Nỗ lực không ngừng nghỉ
Qua 10 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Tân Yên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: 100% xã đạt chuẩn, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và không còn nợ đọng xây dựng cơ bản; bộ mặt nông thôn đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Về huy động nguồn vốn thực hiện đến tháng 3/2020 đạt trên 3.668 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 295,8 tỷ đồng (chiếm 8,1%); tỉnh khoảng 180,4 tỷ đồng (4,9%); huyện khoảng 389,2 tỷ đồng (10,6%); xã khoảng 1.127,4 tỷ đồng (30,7%); doanh nghiệp, HTX khoảng 11,2 tỷ đồng (0,3%); huy động đóng góp của cộng đồng 1.664,5 tỷ đồng (45,3%) và hiến trên 82ha đất các loại. Ngoài ra huy động vốn tín dụng với dư nợ 2.700 tỷ đồng.
Điều đặc biệt trong xây dựng NTM là huyện Tân Yên không có nợ đọng xây dựng cơ bản. Đến tháng 3/2020, huyện Tân Yên có 20/20 xã đều đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xã NTM quy định tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh.
Huyện Tân Yên đã hoàn thành 09/09 tiêu chí huyện NTM theo quy định, nhiều nội dung của huyện đạt cao, nổi trội so với bình quân chung của tỉnh Bắc Giang.
Cụ thể, chăn nuôi lợn và thủy sản đứng đầu tỉnh; giá trị sản xuất/ha đất canh tác đạt 152 triệu đồng/năm (tăng 102 triệu đồng so với 2010); thu nhập bình quân dự kiến năm 2020 đạt 41,26 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 2,9 lần so với năm 2011, trong khi toàn tỉnh là 40 triệu đồng).
Về tiêu chí quy hoạch thì quy hoạch xây dựng vùng huyện Tân Yên đến năm 2040 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 232/QĐ-UBND ngày 27/3/2020, đã công bố công khai, có quy định quản lý quy hoạch được phê duyệt, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, định hướng đô thị hóa.
Về giao thông, Tân Yên có 5 tuyến đường huyện, đã cứng hóa 43,5/43,5km, đạt 100% và được quản lý, bảo trì hàng năm; các tuyến đường huyện đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối tới trung tâm hành chính các xã.
Hệ thống thuỷ lợi liên xã xây dựng phù hợp với quy hoạch đảm bảo tưới tiêu, đáp ứng sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trên địa bàn huyện có Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Tân Yên quản lý vận hành, khai thác hệ thống thủy lợi liên xã.
Hệ thống kênh mương được nạo vét hàng năm vào mùa khô; rác thải trên kênh được thu gom thường xuyên, đảm bảo dòng chảy thông thoáng thuận lợi cho công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai.
Điện lực Tân Yên đang quản lý, vận hành trên 258km đường dây trung áp, 822km đường dây hạ áp và 337 trạm biến áp đảm bảo nguồn cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế xã hội. Các công trình điện trung áp, hạ áp và trạm biến áp đầu tư liên xã đảm bảo đạt thông số kỹ thuật, an toàn điện theo quy định của Bộ Công Thương.
Về y tế, ngày 1/01/2019, Trung tâm Y tế huyện được thành lập theo Quyết định số 794/QĐ-UBND ngày 13/12/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, năm 2019 kết quả thực hiện các nhiệm vụ đều đạt, vượt chỉ tiêu được giao.
Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện có khu thể thao trong nhà diện tích trên 300m2, sân vận động trung tâm huyện 18.522m2, sân khấu có mái che với diện tích 200m2, hội trường 700m2, quy mô 450 chỗ ngồi, khu biểu diễn ngoài trời Quảng trường Lương Văn Nắm 2,7ha… đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, thưởng thức văn hóa, rèn luyện thể thao của người dân.
Trên địa bàn huyện, có 3/4 trường THPT đạt chuẩn quốc gia, đạt 75% (vượt 15% so với yêu cầu Bộ tiêu chí huyện NTM); các trường THPT đảm bảo đủ cơ sở vật chất, phòng học, phòng học bộ môn, phòng chức năng, trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ học tập và giảng dạy.
BỘ MÁY
+ Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện Tân Yên được thành lập do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, thường xuyên kiện toàn khi có thay đổi về nhân sự.
+ Văn phòng Điều phối NTM huyện được thành lập, đã ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể đến các thành viên. Chánh Văn phòng Điều phối do Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm nhiệm, có bố trí cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ NTM.
Lấy hiệu quả sản xuất làm nền tảng
Tân Yên là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh trong chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung dựa trên một số sản phẩm chủ lực, đặc trưng.
Cụ thể, vùng sản xuất Vải sớm 700ha tại các xã Phúc Hòa, Hợp Đức, Tân Trung, Liên Sơn; vú sữa 50ha tại các xã Hợp Đức, Liên Chung, Việt Lập; 12 vùng sản xuất lúa tập trung quy mô 50 ha/vùng tại các xã Song Vân, Ngọc Thiện, Ngọc Lý, Lan Giới hiệu quả kinh tế cao hơn so với làm lúa đại trà 18-23%.
Đặc biệt, huyện Tân Yên đã hình thành 34 vùng sản xuất rau quy mô từ 20ha trở lên tại các xã Ngọc Lý, Ngọc Thiện, Cao Xá, Song Vân, Lam Cốt; có 7 làng thủy sản tập trung với diện tích trên 30ha/vùng tại các xã Liên Chung, Song Vân, Ngọc Châu, Quế Nham, có 75ha diện tích thủy sản được chứng nhận VietGAP.
Ngoài ra, huyện đã hình thành 37 mô hình sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao quy mô từ 1.000 m2 trở lên; hình thành 01 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phúc Sơn quy mô gần 2ha. Xây dựng 42 mô hình tưới tự động trên cây ăn quả.
Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn được thực hiện thông qua việc ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc đảm bảo vệ sinh môi trường; UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết và ban hành Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp.
100% xã, thị trấn (20 xã, 2 thị trấn) đều có hệ thống thu gom chất thải rắn sinh hoạt, rác thải được thu gom, vận chuyển đến 22 bãi rác tập trung để xử lý bằng phương pháp chôn lấp và xử lý bằng phương pháp đốt tại 4 lò đốt. Tổng lượng rác thải phát sinh 55 tấn/ngày. Khối lượng rác thu gom, vận chuyển, xử lý 48 tấn/ngày (87,27%), số rác còn lại khoảng 07 tấn/ngày được các hộ gia đình phân loại tận dụng chất thải hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi....
Chất thải công nghiệp thông thường, chất thải rắn y tế, chất thải nông nghiệp, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng, chất thải nguy hại phát sinh được thu gom, phân loại, ký hợp đồng với các đơn vị có đủ chức năng để vận chuyển, xử lý theo đúng quy định.
Trên địa bàn huyện có 2.931 cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề, trong đó 429/429 cơ sở đã có thủ tục môi trường; 2.502/2.502 cơ sở không thuộc đối tượng lập thủ tục môi trường trong quá trình sản xuất đảm bảo vệ sinh môi trường.
Cụ thể, 195/195 cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ đã có thủ tục về môi trường, đã thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường theo hồ sơ đã được phê duyệt; 1 cụm công nghiệp đang hoạt động đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã xây dựng cơ sở hạ tầng, đường ống thu gom, thoát nước thải qua hồ sinh học trước khi thải ra môi trường; 383/383 hộ chăn nuôi đã xây dựng hầm biogas, tiếp tục được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
4/4 hộ nuôi trồng thủy sản thuộc đối tượng đã có thủ tục về môi trường; 3/3 có làng nghề đã được UBND huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường; 2.345/2.345 hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đang hoạt động đã thực hiện các biện pháp về bảo vệ môi trường.
MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2025
- Cấp huyện: Phấn đấu đạt bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao
- Cấp xã: Có ít nhất 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Việt Lập, Hợp Đức, Phúc Sơn, Ngọc Thiện, Ngọc Lý, Phúc Hòa, Quế Nham, Ngọc Châu, Lam Cốt, Ngọc Vân), trong đó có 02 xã đạt xã NTM kiểu mẫu (Hợp Đức, Phúc Sơn).
- Mỗi xã có ít nhất 1 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.
- Phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát huy tiềm năng vùng trồng cây ăn quả chuyên canh, di tích lịch sử, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Theo Nhân Văn - Mạc Yên/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã