Nông sản tồn đọng
Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thời gian giãn cách xã hội nhờ sự phối hợp với các tỉnh và hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỉnh đã tiêu thụ được hơn 4.000 tấn nông sản các loại. Nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn so với tổng lượng nông sản của nông dân và doanh nghiệp sản xuất.
Cũng theo ông Sử, tình hình khó khăn tác động đến đầu ra của sản phẩm, chỉ cần nhìn vào giá tiêu thụ có thể thấy rõ mức độ khó khăn. Ví dụ, giá tôm Cà Mau giảm từ 8.000 - 23.000 đồng/kg tùy loại, giá tôm thẻ chân trắng các loại cũng giảm sâu. Với giá bán này nông dân không có lời, có nguy cơ thua lỗ, kéo theo đó việc tái sản xuất sẽ gặp khó khăn.
Ông Bùi Văn Bé Mười, ở xã Tân Mỹ (Lấp Vò, Đồng Tháp) than thở, vụ khoai môn năm nay đúng vào đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh nên thương lái từ các tỉnh, thành phố không thể đến thu mua. Hơn 5.000 m2 khoai môn cho sản lượng 25 tấn củ mới chỉ bán được 5 tấn, số còn lại không có người thu mua.
Theo huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) trong tháng 8 và tháng 9 dự kiến huyện này sẽ thu hoạch khoảng 1.678 tấn khoai môn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ gặp khó khăn, nhiều diện tích khoai đến kỳ thu hoạch phải để lại trên đồng.
Tại An Giang, tiêu thụ các mặt hàng thủy sản, rau củ quả đang gặp nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng không còn thông suốt, khó đưa hàng vào các chợ đầu mối lớn ở TP HCM. Dù UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tổ chức kết nối với các siêu thị lớn nhưng cũng chỉ tiêu thụ được khoảng 20% tổng sản lượng thu hoạch.
Tại Long An, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch tỉnh này cho biết, nhìn chung, tiêu thụ nông sản trên địa bàn vẫn kiểm soát được nhưng còn khó khăn là chuỗi tiêu thụ đứt gãy, có hiện tượng đứt gãy cục bộ, đối với hàng hoá do người dân sản xuất với cách làm trước đây là tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối. Cái khó nữa là chi phí sản xuất tăng 3-4 lần nên người dân mua cao. Trái thanh long chủ lực của tỉnh cũng đang gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng dịch.
Ông Nguyễn Ngọc Tiềm, Tổ trưởng Tổ hợp tác chanh không hạt ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), cho biết trước khi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, tổ được một công ty bao tiêu thu mua toàn bộ với giá 9.000 đồng/kg để xuất khẩu với sản lượng trung bình khoảng 1 tấn chanh/ngày. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, doanh nghiệp không xuất khẩu được nên đã ngừng thu mua.
Hiện đa số các doanh nghiệp ở ĐBSCL đang vướng quy định 3 tại chỗ cả về nguyên liệu sản xuất, duy trì sản xuất; vướng theo quy định đi đường do kiểm soát dịch khó khăn, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp không đủ quy mô để tổ chức chuỗi sản xuất vì đầu tư cho 3 tại chỗ quá lớn.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Thành viên Tổ Công tác 970 (Bộ Nông Nghiệp và PTNT), từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp cần tiêu thụ 8 triệu tấn lúa, 1 triệu tấn rau, 1,7 triệu tấn cây ăn trái cây.
Riêng trong tháng 9, các tỉnh thành ĐBSCL phải tiêu thụ 2 triệu tấn lúa, ngoài ra trái cây thì hàng tháng có khoảng 350.000 tấn trái cây các loại; 250.000 tấn rau. Bên cạnh đó, các loại trái cây cần tiêu thụ theo mùa vụ hoặc xuất khẩu với sản lượng trên 30.000 tấn/loại như: thanh long, xoài, chuối… cũng cần phải giải quyết đầu ra cho hiệu quả.
Núi thắt tiêu thụ cơ bản được tháo gỡ
Trước những khó khăn trong tiêu thụ nông sản nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL đã chủ động tìm đầu ra giúp nông dân, trong đó có việc liên kết chặt với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Từ tháng 7, Sở Nông nghiệp và PTNT TP Cần Thơ đã chủ động kết nối nhiều nông dân, HTX, tổ hợp tác với Sở Công thương để kết nối tiêu thụ nông sản ở hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đăng bán trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Ngọc Tiềm, Tổ trưởng Tổ hợp tác chanh không hạt huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cho biết, Tổ đã kết nối với Tổ Tổ công tác 970 để tiêu thụ khoảng 300-500 kg chanh/ngày với giá từ 4.500-5.000 đồng/kg. Tuy giá thấp nhưng vẫn có đầu ra, không bị ùn ứ thì nông dân cũng thu hồi được vốn.
Về tình hình tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL, theo Tổ công tác 970, các tỉnh tích cực tháo gỡ để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh thu mua. Đồng thời, các địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ việc bố trí nhân công, phương tiện để thu hoạch. Cụ thể, áp dụng phân vùng xanh, vàng, đỏ cho mức độ nguy cơ dịch Covid-19; phối hợp điều phối máy gặt đập liên hợp giữa các tỉnh cho diện tích lúa đến thời điểm thu hoạch; có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp, người tham gia lưu thông hàng hóa được tiêm vắc-xin; tạo điều kiện kết nối thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân.
Tính chung các loại nông sản, từ tháng 7 đến nay, Tổ công tác 970 đã xây dựng được mạng lưới thông tin sản xuất, kết nối tiêu thụ với sản lượng lên đến 1.000 tấn/ngày. Trong đó, các loại nông sản có tiêu chuẩn từ VietGap trở lên đều được kết nối tiêu thụ thành công, sản lượng không đủ cung cấp cho thị trường. Không chỉ kết nối tiêu thụ nội địa, nhiều đầu mối xuất khẩu cũng liên hệ tổ công tác để tìm nhà cung cấp.
Gần đây nhất, sáng kiến “combo 10 kg/túi” giá bình dân của Tổ công tác 970 đã cho thấy tính hiệu quả khi chỉ từ ngày 30/8 đến 2/9, trung bình mỗi ngày có từ 40.000 - 55.000 combo nông sản được chuyển đến các phường tại TP HCM. Dự kiến, số lượng đặt hàng có thể tăng lên 150.000 combo/ngày.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Thành viên Tổ Công tác 970, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị Sở Nông nghiệp và NTNT các tỉnh, thành lập tổ công tác tương tự tổ công tác 970 để kết nối tháo gỡ các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn; phối hợp các địa phương thúc đẩy từng vấn đề cụ thể để bổ sung, tháo gỡ. Bộ cũng tổ chức kết nối cung cầu nông sản giữa các tỉnh sản xuất với thị trường tiêu thụ. Trong những ngày gần đây việc kết nối này đã đi vào thích nghi, góp phần lớn cho tiêu thụ sản phẩm nông sản. Chẳng hạn, TP Cần Thơ đã tổng hợp 139 đầu mối cung cấp hàng hoá với tổng sản lượng 22.000 tấn.
Theo ông Tùng trong 3 tháng gần đây, 19 tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách đã thu hoạch 1 triệu ha, tiêu thụ 6 triệu tấn lúa, 3,8 triệu tấn rau màu, 4 triệu tấn trái cây. Dù dịch bệnh, giãn cách gây ra nhiều khó khăn nhưng hàng hóa cơ bản vẫn luân chuyển được nhờ sự nỗ lực các địa phương, các bộ ngành nên sản lượng tiêu thụ vẫn tương đương hằng năm.
Ba giải pháp tiêu thụ nông sản
Để giúp bà con nông dân tìm giải pháp căn cơ tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đề ra 3 giải pháp. Một, là thoát khỏi tư duy mùa vụ. Trước bất cứ sức ép nào trong ngắn hạn, nông dân cũng cần chung vai với ngành nông nghiệp để đưa ra những tầm nhìn dài hạn từ 5 đến 10 năm.
Hai, là tăng cường đối thoại. Người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ, rằng bất cứ ngành chuyên môn nào đều cần tam giác phát triển, gồm nhà nước - thị trường - xã hội. Chỉ khi mở rộng khoảng giao thoa này đủ lớn, những bất trắc, rủi ro mới giảm xuống.
Ba, là mở rộng các không gian phát triển. Trước đây, ngành nông nghiệp và nhiều ngành khác đã đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tiểu vùng. Tuy nhiên, hợp tác như vậy, ranh giới địa lý vẫn hằn lên tư duy phát triển, bởi thương lái Cần Thơ đi thu mua lúa ở Đồng Tháp sẽ băn khoăn là GDP sẽ được tính cho địa phương nào.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, đây là một dịp thử thách tư duy liên kết vùng, hay rộng hơn là không gian phát triển của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện chúng ta vẫn đang tư duy theo hướng chia cắt ra các tỉnh. Để thích ứng với một loạt vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp phải thay đổi, đề ra những chiến lược phát triển chung cho toàn bộ 13 tỉnh ĐBSCL.
Muốn mở rộng không gian phát triển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi các bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cho đến hợp tác xã (HTX) và nông dân cần ngồi lại để thấu cảm cho nhau.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để phát triển kinh tế nông nghiệp cần từ bỏ tư duy mùa vụ trong nông dân; tư duy thương vụ của doanh nghiệp và tư duy nhiệm kỳ của chính quyền. Thay vào đó là cần có tầm nhìn dài hạn hơn từ người nông dân, doanh nghiệp đến chính quyền và cả hệ thống ngành nông nghiệp.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đầu mối lớn về tiêu thụ nông sản nên cơ cấu lại doanh nghiệp từ phát triển thị trường, sản phẩm, chuẩn hóa các mối liên kết và chuẩn bị kế hoạch dài hạn cho phát triển. Tương tự, cả người nông dân và chính quyền địa phương cũng xem thời gian này là dịp để có kế hoạch củng cố, khôi phục sản xuất, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo tầm nhìn, mục tiêu dài hạn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã