Vào bản Sin Suối Hồ ngày nắng nóng, chúng tôi vẫn cảm thấy mát mẻ, trong lành. Trên con đường bêtông khang trang dẫn vào bản rợp bóng của đào, mận, cây rừng cổ thụ. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là suốt dọc đường, từ các ngõ, lối vào các nhà sàn đều rất sạch sẽ, không có lấy một cọng rác. Tiếp chúng tôi, anh Vàng A Chỉnh tủm tỉm bảo: "Thời điểm này, rác thải ở Sin Suối Hồ là của hiếm".
Hỏi ra mới biết, đến giờ Sin Suối Hồ đã trở thành bản "5 không": Không ai hút thuốc phiện, không hút thuốc lào hay thuốc lá, không đàn đúm rượu chè, không cờ bạc, không xả rác bừa bãi.
Dẫn khách đi tham quan quanh bản, trưởng bản Vàng A Chỉnh kể. Những năm 90, Sin Suối Hồ còn chìm trong "bóng đêm" của ma túy, đói nghèo...
"Thay đổi được thói quen sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi của người Mông là rất khó. Nhưng với cương vị là trưởng bản, người có uy tín, tôi luôn nỗ lực vượt khó, đi đầu, làm trước để mọi người thấy và hiểu rồi sẽ ủng hộ, làm theo".
Anh Vàng A Chỉnh
"Ngày đó, cả bản có vài ha cây thuốc phiện. Hầu như gia đình nào cũng có người nghiện, có hộ nghiện 100%. Cái tên "bản nghiện" cũng vì thế ra đời" - anh Chỉnh nhớ lại.
Nhận thấy dân bản mình đói khổ vì tệ nạn, năm 1995, anh Chỉnh cùng với một số người uy tín ở bản và bộ đội biên phòng đến từng nhà vận động và tìm mọi cách hỗ trợ đưa người dân đi cai nghiện.
"Ngày đầu chúng tôi rà soát từng nhà có người nghiện để thu điếu hút và đưa bà con lên nương cai thuốc. Công việc này cũng gian nan lắm, có người nghiện còn ra mặt chống đối, nhưng mọi người vẫn cố gắng nhẫn nhịn và kiên trì vận động mãi cũng thành công" - anh Chỉnh kể.
Đến năm 2005, nhiều người nghiện ở Sin Suối Hồ đã cai nghiện thành công, quay về nhà. Lúc này, anh Chỉnh lại tất bật đến từng nhà vận động bà con quay lại nương trồng ngô, lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Nhiều người nghiện trở về hòa nhập cộng đồng khó khăn, trưởng bản Chỉnh đứng ra vận động bà con khá ở bản "nhường cơm sẻ áo" hỗ trợ lương thực, giống cây, vật nuôi để giúp mọi người yên tâm làm ăn.
Để mọi người noi gương, anh Chỉnh và vợ là chị Sùng Thị Ke tích cực làm nương, chăn nuôi nhiều trâu, bò. Dù chỉ học qua lớp xóa mù chữ nhưng anh Chỉnh rất ham học hỏi, thích tìm tòi cái mới nên cứ mỗi lần nghe ở đâu có mô hình hay là anh lại bỏ công đến tận nơi để tìm hiểu.
Khoảng giữa năm 2011, trong một lần lên núi trồng thảo quả, anh Chỉnh tình cờ thấy loài hoa lạ mọc thành từng bụi trên các thân cây rừng, nở hoa vàng rực rỡ. Ban đầu anh Chỉnh tỉa vài nhánh cây hoa đưa về vườn nhà trồng thử nghiệm để chơi. Đến đầu năm 2013, có khách đến chơi hỏi mua, anh Chỉnh mới quyết định nhân giống và vận động bà con ở bản trồng nhiều địa lan để kinh doanh. Càng trồng nhiều, hoa địa lan càng dễ bán và được giá cao hơn.
"Nhờ khí hậu mát mẻ, địa lan trồng trong chậu lớn nhanh và cho hoa rất đẹp. Năm 2015, dịp Tết chúng tôi bán được chậu lan với giá vài triệu đồng nên bà con rất phấn khởi" - anh Chỉnh chia sẻ.
Năm đầu ở bản chỉ có hơn 10 hộ trồng lan, nhưng đến nay 100% các hộ người Mông ở Sin Suối Hồ đều có thu nhập từ cây hoa này. Tiếng lành đồn xa, khách trong và ngoài nước tìm về Sin Suối Hồ mua hoa và tham quan nhiều, trưởng bản Vàng A Chỉnh lại nẩy ra ý tưởng làm du lịch cộng đồng (homestay).
Nghĩ là làm, anh Chỉnh bàn với vợ tu sửa lại nhà, vườn cho sạch sẽ, ngăn nắp và thông báo cho một số anh em họ hàng quanh bản cùng làm mô hình mẫu để đón tiếp khách du lịch.
Cùng với đó, anh Chỉnh cũng vận động bà con ở trong bản tích cực trồng cây ăn quả và quy hoạch lại chuồng trại chăn nuôi, đưa vật nuôi ra khỏi gầm sàn nhà và hướng dẫn bà con nuôi nhiều con đặc sản phục vụ khách ngay tại nhà.
Trưởng bản Vàng A Chỉnh vẫn nhớ cột mốc năm 2015, Sin Suối Hồ được tỉnh Lai Châu cấp giấy chứng nhận Khu du lịch cộng đồng và sau đó được Nhà nước công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Cuối năm 2018, bản đã thành lập Hợp tác xã trái tim Sin Suối Hồ gồm 12 hộ gia đình tham gia nhằm liên kết, phát triển du lịch; mở ra hướng đi mới cho người dân.
Hợp tác xã xây dựng khu nghỉ dưỡng diện tích 2,5ha trên quả đồi đầu bản gồm 4 nhà nghỉ, một bếp ăn tập thể, phòng lễ tân thiết kế bằng gỗ. Quanh khuôn viên có trồng cây xanh với hệ thống trò chơi dân gian của người Mông như xích đu, guồng quay phục vụ khách du lịch...
"Chứng kiến bản làng đổi mới từng ngày, những người từng là "con nghiện" nay đã trở thành những triệu phú, tôi cảm thấy rất vui mừng và tự hào"-trưởng bản Sin Suối Hồ bộc bạch.
Trung bình mỗi năm, bản Sin Suối Hồ đón hàng chục nghìn lượt du khách quốc tế và Việt Nam. "Tính ra, cả bản thu nhập từ du lịch khoảng nửa tỷ đồng mỗi năm. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên lượng khách du lịch đến bản ít hơn, nhưng bà con vẫn có thu nhập khá từ cây ăn quả, địa lan và chăn nuôi"-anh Chỉnh khẳng định.
Theo trưởng bản Vàng A Chỉnh, Sin Suối Hồ hiện có 136 hộ (100% dân tộc Mông) nhưng có đến 20% số hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng, có một số hộ đạt trên 200 - 300 triệu đồng/năm nhờ làm du lịch cộng đồng và trồng địa lan, thảo quả.
Theo Trần Quang/danviet.vn
https://danviet.vn/nguoi-hung-a-chinh-dua-ban-nghien-thanh-ban-trieu-phu-20210623161028596.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã