Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, ngay từ nhỏ, anh Đặng Đình Hợp đã quen với nương lúa, đồi cây, cùng trâu bò, lợn gà.
Theo anh Hợp, anh thích chăn nuôi từ ngày còn đi học và tìm tòi từ đó. Sau khi học xong THPT, anh không lựa chọn con đường Đại học như bao người khác, mà lựa chọn đi... chăn bò.
Sau khi đi tham quan, học tập tại các mô hình và tìm hiểu kiến thức trên mạng, anh về xin gia đình nuôi thử một lứa 4 con bò để vừa học vừa làm lấy kinh nghiệm.
"Khi mới bắt đầu chăn nuôi, tôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về kiến thức chăn nuôi vì bò 3B là giống bò mới nên kỹ thuật chăm sóc cũng khác nuôi bò truyền thống", anh Hợp cho biết.
Cũng theo anh Hợp, ngày mới học xong cấp 3, do chưa có kiến thức gì nên anh chỉ lên mạng tìm hiểu. Từ kiến thức về chọn giống, đến các bệnh thường gặp ở bò, cách làm chuồng sao cho hợp lý... anh đều tự học từ trên mạng và tham khảo từ thú y.
Ngay từ đầu, anh Hợp đã xác định nuôi bò 3B theo hướng thương phẩm nên anh đã tự tích lũy cho mình kinh nghiệm về các khâu quan trọng trong việc chăm sóc, phát triển đàn bò.
Đặc điểm của bò 3B là có lông đen loang trắng, cơ bắp phát triển, khung xương và tỷ lệ thịt xẻ nhiều hơn bò bình thường. Trong khi bò truyền thống chỉ nặng khoảng 3-3,5 tạ/con khi trưởng thành, bò 3B có thể nặng tới 5 - 6 tạ, có con lên tới 7 tạ.
Một vấn đề được anh Hợp đặc biệt quan tâm là tỷ lệ các chất dinh dưỡng hằng ngày của bò 3B. Theo anh, việc cân đối lượng thức ăn tinh, thức ăn thô xanh cho bò 3B không những giúp bò lớn nhanh, phát triển tốt mà còn góp phần quan trọng nâng cao sức đề kháng cho đàn bò.
Theo anh Hợp, mùa hè chủ yếu cho bò ăn cỏ, bổ sung thêm bã bia và cám. Một con bò 3B nặng 2 tạ mỗi ngày ăn hết gần 20kg cỏ xanh, còn bã bia khoảng 3-5kg/con/ngày, cám chỉ khoảng 1,5kg/con/ngày.
Vào mùa thu hoạch lúa, cần chú ý tích lũy và ủ rơm, thức ăn xanh với urê để dự trữ thức ăn trong những ngày rét và tăng cường thức ăn ủ chua để kích thích bò ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt hơn.
"Bò 3B là giống bò thích nước và có nhu cầu về nước nhiều hơn bò truyền thống. Bởi vậy, tôi làm máng nước tự động, mỗi khi bò uống hết nước trong máng thì nước sẽ tự động đẩy lên.
Ngoài ra, bò nhốt trong chuồng sẽ thiếu khoáng chất hơn bò thả ngoài đồng nên tôi sử dụng "đá liếm" để bổ sung khoáng chất. Còn về phòng bệnh, tôi cho tiêm 2 loại thuốc là tuyết trùng và lở mồm long móng định kỳ 6 tháng/lần"- anh Hợp chia sẻ.
Cũng theo anh Hợp, dù nuôi bò nói riêng hay chăn nuôi nói chung, khâu xử lý chất thải là một trong những khâu quan trọng góp phần cho sự thành công và phát triển bền vững.
Do đó, anh luôn quan tâm vấn đề xử lý chất thải, đồng thời tìm cách để chất thải trong chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế.
Ngay từ lứa đầu tiên xuất bán, anh đã thấy hiệu quả kinh tế ổn định. Trung bình mỗi con bò có thể đem về lợi nhuận từ 1 - 1,2 triệu đồng/tháng, tùy thời điểm giá thị trường.
Hiểu được nỗi trăn trở của những người cũng tìm hướng đi như mình khi mới lập nghiệp, anh Hợp luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ những ai muốn phát triển chăn nuôi bò thịt.
Anh Đặng Ngọc Sơn (xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: "Mô hình của anh Hợp mang lại rất nhiều lợi ích cho gia đình anh. Khi tôi lên tham quan mô hình, anh Hợp rất nhiệt tình chia sẻ để tôi dễ nắm bắt. Sắp tới, tôi cũng sẽ triển khai mô hình bò thương phẩm qua những gì mình tìm tòi được".
Ông Ngọc Văn Hoàn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: "Sau 2 năm thực hiện mô hình nuôi bò 3B, qua đánh giá mô hình cho thu nhập bình quân 12-15 triệu/tháng với quy mô 9 con bò 3B phát triển rất tốt. Đây là ví dụ tiêu biểu khuyến khích Đoàn thanh niên đẩy mạnh thực hiện phong trào xung kích phát triển kinh tế, đặc biệt hơn nữa với lực lượng thanh niên ở nhà, có việc làm tại nhà, tránh việc đi làm ăn xa, cuộc sống không ổn định".
Theo Hoàng Hùng/danviet.vn
https://danviet.vn/phu-tho-lieu-nuoi-giong-bo-sieu-to-anh-non-dan-tre-khoe-dep-trai-co-lai-khong-lo-202010141426598.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã