Qua lời kể của những nhà nghề có thâm niên hàng chục năm tại làng hương Phú Lộc, thì làng nghề hình thành từ năm nào không ai nhớ rõ, chỉ biết đã có nhiều thế hệ gắn bó với nghề truyền thống. Khi xưa làng nghề thuộc thôn Phú Lộc, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, ngày nay thuộc hai thôn Phú Mỹ và Phú Nghĩa.
Sản phẩm tâm linh ngày lễ Tết
Hiện nay, làng hương Phú Lộc chỉ còn khoảng 4 hộ duy trì nghề truyền thống. Nơi đây sản xuất quanh năm, nhưng vào những tháng giáp Tết công việc làm hương trở nên tất bật và rộn ràng hơn. Đặc biệt, khi dịp Tết Tân Sửu 2021 đang cận kề, các nhà nghề phải khẩn trương sản xuất để kịp các đơn hàng.
Ông Huỳnh Văn Thời (trú thôn Phú Mỹ) năm nay đã 60 tuổi, cũng là chừng ấy năm ông biết đến nghề làm hương của gia đình. Hoạt động sản xuất hương diễn ra quanh năm, trời nắng thì làm mà mưa thì nghỉ và tranh thủ lúc nắng ráo làm nhiều hàng để trữ bán Tết.
"Năm nay thời tiết nắng nhiều mà mưa bão cũng triền miên, khiến công việc làm hương bị ảnh hưởng khá lớn. Cận Tết thời tiết lại không thuận lợi nên sản xuất gặp trở ngại. Vì trời mưa lạnh hoặc nắng yếu thì phơi hương sẽ lâu khô, dễ hỏng, phai mùi", ông Thời chia sẻ.
Mỗi ngày hai vợ chồng ông Thời làm ra 45kg hương từ 30kg bột, bao gồm các loại hương quế, hương tùng, hương trầm. Ông chủ yếu sản xuất hương quế, nguyên liệu gồm có: tăm hương (chẻ từ thân cây lồ ô), bột quế (xay từ vỏ, lá quế), bột keo (tạo độ kết dính). Sau khi cho vào máy trộn đều các bột nguyên liệu lại với nhau, thì dùng máy se hương để ép bột vào cây tăm.
Ông Thời cho hay, nén hương thắp trên bàn thờ ông bà tổ tiên là điều không thể thiếu trong phong tục tâm linh của người Việt mỗi dịp cúng kiếng, lễ Tết. Vì thế dịp này ông bán hương rất chạy, mỗi ngày hơn 100kg (gấp 4-5 lần so với ngày thường) và chủ yếu được tiêu thụ trên địa bàn huyện Đại Lộc, Duy Xuyên. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, đại lý mà ông sản xuất nhiều kích cỡ hương khác nhau, tăng giảm thành phần hương liệu, phân chia bó hương lớn nhỏ.
Rộn ràng mùa hương Tết
Gần nhà ông Thời là những giàn phơi hương đỏ sắc của chị Lê Thị Kiệp (43 tuổi). Từ sáng sớm, chị đã tất bật với những công việc như trộn bột, se hương, phơi hương, đóng gói…Dù làm không nghỉ tay nhưng chị không thấy mệt vì đây là mùa làm ăn chính trong năm, ai cũng cố gắng sản xuất để đón Tết sung túc hơn.
Chị Kiệp phấn khởi nói: "Ngày thường tôi bán được trung bình 30kg hương, nhưng dịp Tết Nguyên đán tôi bán được gấp đôi. Đặc biệt hương quế là loại có mùi thơm dễ chịu, giá dao động 30.000 đồng/kg nên bán chạy nhất. Với loại hương tùng (35.000 đồng/kg), hương trầm (100.000 đồng/kg, còn tùy loại) thì kém thị trường hơn nên bán số lượng ít.
Sau khi ép bột vào tăm để tạo cây hương hoàn chỉnh, chị Kiệp mang hương ra phơi nắng khoảng 3 tiếng, nếu trời nắng yếu thì phải phơi trên giàn cả ngày. Hiện nay nhờ có máy móc nên làm hương nhẹ nhàng hơn, từ trẻ nhỏ đến người già đều có thể làm được.
Tuy nhiên, sản phẩm của làng hương Phú Lộc không cạnh tranh lại với nhiều loại hương công nghiệp khác trên thị trường, khiến bài toán về nơi tiêu thụ luôn là điều nan giải của nhà nghề.
Là người có quy mô sản xuất lớn nhất vùng, ông Ngụy Xử (55 tuổi, trú thôn Phú Nghĩa) bộc bạch: "Để đảm bảo luôn đủ hàng bán dịp Tết, vợ chồng tôi phải làm tăng ca từ sáng sớm cho đến tối muộn, thuê thêm thợ làm thời vụ. Nhờ có máy móc hỗ trợ sản xuất nên làm hương không cực nhọc như ngày xưa nữa, sản lượng làm ra cũng nhiều hơn".
Sau khi se hương xong, vợ chồng ông Xử khẩn trương mang hương ra phơi cho kịp nắng. Những ngày cận Tết trời mưa lạnh, ông phải tạm dừng làm hương, chuyển sang làm khâu đóng gói, mang hương đi bỏ sỉ cho các tiệm tạp hóa trong vùng. Vào mùa nắng, ông làm hương cất trữ đầy nhà, đến mùa Tết thì mang ra bán và kịp bỏ mối cho các bạn hàng.
"Ngày thường hương làm ra bán chậm lắm, nhưng đến Tết thì bán gấp 10 lần, khoảng 300kg. Làm nghề này lấy công làm lời, nhưng giữ được nghề truyền thống của cha ông thì tôi cũng cố gắng, chứ người ta bỏ nghề hết rồi. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhìn khắp nơi phảng phất mùi thơm của hương Tết thì tôi rạo rực lắm", bà Trương Thị Mỹ, vợ ông Xử tâm sự.
Theo Tuyết Nhung - Trần Hậu/danviet.vn
https://danviet.vn/quang-nam-o-day-dan-tat-bat-lam-ra-thu-khong-the-thieu-trong-moi-dip-le-tet-20210201224602812.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã