Năm 2020, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nước ta đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức lớn.
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống kinh tế xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.
Thị trường tiêu thụ một số nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật.
Thiên tai khốc liệt, đặc biệt là lũ lụt khu vực miền Trung đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với sản xuất… Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành vừa phòng, chống tốt dịch bệnh...
Theo Bộ NN-PTNT, giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 dự kiến tăng 2,75% so với năm 2019, trong đó nông nghiệp tăng 2,7%, lâm nghiệp tăng 2,4%, thuỷ sản tăng 3,3%. GDP toàn ngành tăng trưởng 2,65%.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản, ngành nông nghiệp vẫn nỗ lực duy trì công tác đàm phán, mở cửa thị trường, tạo điều kiện và tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong điều kiện các hoạt động xúc tiến thương mại bị ngưng trệ do dịch bệnh Covid-19, Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ ngành liên quan đã nỗ lực duy trì, kết nối bằng nhiều hình thức, nhất là làm việc, đàm phán trực tuyến.
Theo đó, đã mở cửa các thị trường mới đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu, như vải thiều tươi lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản; chôm chôm vào Đài Loan; dâu tây và bí ngô vào Newzeland; tôm và cá tra xuất khẩu vào Brazil...
Bên cạnh đó, đã phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại các nước, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp các thông tin thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc..., để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường trong và sau đại dịch Covid-19 nhằm đề ra giải pháp ứng phó kịp thời.
Song song đó, triển khai các đoàn công tác xúc tiến thương mại tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Trung Đông, Hoa Kỳ, kết nối giao thương và thúc đẩy thương mại trước những khó khăn tại thị trường Trung Quốc do dịch bệnh…
Cùng với việc mở cửa thị trường, Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực xử lý các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật như: Hỗ trợ thủ tục kiểm dịch, an toàn thực phẩm (ATTP), tháo gỡ khó khăn về rào cản của các thị trường nhập khẩu các sản phẩm trái cây, rau, gạo, chè, gỗ và sản phẩm từ gỗ...; giải quyết vướng mắc rào cản kỹ thuật trong lĩnh vực ATTP, kiểm dịch động vật và thực vật với các quốc gia như: Thái Lan, Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Liên minh EU, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Phối hợp với Bộ Công thương rà soát, tham mưu Chính phủ các nội dung liên quan mặt hàng gạo và xuất khẩu gạo. Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sữa, thúc đẩy để mặt hàng tổ yến, thạch đen được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Kiểm tra nhập khẩu thịt đông lạnh của Nga; nhập khẩu thịt lợn từ Pháp, lợn giết mổ và lợn giống từ Thái Lan, bò sống và dưa vàng từ Brazil…
Với những nỗ lực này, thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, đồng thời chú trọng thị trường trong nước; tháo gỡ nhiều rào cản thương mại…
Xuất khẩu nông sản đạt 41,2 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm vẫn đạt kỷ lục mới với 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, giảm 0,5%; thuỷ sản 8,47 tỷ USD, giảm 0,8%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4%.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đã tiếp tục duy trì được 09 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 05 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.
Trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất lúa cả nước đã có một năm vượt nhiều khó khăn và thắng lợi lớn, được mùa, được giá toàn diện trên cả nước với sản lượng đạt 42,7 triệu tấn, năng suất tăng 0,5 tạ/ha so với năm 2019, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Sản xuất lúa gạo tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 74% (cao hơn so với mức 50% của năm 2015) để nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt”.
Bên cạnh đảm bảo an ninh lương thực trong nước, thắng lợi của sản xuất lúa gạo năm 2020 đã góp phần tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh xuất khẩu. Theo ước tính, lượng gạo xuất khẩu của nước ta cả năm 2020 khoảng từ 6,5-6,7 triệu tấn, kim ngạch...
Cơ cấu gạo chất lượng cao xuất khẩu đến năm 2020 đã chiếm trên 85%, góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 440USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020.
Bên cạnh đó, các diện tích cây ăn quả tiếp tục tăng mạnh, đạt khoảng 1,1 triệu ha, tăng khoảng 32,8 nghìn ha so với năm 2019. Sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả chủ lực, có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng, một số cây ăn quả sản lượng tăng từ 4 - 9%, như: Xoài 880 nghìn tấn, tăng 4,9%; thanh long 1.360 nghìn tấn, tăng 8,8%; cam 1.100 nghìn tấn, tăng 8,14%; vải 310 nghìn tấn, tăng 15,0%; sầu riêng đạt khoảng 630 nghìn tấn, tăng 11,6%...
Các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu, điều… đều giữ được ổn định về sản xuất hoặc tăng khá về diện tích và sản lượng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, sau hai năm chống chọi với dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) gây thiệt hại chưa từng có (từ tháng 2/2019), đến nay, cả nước đã có trên 96% số xã không có DTLCP. Đây là điều kiện cơ bản để người chăn nuôi, doanh nghiệp và các địa phương tổ chức tái đàn, tăng đàn.
Tính đến tháng 11/2020, tổng đàn lợn cả nước đã đạt trên 26 triệu con, tăng 12% so với cùng thời điểm năm 2019 và tăng 115,5% so với thời điểm 1/1/2020. Sản lượng thịt lợn hơi cả năm 2020 dự kiến đạt 3,46 triệu tấn, tăng gần 4% so với năm 2019.
Trong bối cảnh nguồn cung thịt lợn trong nước thiếu hụt cục bộ tạm thời, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu trên 308 nghìn con phục vụ giết mổ.... Để điều tiết cung - cầu và bình ổn giá thịt lợn, Bộ NN-PTNT và toàn ngành đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu trên 212,4 nghìn tấn thịt lợn, chiếm khoảng 5,6% sản lượng.
Bên cạnh việc, lần đầu tiên cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong nước; đồng thời chỉ đạo tăng cường khai thác và nuôi trồng thủy sản, cơ cấu lại ngành chăn nuôi và các ngành khác để cung ứng thực phẩm thay thế lượng thịt lợn thiếu hụt trên thị trường... Đến nay, nhờ các giải pháp tổng thể, giá lợn hơi đã trở về ổn định ở mức xung quanh 65-67 nghìn đồng/kg.
Cùng với bình ổn lại thị trường thịt lợn, trong năm, các sản phẩm chăn nuôi khác cũng đều tăng mạnh về sản xuất. Tổng sản lượng thịt các loại cả năm ước đạt 5,39 triệu tấn, tăng 5,4% so với năm 2019; trong đó, thịt lợn 3,46 triệu tấn, tăng 3,9%; thịt gia cầm 1,42 triệu tấn, tăng 9,2%; thịt bò 372,5 nghìn tấn, tăng 4,8%; trứng đạt 14,54 tỷ quả, tăng 9,5%; sữa bò tươi đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 10,2%...
Với lĩnh vực thủy sản, đứng trước khó khăn về sản xuất và xuất khẩu do tác động của đại dịch Covid-19 (giá cá tra giảm, xâm nhập mặn…), ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, cấp bách, chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề về phát triển bền vững ngành hàng tôm và cá tra.
Bên cạnh đó, tranh thủ thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, giá nhiên liệu giảm; các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát ATTP trên cá tra và các sản phẩm Silurifomes do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố để thúc đẩy phát triển thủy sản… Nhờ đó, tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 8,4 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm 2019; trong đó khai thác ước đạt trên 3,84 triệu tấn, tăng 2,5%; nuôi trồng đạt khoảng 4,56 triệu tấn, tăng 1,4%.
Về nuôi trồng thủy sản, Bộ NN-PTNT đã cùng các địa phương tập trung quy hoạch vùng, chú trọng phát triển nuôi các đối tượng chủ lực, tiến tới phát triển nuôi biển. Điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường. Diện tích nuôi trồng thủy sản cả năm đạt 1,3 triệu ha (cá tra khoảng 5.400 ha, tôm khoảng 736 nghìn ha).
Về lĩnh vực lâm nghiệp, trước tác động của dịch Covid-19, giá gỗ nguyên liệu giảm đã khiến người dân khai thác cầm chừng, nhiều doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, các mặt hàng gỗ và lâm sản xuất khẩu giảm mạnh (có tới 80% khách hàng dừng hoặc huỷ đơn hàng).
Trong hoàn cảnh đó, ngành nông nghiệp đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp, trong đó có tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau bệnh dịch Covid-19”; phối hợp với Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam bàn giải pháp để đảm bảo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu nhóm hàng lâm sản chính cả năm 2020 vẫn giữ được đà tăng trưởng, kim ngạch đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2019.
Cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực, năm 2020, ngành nông nghiệp đã ghi nhận làn sóng đầu tư của một số tập đoàn kinh tế lớn vào chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Trong năm 2020, đã có 17 dự án đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản, với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, tăng 04 dự án và khoảng 6.000 tỷ đồng so với năm 2019. Qua đó, đã tạo bước đột phá về chế biến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.
Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2020, cả nước đã thành lập mới 1.055 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên trên 13.280 doanh nghiệp.
Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Thương mại và Đầu tư Biển Đông...
Năm 2020, kinh tế hợp tác tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ. Cả nước ước thành lập mới 14 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.555 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 68 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 17.300 HTX nông nghiệp. Trong đó, số HTX hoạt động đánh giá đạt hiệu quả đạt trên 85%, gần đạt mục tiêu có trên 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Hiện đã có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 3.913 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho xã viên, 823 HTX nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP. Cả nước có 34.348 trang trại, sử dụng gần 36.000 ha đất, với sản phẩm ngày càng đa dạng...
Đến nay, cả nước đã có 5.506 xã (chiếm 62% số xã cả nước) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 8% so với cuối năm 201. Có 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 16,38 tiêu chí/xã (tăng 0,72 tiêu chí so với năm 2019). Có 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 61 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) và 03 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên) đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Nguồn tin: Lê Bền/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã