việt Nam tiếp thu, nghiên cứu nhằm hoàn thiện nội dung tài liệu vận động lồng ghép giới trong Chương trình MTQGXDNTM giai đoạn 2021-2025 để gửi đến các đại biểu quốc hội được đầy đủ thông tin, chính xác, có tính thuyết phục.
Dự thảo tài liệu Thúc đẩy lồng ghép giới trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 gửi Đại biểu Quốc hội khóa XIV của Hội LHPN Việt Nam tập trung phân tích các vấn đề: Khoảng cách giới trong khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam và thực hiện lồng ghép giới trong Chương trình MTQG NTM 2010-2020; Thực trạng thực hiện lồng ghép giới trong Chương trình MTQG NTM giai đoạn 2010-2020; Các khuyến nghị về lồng ghép giới trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình MTQG NTM giai đoạn 2021-2025. |
TTTT/http://hoilhpn.org.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã