Dự kiến đầu tư hơn 2,144 triệu tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT – đơn vị được giao chủ trì thực hiện chương trình, tính đến tháng 6/2020, cả nước đã có 5.177 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 58,2%. Con số này đã tăng 371 xã (tương đương 4,2%) so với cuối năm 2019. Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã.
Đặc biệt đã có 127/664 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 19,1%); 2 tỉnh Nam Định, Đồng Nai đã được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, sắp tới sẽ có thêm tỉnh Thái Bình.
Về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021 – 2025, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Uỷ viên Thường trực Ban chỉ đạo cho biết, qua việc tổ chức lấy ý kiến góp ý cho chương trình, Bộ NNPTNT kiến nghị giữ nguyên Bộ tiêu chí quốc gia gồm 19 tiêu chí và 9 tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM.
Trên tinh thần không sửa tiêu chí, nhưng sẽ điều chỉnh, bổ sung nội hàm một số chỉ tiêu phù hợp với các chính sách, quy định pháp luật giai đoạn 2021 – 2025, trên tinh thần nâng cao chất lượng các tiêu chí.
"Trong giai đoạn mới, chương trình NTM được thực hiện trên cơ sở kế thừa giai đoạn trước, nên phải tránh lãng phí nguồn lực đầu tư; tăng cường phân cấp, giao quyền cho địa phương tự tổ chức thực hiện. Đồng thời, phải lượng hoá tiêu chí để thuận lợi trong chỉ đạo thực hiện, đánh giá, chứ không chỉ có nói đạt là xong", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Về mục tiêu giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 40% số xã NTM nâng cao, 10% số xã NTM kiểu mẫu. Phấn đấu năm 2025 không còn xã nào đạt dưới 15 tiêu chí; có ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
"Hiện vẫn còn 20% số xã cực kì khó khăn. Trong giai đoạn tới, nguồn lực xây dựng NTM sẽ được đầu tư mạnh hơn cho khu vực này, chủ yếu là các xã biên giới, xã dân tộc miền núi, bãi ngang ven biển… Đáng chú ý là hiện nay vẫn còn 45 huyện "trắng" xã NTM, tức là chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn; 9 tỉnh có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM rất thấp, dưới 30%", ông Nam thông tin.
Theo ông Nam, dự kiến tổng nguồn vốn huy động để triển khai chương trình giai đoạn 2021 – 2025 là 2.144.902 tỷ đồng.
Không hạ tiêu chí, nâng cao chất NTM
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: "Sau năm 2020, xây dựng NTM phải dựa trên nguyên tắc kế thừa kết quả, kinh nghiệm của giai đoạn trước. Đúc rút ra những bài học trong quá trình thực hiện để tránh chạy theo phong trào".
Thực tế giai đoạn vừa qua cho thấy, chương trình NTM thực sự là luồng gió đổi mới tích cực cho sự phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực này. Điều đó được thể hiện ở việc cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, từ giao thông, điện, nước đến các công trình trụ sở, trạm y tế, trường học…, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, văn minh hiện đại hơn.
Mặc dù vậy, theo Phó Thủ tướng, quá trình triển khai vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục.
"Vừa rồi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn là do chúng ta đã chuyển dịch rất nhiều lao động ra khỏi khu vực nông thôn. Hỗ trợ của lĩnh vực công nghiệp quay lại vùng nông thôn là rất lớn, tuy nhiên vai trò hỗ trợ của đô thị cho nông thôn chưa rõ, hầu hết tập trung ở thành phố lớn như Hà Nội. Phân hoá giàu – nghèo ở nông thôn vẫn còn cao, điều này vừa tích cực vừa tiêu cực. Mặt tích cực là tạo động lực mới, nhưng mặt tiêu cực là chưa lan toả được khi mục tiêu của chúng ta là mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp", Phó Thủ tướng phân tích.
Vì thế, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, xây dựng NTM không chỉ là khánh thành xong con đường, làm xong công trình thôn xã mà chính là nâng cao chất lượng sống, tăng thu nhập cho người nông dân.
"Xét đạt chuẩn tiêu chí NTM một số nơi còn dễ dãi, thậm chí có nơi còn "nợ tiêu chí". Đấy chính là bệnh thành tích. Đạt NTM thì các tiêu chí phải đảm bảo chứ sao lại nợ?", Phó Thủ tướng nêu.
"Từ nay đến cuối năm cũng như trong giai đoạn tới, yêu cầu các thành viên trong Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành tập trung hoàn thành 11 nhiệm vụ, trong đó cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hoàn thành nhanh các chỉ tiêu. NTM là thực chất, nhưng vẫn phải cần có mục tiêu để phấn đấu làm bằng được", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
"Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông về xây dựng nông thôn mới năm 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông".
Nguồn tin: Minh Huệ/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã