Bén duyên với nghề nuôi chim yến
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, anh Tấn cho biết, năm 2000, tốt nghiệp loại khá chuyên ngành tài chính ngân hàng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, anh được tuyển dụng vào làm việc tại một ngân hàng lớn trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên để có một cuộc sống tốt tại thành phố thì không hề đơn giản khi anh chỉ là một chàng thanh niên tỉnh lẻ lên TP Đà Nẵng lập nghiệp.
Sau khi tìm hiểu qua sách báo, mạng internet, anh quyết tâm khăn gói vào TP HCM tham quan, học hỏi mô hình nuôi chim yến của các hộ đi trước.
Trước sự hấp dẫn của nghề nuôi chim yến làm giàu, anh Tấn đã dành thời gian, công sức mày mò nghiên cứu các thông tin liên quan đến loài chim yến, quy trình kỹ thuật nuôi cũng như tìm cách "thâm nhập thực tế" ở những cơ sở nuôi yến mà anh có điều kiện tìm tới.
Và cũng thật may mắn, anh được những người anh trong nghề yến tận tình chỉ dẫn.
Anh Tấn nhớ lại, năm 2008, với số tiền vay mượn của người thân gần 200 triệu đồng, anh bắt đầu xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến.
Chim yến là loài chim rất thích mùi xi măng nên trong khi đang xây dựng nhà, chim yến đã tìm đến và bay lượn xung quanh nhà rất nhiều. Điều này báo hiệu tín hiệu vui cho anh nên anh Tấn rất quyết tâm xây dựng mô hình.
Sau 3 tháng xây dựng, nhà nuôi chim yến của anh Tấn đã hoàn thiện. Tổng diện tích nhà yến của anh gần 240m2, trong đó diện tích xây dựng 160m2, với 2 tầng nuôi.
Sau 6 tháng anh đã khai thác được những sản phẩm tổ yến đầu tay, lúc đó khoảng chỉ hơn 200g, anh bán được 9 triệu đồng nhưng với niềm vui khôn tả rằng đồng tiền và tâm huyết anh bỏ ra là đúng hướng.
Nhà nuôi chim yến của gia đình anh Tấn là căn nhà xây dựng chuyên dụng nuôi yến đầu tiên mọc lên tại TP Đà Nẵng.
Cứ thế, theo thời gian yến về ở đông hơn, làm tổ nhiều hơn, mô hình nuôi yến dần đi vào ổn định.
Nuôi chim yến ít tốn công chăm sóc, anh Tấn dành thời gian cuối tuần thứ 7, chủ nhật để kiểm tra nhà nuôi yến, còn lại anh thuê người chăm và có vợ anh hỗ trợ nên cũng không ảnh hưởng gì đến công việc chính của anh tại ngân hàng.
Nhìn những đôi chim yến nằm ấp trứng trên tổ cặp theo trần nhà, anh Tấn chia sẻ: "Chim yến sống theo bầy nhưng lại có đôi, rất thủy chung. Chim đi kiếm ăn theo đàn nhưng đến tối bay về thì mỗi cặp vợ chồng chim yến lại về đúng tổ của mình chứ không chung chạ. Một khi chim yến đã chọn nhà nào để định cư thì gần như suốt đời chúng sẽ ở đó".
Đút túi hơn 800 triệu đồng/năm
Anh Tấn cho biết, yến là loài vật chăm chỉ, chúng dậy từ khi mặt trời chưa ló sáng, bay liên tục suốt ngày trên bầu trời kiếm sinh vật phù du làm thức ăn. Chiều tối, khi mặt trời sắp lặn chúng mới bay về, có ngày bay xấp xỉ 200km không nghỉ.
Để có được tổ yến làm thức ăn bổ dưỡng cho con người, chim yến phải tiết nước bọt làm tổ. Vào thời kỳ sinh sản thì tuyến nước bọt của chim phát triển mạnh, phình to ra ở hai bên má.
Chúng dùng lưỡi đẩy nước bọt ra khỏi mỏ và quẹt lên trần nhà để định hình dạng tổ. Nước bọt chim yến tiếp xúc không khí sẽ khô sau 2 - 3 giờ.
Chim yến treo lên tổ hằng đêm để tiếp tục xây cho đến khi tổ hoàn chỉnh có thể chứa quả trứng chúng đẻ ra. Khi chim yến non bay đi, những chiếc tổ đó có thể thu hoạch được và trở thành "vàng trắng" với nguồn dinh dưỡng vô giá cho con người.
"Để giữ chân đàn yến cũ và thu hút thêm chim yến mới, nhà yến không chỉ đáp ứng những nhu cầu của chim trưởng thành mà còn phải đảm bảo thoáng mát và đủ không gian rộng rãi cho chim non tập bay", anh Tấn chia sẻ kinh nghiệm nuôi "chim tiền tỷ".
Muốn tổ yến trắng, đẹp thì nhà nuôi yến phải sạch và thông gió. Anh Tấn đặc biệt chú trọng khâu sơ chế, bảo quản hoàn toàn bằng thủ công để tổ yến thật sự thuần chất thiên nhiên và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo uy tín với khách hàng, anh đăng ký giấy phép kinh doanh, làm bao bì và xây dựng thương hiệu của riêng mình, với tên gọi "Yến sào Đà Nẵng".
"Đàn yến khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng tuy số lượng không nhiều như khu vực miền Nam nhưng lại có chất lượng vượt trội. Sở dĩ có được điều này là nhờ nguồn gốc đàn yến Quảng Nam - Đà Nẵng xuất phát từ Đảo yến Cù Lao Chàm - cái nôi của đàn yến Việt Nam với bề dày lịch sử hàng nghìn năm...", anh Tấn lý giải.
"Đặc trưng dễ nhận biết nhất của tổ yến khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng là sợi dai, giữ mùi tanh đặc trưng rất lâu, khi ngâm tổ yến chưng ăn sẽ còn nguyên sợi chứ không nhão ra như yến sào những vùng khác và thời gian chưng chín tổ yến cũng lâu hơn trong khi sợi yến vẫn rất nhiều, không tan", anh Tấn cho biết.
Hiện mô hình nuôi chim yến của anh Tấn ngày càng phát triển tốt. Số lượng chim cũng tiếp tục tăng theo từng năm. Hiện lượng chim yến của gia đình anh Tấn khoảng 4.500 con, sản lượng khai thác mỗi năm vào khoảng hơn 30kg tổ yến, (trung bình hơn 2,5kg/tháng).
Giá bán 1kg tổ yến chưa qua sơ chế là khoảng 27-30 triệu đồng, giá bán tổ yến đã làm sạch giá 40-45 triệu đồng/kg, tùy loại sản phẩm.
Tổng nguồn thu từ nuôi chim yến mang lại cho anh Tấn hơn 800 triệu đồng/năm, đây được coi là nguồn thu nhập chính của gia đình anh, nhờ nuôi chim yến mà anh Tấn xây dựng được nhà cửa khang trang, mua được xe ô-tô.
Đến nay, sau 12 năm hoạt động thương hiệu "Yến sào Đà Nẵng" của anh Tấn đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, khách du lịch Trung Quốc, Hồng Kông... biết tiếng và cũng tìm đến anh khá đông mua về sử dụng và làm quà biếu.
Lượng khách ổn định nhờ kênh truyền miệng, khách đã ăn rồi giới thiệu cho người khác và hơn 60% sản phẩm được bán qua Facebook cá nhân. Thêm vào đó, anh Tấn cũng đã xây dựng được 2 điểm bán hàng trực tiếp: 80B Chế Lan Viên và 260 Trưng Nữ Vương, TP.Đà Nẵng.
Theo Trần Hậu/danviet.vn
https://danviet.vn/da-nang-7x-doi-doi-nho-nuoi-chim-tien-ty-de-ra-vang-trang-20200711131955638.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã