Ngày 26/10, chúng tôi quay trở lại “tâm lũ” huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Dấu tích trận “đại hồng thủy” từ ngày 18 - 21/10 đang hằn sâu trên những bức tường bong tróc, loang lỗ vì nước lũ.
Nước lũ rút hết cũng là lúc khung cảnh tiêu điều, xơ xác hiện ra. Hình ảnh người dân vùng lũ trở nên nhỏ bé dưới lớp bùn đất đỏ ngầu. Họ miệt mài dùng chút sức ít ỏi gắng gượng dọn nhà cửa, vườn tược để quay lại cuộc sống thường ngày.
Người đàn bà vừa bước sang tuổi lục tuần Nguyễn Thị Liệu, thôn Đông Mỹ, xã Cẩm Thành quệt giọt mồ hôi sau một ngày xúc đống lúa nảy mầm từ trong bồ ra phơi sụt sùi: “Mất hết rồi, còn gì đâu. Đàn gà chăm bấy lâu mong tới Tết bán đã bị cướp mất. Vài tạ thóc phơi khô khén, mẹ con để dành lấy cái ăn đến giáp hạt cũng đã mọc mầm hết”.
Bà Liệu cho biết, đợt lũ vừa qua thôn Đông Mỹ chìm trong biển nước, nhà nào may mắn thì di dời được chút ít tài sản, còn lại đều bị ngâm trong lũ hoặc bị cuốn trôi ra biển. Riêng ngôi nhà của bà nước ngập hơn 2m, chỉ còn thấy phần nóc, toàn bộ đồ gia dụng điện tử như ti vi, tủ lạnh, quạt điện đều ngâm nhiều ngày trong nước, hư hỏng 100%.
Cảnh mẹ góa, con côi chắt góp cả mấy chục năm mới mua sắm được các vật dụng trên bỗng chốc trắng tay.
Chồng bà Liệu qua đời 40 năm trước, một mình bà nuôi hai người con. Đứa lớn đã lập gia đình, còn cô con gái thứ hai đang ở cùng mẹ. Người phụ nữ với gương mặt khắc khổ lo lắng không biết từ nay đến tháng 6 năm sau phải dựa vào thu nhập gì để sống, khi lúa hỏng hết, gà thì nước cuốn trôi, tài sản tiêu tan trong cơn lũ, vườn tược chỉ còn lại bùn đất.
Nặng nề hơn, gia đình ông Nguyễn Hữu Dũng, thôn Kênh, xã Cẩm Thành mất đứt 4 tấn thóc vừa thu hoạch từ vụ Hè thu 2020; 1 con bò và toàn bộ đồ gia dụng điện tử.
“Thóc vào bồ rồi cũng mất ăn chị ạ. Mấy ngày qua, chính quyền và các đoàn từ thiện đã đến hỗ trợ mì tôm, nước uống, gạo cho dân. Cái này đủ sinh hoạt trước mắt. Nhưng về lâu dài, để ổn định cuộc sống, chúng tôi cần được hỗ trợ tiền, giống lúa; giống bò, lợn, gà để tái sản xuất”, ông Dũng nói.
Đợt lũ lụt lịch sử 60 năm mới lặp lại đã nuốt chửng trên 1.146 tỷ đồng của người dân huyện Cẩm Xuyên. Riêng sản xuất nông nghiệp, 11.418 tấn lúa giống, lúa thương phẩm các loại của bà con bị ướt, hư hại hoàn toàn, thiệt hại khoảng 106 tỷ đồng; 230 con trâu, 6.925 con lợn và hơn 401.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 52 ha tôm, 375 ha cá các loại mất trắng…
“Toàn xã có 20.000/72.000 con gia cầm bị “khai tử”; 30 ha mặt nước nuôi cá nước ngọt xóa sổ”, ông Hải nói, đồng thời cho biết, ngoài thiệt hại cụ thể trước mắt, nước bạc xâm nhập ao hồ còn khiến vịt ngưng đẻ, mỗi ngày bà con mất hàng triệu đồng tiền thức ăn/hộ để nuôi cầm cự.
Vị Phó Chủ tịch cho biết, nhu cầu người dân Thạch Đài cần nhất lúc này là giống gia cầm; giống cá chép, mè, trắm, rô phi; giống rau vụ đông, phân bón và các ngân hàng cho vay hỗ trợ lãi suất để khôi phục sản xuất.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà phân tích, những nhu yếu phẩm khẩn cấp chính quyền các cấp và tổ chức từ thiện đã hỗ trợ bà con cơ bản, bây giờ ưu tiên số 1 là kinh phí, để bà con cần cái gì họ mua cái đó.
Thực tế, thiệt hại ở vùng nông thôn khác vùng đô thị, người cần tiền mua giống, nhà cần tiền mua đồ dùng vì họ không sản xuất nông nghiệp.
“Huyện rất mong các nhà hảo tâm cân nhắc, cố gắng hỗ trợ bằng kinh phí hoặc giống rau, ngô phục vụ sản xuất vụ Đông; giống lúa thuần ngắn ngày sản xuất vụ Xuân 2021; giống tôm, cá nước ngọt và gia súc, gia cầm; đồ gia dụng điện tử… để bà con các xã bị ngập nặng ổn định sinh kế lâu dài”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông Hà, năm nay Cẩm Xuyên được mùa lúa Hè thu, nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Bà con chưa kịp mừng lúa đã ngâm lũ hết, giờ đến tháng 6 năm sau mới có thu hoạch, quãng thời gian này người dân sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt, những thành phần yếu thế như hộ nghèo, gia đình chính sách, người già neo đơn… trước đây dựa vào nguồn trợ cấp của con em đi nước ngoài, làm công nhân ở các khu công nghiệp thì vừa qua ảnh hưởng dịch Covid-19, những đối tượng này cũng thất nghiệp, giảm thu nhập nên không thể hỗ trợ gia đình, nay lũ vào, mất hết tài sản, bà con lại phải tự lực làm lại từ đầu.
“Năm nay thiên tai, dịch bệnh dồn dập nên người dân sẽ rất khó để gượng dậy. Việc điều phối nguồn hỗ trợ cũng cần có sự phối hợp của các nhà hảo tâm để mỗi một đồng đến với bà con sẽ được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả”, ông Lê Ngọc Hà nói thêm.
Nguồn tin: Thanh Nga/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã