Vĩnh Phúc: Tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Với những giải pháp: Hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi, vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; hỗ trợ trồng cây dược liệu và cơ sở chế biến nông sản…, Vĩnh Phúc đã và đang hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Có thể kể đến mô hình rau an toàn của HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh (Tam Dương) sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao thông qua việc ứng dụng phần mềm VietGAP điện tử vào sản xuất ở các quy trình. Nhờ quản lý được vật tư đầu vào, giám sát sản xuất, mà năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, sản lượng rau hàng tháng đều tăng 5- 10% so với trước đây.
Hay như HTX sản xuất rau an toàn Thành Lợi, xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường); tuy mới thành lập tháng 6/2018, nhưng HTX đã tìm được hướng đi ổn định cho nông sản nhờ việc canh tác rau màu theo quy trình VietGAP trong nhà lưới, vừa tránh được sâu bệnh, mà năng suất và chất lượng rau lại được thu mua với giá cao.
Đặc biệt, mô hình nhà lưới của HTX Nông nghiệp An Phước (huyện Tam Dương); chi phí xây dựng chỉ khoảng 100 triệu đồng/ha, với 4ha đất, rau vừa sản xuất trong nhà lưới, vừa sản xuất ngoài trời, đã mang lại nguồn thu từ 320 - 400 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng…
Toàn tỉnh đã có 1.329 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, trong đó có 25 doanh nghiệp sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm và 1.304 cơ sở chế biến có quy mô nhỏ lẻ. Tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất trồng lúa đạt hơn 90%, trong thu hoạch lúa đạt hơn 70%.
Từ việc đổi mới tư duy sản xuất, tích cực đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, Vĩnh Phúc đã hình thành các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, các chuỗi liên kết trong sản xuất- chế biến- tiêu thụ.
Gắn phát triển chế biến nông sản với xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại nông sản lớn và đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tham gia hội chợ triển lãm như: Thanh long ruột đỏ, cá thính Lập Thạch; su su, mật ong Tam Đảo; bí đỏ, rau chất lượng cao, rượu rắn Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường; trừng gà an toàn sinh học Tam Dương..., nhằm quảng bá và tạo sự kết nối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, để quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp, các ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá xếp loại điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với 1.374 lượt cơ sở SXKD sản phẩm nông- lâm, thủy sản; thực hiện lấy gần 7.000 mẫu sản phẩm để giám sát các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Thanh Hóa: Nỗ lực cấp nước chống hạn, phục vụ sản xuất
Hơn một tháng qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nắng nóng diện rộng đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và cấp nước phục vụ sản xuất. Điều đáng nói là, thời điểm nắng nóng kéo dài lại trùng với lịch sản xuất vụ thu mùa 2020, khiến việc cấp nước sản xuất gặp nhiều khó khăn do nguồn nước hạn chế.
Một số diện tích đã phải dừng gieo cấy theo lịch thời vụ để chờ mưa. Còn những diện tích đã được gieo cấy lại đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước, một số diện tích có nguy cơ chết cao. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp, các đơn vị thủy nông đang phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp chống hạn cho diện tích cây trồng, nhất là diện tích lúa mới gieo cấy.
Nói về tình trạng thiếu nước sản xuất và tưới dưỡng cho diện tích lúa mới gieo cấy, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê (Đông Sơn), cho biết: Hiện nay, toàn xã có 10 ha trồng lúa vẫn chưa thể giải phóng được đất để gieo cấy vì không có nước, 20 ha lúa đã gieo cấy đang bị thiếu nước dưỡng, tập trung ở thôn 3 và thôn 5 của xã; trong đó, có một số diện tích lúa ở chân ruộng cao đã thiếu nước nhiều ngày, nếu 2 đến 3 ngày tới trời không có mưa thì nguy cơ chết cao.
Tình trạng thiếu nước, khô hạn không chỉ diễn ra tại xã Đông Khê mà đã xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đông Sơn. Hiện, diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước, có nguy cơ khô hạn trên địa bàn huyện khoảng 368,5 ha. Trong đó, diện tích thiếu nước để làm đất, gieo cấy là 33,5 ha, diện tích thiếu nước tưới dưỡng cho lúa đã gieo cấy là 335 ha, tập trung tại các xã: Đông Hoàng, Đông Khê, Đông Ninh, Đông Hòa, Đông Yên, Đông Phú, Đông Quang, Đông Văn, Đông Nam.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước, hạn hán xảy ra, UBND huyện Đông Sơn đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Sông Chu – Chi nhánh Thủy nông Đông Sơn thực hiện lịch cấp nước cho diện tích sản xuất vụ thu mùa nói chung và diện tích thiếu nước, khô hạn nói riêng. Phân công cụ thể cán bộ theo dõi, kiểm tra đồng ruộng, củng cố bờ vùng, bờ thửa để tránh mất nước gây thiếu nước cục bộ. Chi nhánh Thủy nông Đông Sơn đã vận hành toàn bộ 8 trạm bơm do đơn vị quản lý, với công suất tối đa để phục vụ công tác sản xuất và chống hạn. Đối với diện tích bị thiếu nước, khô hạn, đơn vị thủy nông đang bố trí lực lượng ưu tiên dẫn nước vào các chân ruộng bị khô hạn, nứt nẻ, phục vụ công tác chống hạn. Đặt các máy bơm dầu dã chiến để bơm kíp cầu tại những nơi nước chưa về kịp, phục vụ dẫn nước vào các kênh, chân ruộng, phục vụ công tác chống hạn. Hiện, đơn vị thủy nông đã đặt 4 máy bơm dầu dã chiến có tổng công suất 320m3/h, tại các xã: Đông Khê, Đông Phú, Đông Yên và thực hiện bơm 24/24 giờ để chống hạn.
Ông Phạm Hải Thành, Giám đốc Chi nhánh Thủy nông Đông Sơn, cho biết: Mặc dù đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp cấp nước phục vụ sản xuất và chống hạn, tuy nhiên ngoài vấn đề khó khăn về nguồn nước bơm tưới, thì khó khăn lớn nhất trong công tác chống hạn tại Đông Sơn hiện nay là diện tích lúa gieo sạ của huyện lớn, lên tới 2.532 ha/3.600 ha, gấp 2 lần so với diện tích trong kế hoạch sản xuất của huyện. Diện tích này do đầu vụ phải tháo kiệt nước để gieo, nên chân ruộng gần như không có nước trữ, vì thế chỉ nắng vài ngày là xảy ra tình trạng nứt nẻ. Để tưới cho những diện tích nứt nẻ cần lượng nước lớn, thời gian tưới lâu, gây khó khăn cho công tác chống hạn.
Theo thông tin của Chi cục Thủy lợi tỉnh, tình trạng thiếu nước, khô hạn đối với diện tích sản xuất nông nghiệp đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương. Tính đến ngày 7-7, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước lên tới 8.269 ha. Trong đó, diện tích thiếu nước làm đất, gieo cấy là 1.521 ha, diện tích thiếu nước tưới dưỡng cho lúa đã gieo cấy là 6.384 ha, diện tích thiếu nước không thể sản xuất lúa mà phải chuyển sang trồng các loại cây khác là 364 ha.
Trước tình hình nắng nóng gay gắt, để bảo đảm nguồn nước gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch và chống hạn cho diện tích lúa mới gieo cấy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các HTX phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thủy nông thực hiện nghiêm túc các phương án tưới và chống hạn năm 2020. Tập trung chỉ đạo cấp nước phục vụ tưới dưỡng cho diện tích lúa đã gieo cấy; đồng thời, cấp nước cho diện tích đang chờ nước để bà con nông dân tiến hành làm đất và gieo cấy. Kiểm soát chặt chẽ độ mặn ở vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trước khi lấy nước. Các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi phối hợp với các xã, phường, thị trấn, HTX dùng nước và các đơn vị liên quan trong công tác điều tiết, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, không để hiện tượng thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí.
Hưng Yên: Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản – Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên năm 2020
Theo dự kiến, Chương trình Xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản - Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên năm 2020 của tỉnh sẽ diễn ra từ ngày 31.7 đến ngày 23.8, gồm các chuỗi sự kiện: Tổ chức khu trưng bày nhãn, nông sản, du lịch; hội thi bình chọn nhãn ngon; hội nghị xúc tiến thương mại nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2020; lễ hội nhãn lồng; hội thảo chuyên đề sản xuất nông nghiệp trồng trọt an toàn, bền vững; hoạt động du lịch - tham quan các vườn nhãn; tuần lễ nhãn lồng tại Hà Nội. Đặc biệt trong khuôn khổ lễ hội nhãn lồng năm nay, Ban tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản tỉnh sẽ tổ chức hội thi bình chọn nhãn ngon, dự kiến sẽ diễn ra trong sáng thứ sáu, ngày 31/7.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thế Cử yêu cầu, Chương trình Xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản - Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên cần xây dựng nhiều điểm giới thiệu sản phẩm, bán nhãn cho nhân dân với mục tiêu bán nhiều, được giá để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản tỉnh; bố trí không gian, địa điểm các gian hàng cho khoa học, bảo đảm người dân tham quan thuận lợi; bổ sung thêm gian hàng trưng bày giới thiệu văn hoá ẩm thực đặc trưng của tỉnh với một số món ăn nhanh phục vụ tại chỗ như: Bún thang, bánh đúc, bánh cuốn…
Sở Công Thương phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đánh giá lại sản lượng, làm việc với các nhà phân phối để giới thiệu và đưa nhãn lồng Hưng Yên vào chuỗi cửa hàng, siêu thị và nhiều kênh bán hàng khác; chủ động làm bao bì, tem truy xuất nguồn gốc gắn với kiểm soát chất lượng nông sản; bảo đảm tổ chức Chương trình Xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản - Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên năm 2020 thiết thực, ý nghĩa, tạo tiền đề, dấu ấn cho những năm tiếp theo…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã