Trong buổi họp với 19 tỉnh, thành phố phía Nam ngày 9/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành trong khu vực tiếp nối thành quả từ hơn 3 tuần làm việc của Tổ công tác 970.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, có 5 vấn đề mà Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần triển khai ngay. Thứ nhất, tập trung xây dựng chuỗi giá trị từ người sản xuất, hợp tác xã (HTX), cho đến doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ. Nếu đảm bảo được những chuỗi giá trị lớn, tin tưởng chuỗi cung ứng sẽ hoạt động bình thường trong mọi điều kiện.
Lấy ví dụ từ việc cam kết hỗ trợ nông dân thu mua lúa Hè Thu và không tăng giá vật tư nông nghiệp của Tập đoàn Lộc Trời, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, với những đơn vị đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giá và sản lượng thu mua luôn được đảm bảo, bất chấp việc xuống giá của nông sản ngoài thị trường.
Thứ hai, Thứ trưởng Nam đề nghị các đơn vị từ Sở NN-PTNT cấp tỉnh, thành phố, Phòng NN-PTNT các huyện, thị xã đến doanh nghiệp giữ kết nối chặt chẽ hơn nữa với Tổ công tác 970. Nếu tập trung chỉ đạo, kết nối thành chuỗi giá trị, chúng ta hoàn toàn đủ khả năng để giải quyết các vấn đề và tháo gỡ mọi rào cản.
Thứ ba, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khen ngợi mô hình xây dựng Tổ phản ứng nhanh, và nông hội ở cấp xã tại một số tỉnh phía Nam đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành nông nghiệp tại các địa phương này có thể chọn một số tổ làm điểm, hoặc xây dựng mô hình gắn với khuyến nông. Bên cạnh việc hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật nông nghiệp, những Tổ này còn khả năng hỗ trợ, tư vấn cho bà con nông dân cả về thị trường đầu ra.
Xây dựng mô hình những Tổ kinh tế kỹ thuật khuyến nông cấp cơ sở là chủ trương của Bộ NN-PTNT trong thời gian qua. Đây là nhiệm vụ đã được Bộ trưởng Lê Minh Hoan xác định, và giao Thứ trưởng Trần Thanh Nam kết hợp nguồn lực từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Kinh tế hợp tác & PTNT, Viện Chính sách & Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Mục đích là xây dựng những Tổ khuyến nông hoạt động ở cấp liên xã, liên vùng, hỗ trợ sản xuất, kết nối, tiêu thụ nông sản.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ, ông đã tổ chức được một số những mô hình như vậy thời còn công tác tại tỉnh Kiên Giang. Những mô hình này hiện vẫn hoạt động tốt, vừa trang trải được chi phí cho các thành viên trong Tổ, vừa có kinh phí để tổ chức phát triển sâu, rộng.
"Sau đợt công tác này, chúng tôi sẽ tiếp tục thị sát các tỉnh để khảo nghiệm đề án này. Với nguồn vốn từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chương trình xây dựng những Tổ khuyến khuyến nông này có thể thí điểm từ 2 - 3 năm. Nếu hoạt động hiệu quả, đây vừa là nơi tư vấn sản xuất, bán hàng cho người dân, vừa giúp lãnh đạo ngành nông nghiệp cấp huyện, cấp tỉnh nắm bắt tình hình hoạt động trên địa bàn", Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ.
Bên cạnh đề xuất lập các Tổ khuyến nông cấp xã, Tổ trưởng Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam còn mong muốn thứ tư là phát triển sâu hơn nữa Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản. Vào cuối tháng 6/2021, Thứ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo Ban này, và thành lập 5 Tổ công tác chuyên đề nhằm xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm và tham mưu công tác phát triển thị trường nông sản theo từng lĩnh vực.
5 tổ cụ thể, gồm: Tổ Thường trực; Tổ Tiếp cận, mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản; Tổ Xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất và thị trường nông sản; Tổ Phân tích, dự báo, định hướng thị trường nông sản; và Tổ Thông tin, truyền thông thị trường nông sản.
Để phát triển sâu hơn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố dựa trên các Tổ công tác hiện có, thành lập các Tổ thị trường, kết nối với các Phòng NN-PTNT cấp huyện, và kết nối với Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản.
"Nếu cần thiết, Giám đốc các Sở NN-PTNT sẽ làm Tổ trưởng những Tổ này. Chúng ta phải chuyển đổi tư duy mạnh mẽ, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp", ông nói.
Với phương châm “biến tư tưởng thành hành động”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cam kết, đồng hành đến cùng với các Tổ công tác. Trước mắt, Thứ trưởng yêu cầu Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản xây dựng 2 bản tin về thị trường thế giới và tình hình sản xuất. Trên cơ sở biết được thời gian, địa điểm của những vùng nguyên liệu chuẩn bị thu hoạch, lãnh đạo ngành nông nghiệp hoặc các doanh nghiệp sẽ có phương án kết nối.
Yêu cầu cuối cùng của Thứ trưởng Trần Thanh Nam là thành lập diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản. "Qua thực tế, chúng tôi thấy rằng nhiều bên đều có nguyện vọng duy trì hoạt động của Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT. Đó là một nhu cầu cấp thiết, cả về phía người dân, hợp tác xã, lẫn doanh nghiệp", ông nêu vấn đề.
Để thành lập diễn đàn, Thứ trưởng Nam đề nghị xây dựng 4 đầu mối chính, và kết nối hàng tuần theo hình thức trực tuyến. Ý tưởng của Thứ trưởng, là lấy Báo Nông nghiệp Việt Nam làm trung tâm, và là chủ công trong việc hình thành sàn giao dịch kết nối.
"Nhờ mạng lưới phóng viên rộng khắp và rải đều các tỉnh, thành phố trên cả nước, Báo Nông nghiệp Việt Nam đủ khả năng nắm bắt, truyền tải, và kết nối thông tin một cách nhanh chóng", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận xét.
Ngoài vai trò trung tâm của Báo Nông nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Nam đề xuất 3 đầu mối nữa: (1) Trung tâm Đào tạo tư vấn kinh tế hợp tác - Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2; (2) Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp; (3) Trung tâm Phát triển Nông thôn - ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn.
“Không thể để những thành quả của Tổ công tác 970 dừng lại ở đây, mà chúng ta phải tiếp tục biến nó thành cơ sở phát triển những tư tưởng mới, sát với thực tiễn”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ trưởng, và các Thứ trưởng Bộ NN-PTNT sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc, tháo gỡ khó khăn theo hình thức trực tuyến.
Cũng trong buổi họp ngày 9/8, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã cảm ơn các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, trong việc hỗ trợ công nhân lao động đang phải lưu trú tạm thời do giãn cách xã hội. Dù đây chưa phải chủ trương của Bộ NN-PTNT, nhiều lãnh đạo của các Sở NN-PTNT và doanh nghiệp đã nhiệt tình tham gia.
Trên quan điểm, các Sở NN-PTNT chủ động, sát sao đến từng cơ sở sản xuất trên địa bàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý thêm về các tổ sản xuất liên vùng. Ông yêu cầu Sở NN-PTNT các tỉnh chủ động phối hợp với nhau, vừa đảm bảo sản xuất, vừa phòng, chống Covid-19.
“Chúng ta đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên, gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, và người dân. Đó là cơ sở để tự bản thân mỗi doanh nghiệp nhận thức rõ ràng được ý nghĩa, giá trị, và vai trò của họ trong từng chuỗi giá trị”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kết luận.
Theo Bảo Thắng/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/sang-kien-thanh-lap-dien-dan-ket-noi-cung-cau-nong-san-d299581.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã