Anh Nguyễn Văn Hòa (1990) chia sẻ bản thân sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp tại Gia Lai. Ngay từ nhỏ, anh đã thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người nông dân nên bản thân muốn học hành thật tốt để có thể tìm một ngành nghề khác không phải nông nghiệp như cha mẹ mình.
Anh Nguyễn Văn Hòa giới thiệu mô hình chăn nuôi sạch khép kín với khách thăm quan
Sau khi tốt nghiệp Đại Học chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng, anh nhanh chóng tìm được một công việc ổn định tại một ngân hàng thương mại ở Đồng Nai. Tuy nhiên, trong quãng thời gian gần 1 năm làm việc tại ngân hàng, được đi thăm quan, tiếp xúc và làm việc với nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả khiến chàng trai trẻ luôn có trăn trở về việc phát triển nông nghiệp tại địa phương và gia đình mình.
Cuối năm 2014, chàng trai 9X có quyết định bất ngờ là xin nghỉ công việc tại ngân hàng để về Gia Lai bắt tay vào làm nông nghiệp. Tuy nhiên, liên tiếp trong 2 năm là 2015 và 2016 anh liên tục thất bại với mô hình trồng dưa hấu, nuôi chim bồ câu pháp, nuôi rắn mối.... số vốn tích lũy ban đầu 200 triệu đồng cũng trôi theo các dự án thất bại.
Dù mất số tiền lớn, nhưng anh không chán nản, chàng trai trẻ dành thời gian đọc tài liệu, tìm hiểu những nguyên nhân khiến mình thất bại. Qua phân tích tài liệu, chàng trai trẻ nhận ra rằng bản thân chưa có đủ kỹ thuật, kinh nghiệm và mô hình không phù hợp nên dẫn đến những thất bại của mình.
Sau một thời gian nghiên cứu các mô hình làm nông nghiệp bền vững, mô hình VAC khép kín, anh Hòa quyết định đi theo hướng xây dựng mô hình nuôi trùn quế và sâu can xi làm chủ lực.
Thời gian đầu anh nuôi thử trùn quế và sâu can xi (ruồi lính đen) với diện tích 100m2. Những ngày đầu tiên dù chăm chút từng tí một nhưng cả tổ hợp trùn quế chậm lớn khiến Hòa lo lắng. Thế là Hòa ngược vào miền Nam tìm đến những cơ sở trùn quế lớn để học tập.
Rồi những ngày tháng nỗ lực, lăn lộn bên những vuông nuôi trùn đã mang lại kết quả khi trùn bắt đầu sinh sôi mạnh. Những tổ hợp trùn ngày càng lớn nhanh, chỉ chừng 4 tháng đầu tư, Hòa đã có thể thu phân trùn, trùn thịt và tiếp tục nhân giống. Nhu cầu khách hàng luôn cao, thế nên Hòa nhanh chóng bán ra 60.000-70.000 đồng/kg, có thời điểm giá lên tới 80.000 đến 90.000đ/kg và 3 triệu/tấn phân trùn quế.
Trang trại trùn quế của anh được nhiều khách hàng tại các tỉnh biết đến
Sau đó khi tích lũy thêm kinh nghiệm và vốn mở rộng quy mô trang trại, kết hợp đầu tư thu mua lại sản phẩm. Anh chia sẻ đến 2018 đã có 38 cụm trại khắp các khu vực chăn nuôi tập trung của Tây Nguyên đã hợp tác dùng trùn quế để xử lý chất thải.
Để vận hành mô hình của mình, anh Hòa tạo điều kiện cho lao động là thanh niên tại địa phương, vừa cùng anh thu gom phụ phẩm vừa nuôi trùn và thu hoạch phân trùn.
Anh cho biết, mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn góp phần vào giải quyết vấn đề rác thải nông nghiệp không được xử lý đúng cách và lãng phí dẫn đến ô nhiễm môi trường. Trại trùn quế Gia Lai ngày càng được biết đến nhiều hơn và đặt hàng ổn định với số lượng nhiều.
Anh cũng chia sẻ, có nhiều phương pháp nuôi trùn quế khác nhau: phương pháp ủ nóng, ủ nguội hoặc ủ hỗn hợp. Trại nuôi trùn quê rất đơn giản, chỉ cần có mái che mưa nắng nhưng đảm bảo độ thoáng mát, đủ lượng ánh sáng và độ ẩm cần thiết.
Từ việc nuôi trùn quế có thể thu được rất nhiều sản phẩm: trùn quế giống để cung ứng cho các đơn vị nuôi, nguồn phân bón chất lượng cao sau quá trình xử lý của trùn quế, phân bón ép viên để bón cho hoa lan, cây cảnh; trùn quế tươi thương phẩm là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho gà, vịt, ngan, ngỗng hay cá, gà…
Thậm chí, từ trùn quế thương phẩm còn có thể chế biến thành bột trùn quế, dịch trùn quế, mắm trùn quế… Rất nhiều lợi ích và giá trị từ việc khai thác các chuỗi giá trị xung quanh loài vật xưa nay nhiều người tưởng chừng rất ít giá trị này.
Trong quá trình khởi nghiệp, anh Hòa đã chuyển giao kĩ thuật và hỗ trợ tài chính cho những hộ dân khó khăn, thanh niên yếu vốn. Hiện trại trùn quế của anh đang tạo việc làm cho 6-8 thanh niên địa phương với thu nhập ổn định từ 6 - 9 triệu đồng/tháng.
Anh Hòa cho biết, hiện các sản phẩm của mình cũng đang được nhiều hộ gia đình chuyên nuôi thủy sản như tôm, cá, lươn,... tại khu vực miền Trung liên tục tìm đến để hợp tác.
Khi mô hình nuôi trùn quế hoạt động ổn định, chàng trai 9X Gia Lai đã quyết định đầu tư mở rộng hợp tác nuôi lợn sạch, nuôi cá chình. Đến năm 2019, chàng trai trẻ chính thức có những quy trình sản xuất, chăn nuôi theo hướng hữu cơ và cho ra sản phẩm sạch trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận.
Anh Hòa chia sẻ doanh thu từ chuỗi cụm trại liên kết và các nông sản hữu cơ trong năm 2019 được trên 3 tỷ đồng. Kết quả này đã đem lại niềm vui phấn khởi cho trại viên và những người đồng hành cùng anh từ những lúc khó khăn ban đầu.
Chàng trai trẻ có kế hoạch mở chuôi cửa hàng nông sản hữu cơ trong năm 2021
Hiện nay với tâm huyết đem ra thị trường nông sản hữu cơ Hòa cùng các bạn sinh viên chuyên ngành nông nghiệp mới ra trường, từng bước hoàn thiện quy trình và chất lượng nông sản để mở rộng thị trường. Về mục tiêu của mình, anh Hòa cho biết sẽ xây dựng một chuỗi cửa hàng nông sản hữu cơ với các sản phẩm từ chính nông trại khép kín của mình trong năm 2021.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp đầy chông gai thử thách của bản thân, anh Hòa cho rằng với các bạn đang có ý định khởi nghiệp cần phải chuẩn bị thật kĩ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng,... trước khi thực hiện mục tiêu của mình. Bên cạnh đó, anh cũng nhấn mạnh khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng của bản thân, cần phải quyết tâm theo đuổi đam mê, kiên trì học hỏi thì mới có thể vượt qua khó khăn và chinh phục được thành công.
Theo Trung Kiên/danviet.vn
https://danviet.vn/nghi-ngan-hang-ve-que-khoi-nghiep-9x-gia-lai-co-doanh-thu-tien-ty-moi-nam-50202024124593646.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã