Trong cuộc trao đổi, ông Hồ Xuân Hùng cho rằng, đến bây giờ chưa dự đoán nổi xu hướng dịch Covid-19 nên tính toán để cho phát triển sắp tới trong lĩnh vực nông nghiệp là rất khó khăn. Dù vậy, ông tin rằng khả năng sức bật nhanh nhất vẫn là nông nghiệp.
Theo ông, dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn?
- Ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất của dịch Covid-19 là người lao động. Cũng rất may trong đợt dịch này, ở nông thôn chúng ta còn tương đối yên ổn. Tôi nói tương đối vì cũng có một thực trạng không ít nông thôn đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do con em ở nước ngoài đi học về hoặc người thành phố về…
Thứ hai, người dân hiện nay chỉ đáp ứng yêu cầu cơ bản, thiết yếu; những khu vui chơi, giải trí gần như không có, nên nhu cầu giảm nặng, giảm sâu.
Thứ ba, ảnh hưởng nặng cả xuất khẩu – nhập khẩu. Rất nhiều sản phẩm thiết yếu của công nghiệp và nông nghiệp đều phải nhập, ngược lại các sản phẩm xuất của ta, qua 3 tháng vừa rồi tỷ lệ tăng không đáng kể và nhiều mặt hàng bị giảm.
Thứ tư, rõ ràng cho đến bây giờ cũng chưa dự đoán nổi xu hướng, cho nên tính toán để cho phát triển sắp tới trong lĩnh vực nông nghiệp là rất khó khăn.
Thứ năm, phần lớn sản phẩm nông nghiệp là nguyên liệu của công nghiệp mà công nghiệp đang bị đình trệ một cách nghiêm trọng như thế này, thực chất nó cũng chỉ là vấn đề thị trường.
Đấy là những cái chúng ta phải thấy được cái ảnh hưởng, tác động như thế để tính toán cho xu hướng sắp tới.
Bên cạnh đó, cũng phải thấy trong khi một số ngành khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là du lịch, công nghiệp, rồi các dịch vụ, xây dựng khác, thì những sản phẩm thiết yếu không thể bỏ được nên chúng ta còn có cơ để cứu vãn.
Thực tế, sản xuất nông nghiệp ở nông thôn tuy có bị ảnh hưởng nhưng không bị nặng lắm. Bà con vẫn ra đồng làm ruộng, chỉ giảm bớt tiếp xúc, chuyện này chuyện kia thôi và các nhu cầu sản xuất khác để phát triển mình vẫn giữa được nhịp độ tương đối bình thường.
Sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt với các rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thị trường. Vậy, theo ông, điều này có giúp ích gì chúng ta khi ứng phó dịch Covid-19?
- Nói chung, sản xuất nông nghiệp bao giờ cũng phải đối phó, chấp nhận với rủi ro. Rủi ro lớn nhất là thiên tai, dịch bệnh, rồi rủi ro với thị trường. Đối với dịch bệnh, lâu nay chúng ta đang nặng về rủi ro với gia súc, gia cầm và cây con, còn rủi ro dịch bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe con người cũng có, nhưng phải nói như dịch Covid-19 là lần đầu tiên.
Chúng ta đã trải qua nhiều dịch bệnh, ví dụ Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) nhưng nó không dữ dằn như bây giờ. Hay gần như Việt Nam năm nào trở mùa cũng bị dịch cúm. Dịch cúm ảnh hưởng rất lớn, nó còn nặng, phổ biến hơn chứ không phải ở đây dịch Covid-19 nặng tập trung ở thành phố, khách nước ngoài nhập vào; còn khách tại chỗ, cộng đồng trước cũng chưa có.
Thực ra, cúm là loài virus khó lây nhiễm, nhưng dịch Covid-19 nặng hơn, khác hơn, có nhiều biến thể hơn và mức độ lây lan lớn hơn. Dù vậy, người Việt Nam tương đối có kinh nghiệm trong phòng chống virus, phòng chống các dịch này, trong đó vẫn cố gắng duy trì được sản xuất và lưu thông tương đối bình thường.
Ngay hồi xảy ra dịch SARS vào năm 2002 cho thấy, chúng ta vừa chống được dịch nhưng vẫn giữ được nhịp độ lao động. Đó là kinh nghiệm phải phát huy.
Hiện ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam độ mở rất lớn, nhất là liên quan tới thị trường xuất khẩu. Qua đợt dịch này, ông đánh giá gì về câu chuyện hội nhập, xây dựng nội lực để có thể vượt qua biến động, nhất là biến động về dịch bệnh, thị trường hiện nay?
- Phải nói thị trường luôn biến động, nhưng dịch bệnh ảnh hưởng hơn rất nhiều. Thông qua dịch Covid-19 này để mình tính tới phương án lâu dài. Bởi, vừa rồi ách tắc lớn nhất vẫn là thị trường với Trung Quốc, thị trường xuất khẩu đường biên. Hợp đồng xuất khẩu không có thư tín dụng (LC) là rất lớn và bị ảnh hưởng nặng nề, còn những hợp đồng có LC thì ảnh hưởng không đáng kể.
Cho nên, phải xem lại chiến lược thị trường của chúng ta và trong đó cách làm ăn, nhất là trong kinh tế hội nhập này phải làm ăn chủ yếu là con đường xuất nhập chính ngạch thì chúng ta khắc phục được cơ bản.
Chính vì vậy, chúng ta đang thực hiện quá trình tái cơ cấu lại sản phẩm, nhất là vừa rồi Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã đưa ra được danh mục những sản phẩm chủ lực của nông nghiệp. Đó là những sản phẩm vừa có vị trí rất lớn trong quốc gia, nhưng lại vừa có vai trò rất lớn trong quan hệ xuất – nhập quốc tế. Chúng ta cần phải xem xét lại những mặt hàng này.
Thứ hai, phải bàn lại với các doanh nghiệp, rõ ràng trong quan hệ xuất nhập khẩu phải kiên trì hướng phải xuất nhập khẩu chính ngạch thì mới có bạn hàng dài hơi và cùng chia sẻ rủi ro được. Còn theo kiểu số lượng lớn mà ta cứ xuất khẩu kiểu tiểu ngạch nông sản thì kiểu gì chúng ta cũng sẽ lãnh hậu quả.
Thứ ba, rõ ràng khâu chế biến và bảo quản, chúng ta nói quá nhiều rồi. Nếu chúng ta làm tốt khâu bảo quản và chế biến, đây là điều kiện chúng ta có thể giãn được áp lực của thị trường. Cái này chúng ta đã nói rất nhiều, bây giờ trước áp lực này càng thấy việc đó lớn và cấp bách hơn.
Dù tác động, áp lực đối với ngành nông nghiệp và bà con nông dân là rất lớn nhưng kỳ vọng cho sức bật của ngành trong thời gian tới khi dịch bệnh lắng xuống rất cao. Ông có đánh giá gì về năng lực, khả năng phục hồi và chiếm lĩnh thị trường của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam?
- Tôi tin rằng, sau dịch này, khả năng sức bật nhanh nhất vẫn là nông nghiệp, chắc chắn là như vậy. So với các lĩnh vực kinh tế khác thì khả năng có sức bật sẽ nhanh hơn là lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
Lĩnh vực nông nghiệp mình có khả năng là vì sao? Là vì rõ ràng đây là một khủng hoảng lớn trên thế giới chứ không phải riêng nước ta trong cả cung và cầu. Những nước người ta thiếu kinh nghiệm trong ứng xử với loại dịch như thế này thì càng nặng nề hơn hoặc những thị trường lâu nay sản phẩm xuất sang đang bị ảnh hưởng sản xuất rất nghiêm trọng.
Thứ hai, khả năng tự khắc phục của người dân, doanh nghiệp Việt Nam lớn. Thứ ba, tôi theo dõi mấy ngày hôm nay thấy giải pháp của Bộ trưởng NN&PTNT đưa là tích cực và có thể khắc phục được.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: Khương Lực/danviet.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã