Học tập đạo đức HCM

Nam Định: Cả HTX nuôi cá VietGAP mỗi năm "nhẹ nhàng" thu lãi khoảng 25 tỷ đồng

Thứ ba - 01/12/2020 18:49
Miệt mài xây dựng thương hiệu chăn nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay sau nhiều năm Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa ở xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường (Nam Định) đã dần khẳng định được tên tuổi của mình trên thị trường.

Trung bình mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường gần 500 tấn cá các loại và hơn 10 tấn tôm thẻ chân trắng… thu lãi khoảng 25 tỷ đồng/năm.

Trắng tay vì dịch bệnh, khí hậu

Có dịp về thăm HTX nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa chúng tôi mới cảm nhận hết được quy mô rộng lớn của khu chăn nuôi thủy sản và những con người ngày đêm cặm cụi "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" xây dựng thương hiệu cá VietGAP Xuân Hòa nơi đây.

Chỉ tay về phía ao đầm đầy ắp cá tôm đang bơi lội phía xa, ông Lê Văn Bản - Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa hồ hởi cho biết, khu nuôi trồng thủy hải sản Xuân Hòa đã giúp nhiều gia đình đổi đời, có của ăn của để.

Thoát cảnh nợ nần nhờ nuôi cá VietGAP - Ảnh 1.

Ông Bản trộn cám, chuẩn bị thức ăn cho cá. Ảnh: T.N

Nhâm nhi chén trà đặc quánh, ông Bản kể cho chúng tôi cơ duyên khiến ông gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản- cái nghề vất vả được ví như nuôi con mọn. Lớn lên trên mảnh đất thuần nông, ngay từ nhỏ ông Bản đã thấu hiểu được nỗi vất vả "một nắng hai sương", những thiếu thốn quanh năm của gia đình nghèo. Dù chăm chỉ làm ăn, nhưng cuộc sống gắn bó với cây lúa cũng chẳng giúp gia đình ông khá giả là bao.

Năm 1981 xuất ngũ trở về quê, ông chọn công việc gắn bó với đồng ruộng. Năm 2002, trước chủ trương tỉnh Nam Định cho phép chuyển đổi diện tích trồng lúa ven sông Sò không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, ông Bản đã mạnh dạn chuyển đổi 10ha đất trồng lúa sang đào ao nuôi tôm.

Thoát cảnh nợ nần nhờ nuôi cá VietGAP - Ảnh 2.

Năm 2018- 2019, HTX nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa vinh dự được Bộ NNPTNT tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Sau gần 1 năm cải tạo ruộng lúa thành ao nuôi tôm, năm 2003 ông bắt đầu thả nuôi tôm sú. Nhờ áp dụng tốt kiến thức, kỹ năng chăn nuôi, năm đầu tiên tôm sú đã cho đầu ra ổn định. Năm 2004, 2005 ông Bản tiếp tục đầu tư nuôi tôm sú trên quy mô lớn, thế nhưng "trời chẳng chiều lòng người", tôm sú bị dịch bệnh đốm trắng khiến tôm chết hàng loạt. "Cơn bão" dịch bệnh đã cuốn đi gần 7 tỷ đồng tiền đầu tư của gia đình. Những tưởng đó sẽ là cú đánh khiến ông gục ngã, nhưng với bản tính của người lính Cụ Hồ, ông Bản lại gắng gượng vực dậy.

"Năm 2004, 2005 toàn bộ tôm sú nuôi trên địa bàn xã Xuân Hòa và xã Xuân Vinh bị dịch bệnh khiến gần 100ha nuôi tôm bị chết. Nhiều gia đình trắng tay, gần 7 tỷ đồng đầu tư của gia đình cũng bị bốc hơi. Thời điểm đó, nhà tôi vay ngân hàng 200 triệu đồng, không có tiền trả bị ngân hàng thu hồi, khóa cửa…"- ông Bản nhớ lại.

Khi dịch bệnh làm khu chăn nuôi trở lên tiêu điều, nhiều gia đình phải gánh nợ, cũng là lúc nhiều nhà phải bỏ quê đi, nhưng ông Bản vẫn gắng gượng chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền để nuôi tôm. "Đầu năm 2006, UBND huyện Xuân Trường có chủ trương cho vùng hải sản nuôi trồng đa con, nhận thấy mô hình nuôi tôm sú với cá vược cho thu nhập cao, tôi đã áp dụng. Trừ chi phí năm đó, tôi thu được hơn 1 tỷ đồng. Cũng chính nhờ mô hình này mà tôi vực lại kinh tế từ đó…"- ông Bản nói.

Thời tiết khắc nghiệt, năm 2007, 2008 nhiều cơn bão lớn đổ xô vào vùng đất Nam Định. Cả cánh đồng nuôi tôm cá trắng xóa bọt nước, bão đã "cướp" đi toàn bộ số thủy hải sản mà ông Bản đã nuôi trồng bấy lâu. Lần nữa, gia đình ông Bản trắng tay, đối mặt với nợ nần.

Nuôi cá VietGAP - hướng đi bền vững

Trong tâm trí ông Bản luôn lặp lại câu nói: làm giàu chẳng bao giờ là dễ. Ông bảo: Mình phải lấy câu nói đó làm tiêu chí để có chuyện gì xảy ra cũng không được nản lòng.

Năm 2014, ông đứng lên vận động một số hộ chăn nuôi thủy hải sản thành lập HTX. Và cái tên HTX sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa ra đời với 18 thành viên quản lý 15ha nuôi trồng thủy sản. "Với mong muốn thành lập HTX để đoàn kết nội bộ. HTX ra đời giúp bà con các khâu con giống, kỹ thuật, thức ăn và đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Từ ngày tham gia vào HTX, nhiều thành viên học hỏi được cách nuôi trồng thủy hải sản theo quy trình chuẩn, hạn chế việc tôm cá bị chết... Năm 2018 HTX đã kết nạp thêm 7 hộ gia đình khác nâng số hộ trong hợp tác xã lên 25 hộ với tổng diện tích 25ha", ông Bản cho biết.

Theo ông Bản, hiện HTX đang nuôi tập trung xen canh tôm thẻ chân trắng với các loài cá như cá lăng, cá trắm đen, trắm cỏ, cá chép. Trong 25ha nuôi thủy hải sản, có tới 8,1ha nuôi theo quy trình VietGAP từ năm 2016. Sắp tới sẽ có thêm 3ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP, nâng tổng diện tích chăn nuôi VietGAP lên 11,1ha.

Ông Bản cho hay, cá nuôi theo quy trình VietGAP được kiểm soát đặc biệt khắt khe từ đầu vào đến đầu ra. Ao nuôi được ghi chép theo dõi tỉ mỉ, các ao đều được gắn số; các hoạt động thả con giống, giờ cho cá ăn cũng được ghi chép cẩn thận. Theo quy định chăn nuôi sẽ không dùng thuốc kháng sinh, hóa chất, chỉ dùng men vi sinh để xử lý môi trường nước... do đó cá, tôm nuôi theo quy trình VietGAP có tỉ lệ thịt ngon hơn. Để tiết kiệm chi phí và kiểm soát dịch bệnh, HTX đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất cám. Hiện dây chuyền mới đáp ứng được 30% cám cho khu chăn nuôi.

Ông Bản nhẩm tính với 25ha, mỗi năm hợp tác xã cung ứng ra thị trường gần 500 tấn cá các loại và hơn 10 tấn tôm thẻ chân trắng. Với giá 65.000 đồng/kg cá lăng, 70.000 đồng/kg cá trắm đen, 48.000 đồng/kg cá trắm cỏ, 47.000 đồng/kg cá chép và tôm thẻ chân trắng từ 140.000 - 170.000 đồng/kgdoanh thu ước đạt trên 25 tỷ đồng/năm. Hiện HTX đang tạo công ăn việc làm cho 60 lao động chuyên môn.

Theo Thành Nam/danviet.
https://danviet.vn/nam-dinh-ca-htx-nuoi-ca-vietgap-moi-nam-nhe-nhang-thu-lai-khoang-25-ty-dong-2020112011011278.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập116
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm110
  • Hôm nay28,372
  • Tháng hiện tại895,883
  • Tổng lượt truy cập90,959,276
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây