Hội thảo Tổng kết Dự án và Đối thoại Chính sách liên quan tới Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 diễn ra ngày 25/12 tại TP HCM do Cục Trồng trọt phối hợp cùng Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) là Cơ quan Quản lý Dự án “Sản xuất lúa bền vững và Giảm phát thải khí nhà kính AgResults tại Việt Nam” (Dự án AVERP) tổ chức.
Bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án AVERP, cho biết, sau 5 năm triển khai tại tỉnh Thái Bình, Dự án đã tiếp cận hơn 23.000 nông hộ, giúp giảm phát thải 2 tấn CO2e/ha/vụ mùa, tăng năng suất và tạo sự thay đổi đáng kể trong phương thức canh tác truyền thống của nông dân, đặc biệt là công đoạn bón phân và xiết nước.
Dự án AVERP là một minh chứng sống động về việc sử dụng vai trò và nguồn lực của các công ty trong chuỗi giá trị lúa gạo để đẩy mạnh việc sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng hạt lúa từ khâu sản xuất và tổ chức thu mua theo chuỗi để tạo ra các loại gạo an toàn, chất lượng, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu trong khi đạt được các lợi ích kép về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Kết quả của Dự án AVERP được đánh giá cao và có đóng góp quan trọng trong việc định hướng cho Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Cục Trồng trọt.
Từ kết quả của Dự án AVERP, các đại biểu và chuyên gia tham dự Hội thảo đã có phần đối thoại và đóng góp ý kiến về Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 do Cục Trồng trọt chủ trì soạn thảo.
Theo PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo phải nhắm tới một mục tiêu quan trọng là làm nòng cốt đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Vì vậy, phải có chính sách để định hướng để chuyển đổi đất lúa trên phạm vi cả nước, theo hướng không làm mất cân đối cung cầu lúa cho từng vùng (bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ).
Việc chuyển đổi đất lúa nên tập trung ở ĐBSCL là nơi có sản lượng dư thừa cao (những địa bàn không chuyển đổi ở vùng này cần có chính sách giữ vững lúa phì nhiêu, năng suất cao, vùng lúa đặc sản, phẩm chất cao để làm nòng cốt cho an ninh lương thực và xuất khẩu).
Bà Trần Thu Hà đặt câu hỏi, với diện tích đất lúa hàng năm trên 7 triệu ha gieo trồng, thì tiềm năng cắt giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa cả nước là bao nhiêu, đóng góp như thế nào trong cam kết quốc gia về cắt giảm phát thải khí nhà kính? Đây là những vấn đề mà Cục Trồng trọt và các chuyên gia cần cân nhắc tính toán để đưa vào Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo.
Thanh Sơn/BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM (nongnghiep.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã