Bắc Ninh: Thay đổi tư duy phát triển kinh tế trang trại
Theo Hội NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh, đến nay toàn tỉnh có 2.846 trang trại, gia trại, trong đó có 248 trang trại đủ tiêu chí trang trại với tổng vốn đầu tư 628,3 tỷ đồng. Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế trang trại của tỉnh là xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ngày càng nhiều, chiếm từ 45 - 60% tổng số trang trại, gia trại.
Các trang trại nuôi trồng thủy sản hầu hết được quản lý tự động bằng phần mềm máy tính, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý nguồn nước, thức ăn, bảo quản, hạn chế đến mức thấp nhất sức lao động của con người, bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cho phép. Nhiều sản phẩm do trang trại sản xuất có mã truy xuất nguồn gốc (QR code) để kiểm tra xuất xứ, quy trình.
Mô hình nuôi thỏ của ông Phạm Trọng Thuần tại xã Đức Long (Quế Võ) là điển hình cần nhân rộng.Trang trại có tổng diện tích gần 1ha, được xây dựng từ năm 2017, thường xuyên nuôi 2.000 con thỏ. Ngoài ra, ông liên kết với 6 trại nuôi thỏ khác, mỗi tháng cung cấp 2.000 con cho Công ty Nippon Zoki Việt Nam. Do Công ty Nhật Bản bao tiêu sản phẩm nên các quy định trong quá trình nuôi thỏ được kiểm soát nghiêm ngặt, gắn mã số trên tai để theo dõi ngay từ khi mới sinh. Trung bình mỗi tháng gia đình ông xuất bán 400 con, cho doanh thu tiền tỷ mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Nhờ lựa chọn được hướng đi đúng, cách làm hay mang lại hiệu quả cao, giúp nhiều hộ dân trong và ngoài địa bàn quan sát, học hỏi để có phương hướng phù hợp trong việc phát triển kinh tế trang trại.
HTX Quang Tiến, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành) thành lập năm 2017, hoạt động trong khu trang trại tổng hợp rộng 8ha, nuôi gần 2.000 con lợn, được đầu tư đầy đủ hệ thống chống nóng, điều hoà không khí, nước uống tự động, hầm biogas và xử lý chất thải hiện đại. Bình quân mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường khoảng 350 tấn thịt lợn thương phẩm. Trong lĩnh vực thuỷ sản, HTX duy trì số lượng 30 lồng nuôi cá cá lăng, chép giòn, diêu hồng theo tiêu chuẩn VietGap, đạt sản lượng khoảng 40 tấn cá mỗi năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại, HTX chú trọng đầu ra sản phẩm, ký kết tiêu thụ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trang trại, liên kết hợp tác thành lập HTX nông nghiệp, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng giống, các dịch vụ phục vụ sản xuất, kỹ thuật tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong vùng. Các trang, gia trại hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, đang từng bước được nhân rộng, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau màu, chăn nuôi… cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc phát triển mạnh các trang trại không chỉ tạo ra khối lượng hàng hóa nông sản lớn, tập trung, mang lại thu nhập cao cho các chủ trang trại, mà còn góp phần giải quyết việc làm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. Trung bình, mỗi trang trại tạo việc làm từ 3 - 5 lao động, mức thu nhập đạt 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Để kinh tế trang trại tiếp tục phát triển bền vững khuyến khích người dân dồn đổi, tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa theo vùng để tăng tính cạnh tranh; từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, về lâu dài, để khai thác và sử dụng có hiệu quả các tiềm năng về vốn, đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ, gắn vùng nguyên liệu với chế biến sản phẩm đòi hỏi các chủ trang trại cần thay đổi tư duy cách làm, tích cực cập nhật thông tin về giá cả, thị trường để áp dụng vào thực tế.
Hà Nội: Nâng cao chất lượng hợp tác xã nông nghiệp
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng, vừa hỗ trợ các thành viên tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Tuy nhiên, còn không ít tồn tại trong hoạt động của HTX nông nghiệp, nhiều HTX nông nghiệp còn khó khăn. Thành phố Hà Nội đang tìm giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động cho các HTX.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, hiện, trên địa bàn thành phố có 1.235 HTX, gồm 1.090 HTX đang hoạt động (chiếm 88,3%) và 145 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể. Về thực trạng hoạt động, Hà Nội có 718 HTX kiểu mới, quy mô thôn, xã, được thành lập trước khi có Luật HTX năm 2012 và chuyển đổi 100% theo Luật; 457 HTX hoạt động tốt và khá; 261 HTX hoạt động trung bình, yếu.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho hay, trong những năm qua, các HTX nông nghiệp có vai trò chủ đạo trong cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ nông dân thuận lợi, yên tâm sản xuất, tăng thu nhập trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt. Đồng thời, HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Hiện, toàn thành phố có 70 HTX tham gia chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 50 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 31 HTX với 106 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP.
Đáng chú ý, đối với HTX thôn, xã, sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, người đứng đầu các HTX đã có tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh; số lượng thành viên HTX với quy mô vừa (dưới 1.000 thành viên); đa dạng dịch vụ hoạt động (tối đa 10-12 dịch vụ) phục vụ thành viên HTX và dịch vụ truyền thống cho nông dân toàn xã tại địa phương; góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên; phát huy vai trò cộng đồng, giúp nông dân trên địa bàn về dịch vụ truyền thống ổn định tổ chức, phát triển kinh tế tại địa phương.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho rằng, cần đánh giá lại mô hình hoạt động của các HTX nông nghiệp hiện nay, từ đó, đưa ra giải pháp nâng cao hoạt động trong thời gian tới. Kinh tế thị trường đòi hỏi hàng hóa phải có tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc…, trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của chúng ta còn tình trạng “sáng tươi, chiều héo, sản phẩm thô”... Do đó, cần hình thành các HTX nông nghiệp chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Về đầu tư trong nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng có rất nhiều rủi ro, song việc sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ hạn chế điều này.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiên quyết là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về HTX, vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế HTX, Luật HTX năm 2012 và các văn bản pháp quy có liên quan. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình, tiên tiến, nhất là các lĩnh vực ngành nghề mới, tạo điều kiện để các HTX mở rộng quy mô, phạm vi, địa bàn hoạt động với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ; ưu tiên phát triển các HTX nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất giống, bảo quản, chế biến nông sản…
Bên cạnh các giải pháp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành thông tư hướng dẫn điều kiện và tiêu chí hỗ trợ HTX nông nghiệp theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế HTX giai đoạn 2021-2025. Qua đó, các bộ, ngành, địa phương có cơ sở tham mưu ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan phát triển kinh tế tập thể nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng.
Vĩnh Phúc: Xây dựng thương hiệu cây bưởi
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, những năm gần đây, người dân ở các địa phương, nhất là các xã ven sông Hồng đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đưa cây bưởi vào trồng và trở thành cây xóa đói giảm nghèo, mang lại kinh tế cao cho người dân.
Năm nay, 160 gốc bưởi Diễn của gia đình ông Phùng Văn Tân, xã Phú Đa, Chủ tịch Hội trồng bưởi của huyện Vĩnh Tường tiếp tục cho thu hoạch tốt.
Cây sai nhất trong vườn có đến hơn 100 quả, còn lại đạt bình quân 80 quả. Toàn bộ diện tích bưởi đều được canh tác theo quy trình hướng dẫn của Viện Bảo vệ thực vật Việt Nam (Bộ NN&PTNT).
Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi hơn 15 năm tuổi đã đến độ thu hoạch thi nhau đua sắc vàng, ông Tân cho biết: Vì hợp đất, hợp nước, hợp khí hậu, vườn bưởi của gia đình năm nào cũng sai trĩu quả.
Được biết, sau nhiều năm làm nghề xây dựng, với số vốn tích cóp được, năm 2005, ông Tân mạnh dạn đấu thầu diện tích đất ruộng khó khăn về nguồn nước của xã để cải tạo trồng cây ăn quả; liên kết với Viện Bảo vệ Thực vật trồng thử nghiệm 5 loại cây có múi gồm: Cam Hàn Quốc, bưởi diễn, quýt ngọt, chanh tứ quý, cam canh.
Sau 3 năm trồng, chỉ có cây bưởi sinh trưởng phát triển tốt. Nhận thấy cây bưởi phù hợp với chất đất của địa phương, năm 2008, ông Tân mở rộng diện tích lên 1,2 mẫu trồng 160 cây bưởi, mỗi năm, gia đình thu từ 150 - 200 triệu đồng.
Hiện, vườn bưởi của gia đình ông Tân là nơi học tập kinh nghiệm không chỉ của người dân địa phương mà còn trên địa bàn huyện và tỉnh.
Xác định lợi thế của cây bưởi, những năm gần đây, huyện Vĩnh Tường luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tập trung thâm canh cây bưởi nhằm tăng thu nhập, làm giàu chính đáng, nhất là các xã vùng bãi ven sông Hồng.
Năm 2017, với đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất bưởi theo chuỗi giá trị tại Vĩnh Phúc” quy mô 100 ha do Viện Nghiên cứu và phát triển vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai, nhiều hộ dân của huyện nằm trong mô hình thực hiện được hỗ trợ về giống, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo bước phát triển mới cho cây bưởi.
Để đẩy mạnh phát triển cây bưởi và xây dựng thương hiệu bưởi của Vĩnh Tường, năm 2018,huyện đã thành lập Hội trồng bưởi, thu hút 91 thành viên tham gia thuộc 7 xã: Phú Đa, Vĩnh Ninh, Ngũ Kiên, Tuân Chính, Cao Đại, Tân Phú, Vĩnh Thịnh.
Tính đến hết năm 2019, toàn huyện có trên 100 ha đất trồng bưởi, chiếm 20% diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện, trong đó, hiện có 60 ha diện tích đã cho thu hoạch.
Năm 2019, tổng sản lượng bưởi bán ra thị trường ước đạt 1,8 triệu quả với giá trị gần 40 tỷ đồng.
Tháng 10/2019, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bưởi Vĩnh Tường - Hương vị Đất Phủ”, góp phần mở rộng thị trường và nâng cao giá trị của sản phẩm.
Không chỉ có huyện Vĩnh Tường, nhiều địa phương trong tỉnh như: Lập Thạch, Yên Lạc, Sông Lô và thành phố Phúc Yên cũng mở rộng diện tích trồng bưởi.
Nhờ sự năng động, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của người dân và cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cây bưởi, các hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích không hiệu quả sang trồng cây bưởi; nhiều hộ trồng bưởi đã chủ động ứng dụng theo quy trình VietGAP tạo ra quả bưởi có chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Bưởi sau trồng 7 năm cho doanh thu 250-300 triệu đồng/ha, sau 10 năm có thể đạt 350-500 triệu đồng/ha.
Để phát triển cây bưởi trở thành cây ăn quả chủ lực của tỉnh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát và chuyển đổi diện tích đất đồi trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây bưởi.
Có chính sách khuyến khích tích tụ đất đai, tổ chức, liên kết sản xuất theo tổ nhóm, HTX về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tập huấn kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP cho nông dân; đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ KHKT.
Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho cây bưởi; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các mô hình thâm canh ứng dụng phương pháp tưới nhỏ giọt cho cây bưởi.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã