Sau hơn 7 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, sự đồng thuận chung tay, góp sức của nhân dân, cả 13/13 xã (100% tổng số xã) trong huyện đã đạt chuẩn NTM.
Trong đó 4 xã (Bình Dương, Cao Đức, Đại Lai và Nhân Thắng) đạt chuẩn NTM năm 2015; 4 xã (Đại Bái, Đông Cứu, Lãng Ngâm và Vạn Ninh) đạt chuẩn năm 2016; 2 xã (Thái Bảo và Xuân Lai) đạt chuẩn năm 2017; 3 xã (Giang Sơn, Quỳnh Phú và Song Giang) đạt chuẩn 2018. Đây là tiền đề để huyện Gia Bình đạt chuẩn NTM năm 2018.
Công tác này luôn được Gia Bình chú trọng. Hàng năm, cán bộ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của huyện, xã, thôn đều được tham gia các lớp tập huấn.
Huyện đã phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ các ngành, đoàn thể, cán bộ xã, thôn về các nội dung: tuyên truyền, vận động tham gia xây dựng NTM; công tác lập, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng NTM; công tác huy động nguồn lực; lập hồ sơ...
Song song với công tác đào tạo cán bộ là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân.
Công tác tuyên truyền được triển khai liên tục, kiên trì bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Gia Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Phong trào “Bắc Ninh chung sức xây dựng NTM", gắn kết chặt chẽ với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.
Đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản của Trung ương, của tỉnh, các Nghị quyết chuyên đề của huyện, các đề án xây dựng NTM; tổng kết, đánh giá các mô hình điểm, nhân rộng các điển hình, những kinh nghiệm hay và cách làm sáng tạo.
Lãnh đạo huyện Gia Bình đã tổ chức nhiều đoàn công tác, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá tình hình, tiến độ triển khai xây dựng NTM tại các xã, nhất là các xã đăng ký đạt chuẩn. Qua kiểm tra, đã kịp thời động viên, đôn đốc, chấn chỉnh và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
Vì vậy, nhiều xã đã về đích trước thời hạn, như xã Đại Bái, Đông Cứu, Lãng Ngâm, Vạn Ninh, Thái Bảo, Xuân Lai.
Nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp được huyện phân bổ, quản lý, sử dụng đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng là nguồn lực chủ yếu đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn, xóm. Ngân sách cấp huyện ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí trường học, giao thông, kênh mương nội đồng, sân vận động, nhà văn hóa xã, thôn, xóm và trạm y tế và đầu tư phát triển sản xuất.
Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình ưu tiên công trình phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh thiết yếu như nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, trường học, giao thông và trạm y tế, ...
Với vốn hỗ trợ của doanh nghiệp, huyện khuyến khích, thu hút, động viên các doanh nghiệp đầu tư vào cấp nước tập trung, sản xuất công nghiệp, nghề mộc, vật liệu xây dựng, dịch vụ thương mại, du lịch... Động viên doanh nghiệp xây dựng công trình phúc lợi, nhà tình nghĩa, công trình tâm linh.
Đối với nguồn vốn của nhân dân đóng góp đảm bảo công khai, dân chủ, do người dân tự bàn bạc, quyết định, không áp đặt. Nhân dân trực tiếp quản lý, quyết định đầu tư, sử dụng vốn do mình đóng góp thông qua các Ban Phát triển thôn, Ban giám sát cộng đồng.
Đã xây dựng 13 sản phẩm OCOP trên địa bàn; năm 2020, có 3 sản phẩm được hội đồng đánh giá xếp hạng 4 sao gồm: Rượu gạo nguyên chất Cuốc Lủi, Rượu gạo thượng hạng KING BAC, Tỏi đen một nhánh Gia Bình.
Sau khi huyện đạt chuẩn NTM năm 2018, sang năm 2019 UBND huyện Gia Bình đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xã NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu.
Ngày 10/9/2020, UBND huyện Gia Bình đã tổ chức Hội nghị triển khai bộ tiêu chí NTM nâng cao theo Quyết định số 374/QĐ-UBND ngày 19/8/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành bộ tiêu chí NTM nâng cao.
Ban chỉ đạo huyện đã chỉ đạo các xã đăng ký xây dựng điểm một số xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Kết quả có 2 xã đăng ký gồm Bình Dương, Đại Lai.
Trên cơ sở Bộ tiêu chí nâng cao tỉnh Bắc Ninh, kết quả xây dựng NTM nâng cao huyện Gia Bình là số xã đạt 17 tiêu chí đã có 02 xã (Đại Lai, Nhân Thắng); số xã đạt 15 tiêu chí có 02 xã (Đông Cứu, Cao Đức); số xã đạt từ 12 -14 tiêu chí là 9 xã còn lại; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân toàn huyện: 14,1 tiêu chí/xã.
Gia Bình sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí cấp xã, huyện NTM với các phương châm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM theo định hướng bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, có từ 6 - 7 xã NTM nâng cao, 2 – 3 xã NTM kiểu mẫu.
Tập trung đưa Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng NTM vào các xã, thị trấn. Phấn đấu giá trị sản xuất trồng trọt đạt trên 170 - 180 triệu đồng/ha/năm.
Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, dân trí nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được đảm bảo, hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường.
Dự kiến trong gian đoạn 2021-2025 kinh phí thực hiện xây dựng NTM nâng cao huyện Gia Bình là 858.920.000.000 đồng, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã.
Theo Thái Sơn/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/ca-huyen-xan-tay-lam-nong-thon-moi-d280285.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã