Theo chân chị Hoàng Hà Linh – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Lâu Thượng, PV Dân Việt đến thăm xưởng làm tóc giả của chị Luân Thị Thời (xóm Làng Áng, xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên).
Chị Luân Thị Thời – chủ xưởng làm tóc giả, là một người phụ nữ dân tộc Nùng, năm nay vừa tròn 31 tuổi. Chị Thời cho biết, trước đây, chị theo học nghề cắt tóc gội đầu và làm tóc giả. Sau khi học nghề, chị làm thuê cho một số xưởng trên địa bàn. Khi có đủ vốn liếng và kinh nghiệm thành thục, chị quyết định mở xưởng tóc giả riêng.
Hiện tại, chị Thời có 2 xưởng làm tóc giả ở xã Lâu Thượng và xã Tràng Xá với 150 lao động thường xuyên, chủ yếu là chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Võ Nhai.
Theo chị Thời, khi mới mở xưởng, chị cũng gặp phải không ít khó khăn về tìm nguồn hàng, mối hàng và nguồn vốn đầu tư ban đầu. Thông qua kênh hội phụ nữ xã, chị được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng từ ngân hàng để giải quyết khó khăn về nguồn vốn.
Hiện xưởng của chị Thời nhận làm gia công cho một cơ sở để xuất khẩu hàng đi nước ngoài và có ký kết hợp đồng số lượng hàng theo từng năm.
Trung bình mỗi tháng, xưởng của chị làm được khoảng 2.000 bộ tóc giả, với ngày công lao động trung bình từ 200.000 – 250.000 đồng/người/ngày. Với những người đã thuần thục công việc, mỗi ngày công lao động có thể lên tới 500.000 đồng/người/ngày. Nhờ vậy, những chị em làm thuê tại xưởng có thể có thu nhập ổn định từ 6 – 9 triệu đồng/người/tháng.
"Nghề làm tóc giả đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ, kiên trì, tuy nhiên chỉ cần được đào tạo khoảng 2 ngày, đa phần ai cũng có thể làm được. Nhiều chị em phụ nữ trước đây đi làm công ty xa nhà giờ đều trở về địa phương để làm tóc giả. Thậm chí có những người là giáo viên hoặc nam giới cũng tận dụng thời gian rảnh rỗi mang về nhà làm, kiếm thêm thu nhập", chị Thời chia sẻ.
Để có thể tạo ra một bộ tóc giả, người thợ phải cân trọng lượng của tóc cho phù hợp với mỗi bộ tóc cần làm. Sau đó, tiến hành ghim lưới vào giấy và khuôn đầu nhựa, rồi bắt đầu công đoạn móc tóc. Sau khi móc xong, người thợ tháo ghim và giặt sạch tóc.
Đối với những bộ tóc quá khô hoặc cứng, trước khi móc, người thợ cần xả tóc qua dầu xả cho tóc mềm. Trong quá trình móc tóc giả, không được để rách lưới và phải chọn đúng chiều tóc để móc, tránh làm tóc bị rối.
Chị Lương Thị Thêm, một công nhân làm việc tại xưởng móc tóc giả cho biết: "Tôi bắt đầu làm việc ở đây được khoảng 4 tháng nay. Công việc ở đây cơ bản đều và ổn định, không lo hết việc để làm, quan trọng có thời gian để làm không thôi".
Chị Thêm cho biết, mỗi ngày chị có thể móc được khoảng 1 bộ tóc với thu nhập khoảng 200.000 đồng. Ngoài thời gian làm việc khoảng 6 tiếng tại xưởng mỗi ngày, chị vẫn có thời gian làm việc nhà và chăm sóc gia đình.
Ngoài thời gian làm việc đồng áng, chị La Thị Hà My làm việc tại xưởng khoảng 4 tiếng/ngày. Chị My tâm sự, công việc làm tóc giả này không quá vất vả mà lại có thu nhập cao, gấp nhiều lần so với làm ruộng, cấy lúa nên chị sẽ tham gia lâu dài.
Chị Hoàng Hà Linh - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Lâu Thượng cho biết, cả xã hiện có tất cả 3 tổ móc tóc giả, tập trung ở các xóm Làng Áng, La Hóa, Là Dương. Nghề móc tóc giả đã góp phần giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho nhiều chị em phụ nữ, hạn chế tình trạng chị em đi làm ăn xa. Nhờ đó, nhiều chị em phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá.
Theo Hà Thanh - Kiều Hải/danviet.vn
https://danviet.vn/thai-nguyen-vung-dat-nay-la-dan-ba-con-gai-ru-nhau-lam-do-gia-ma-kiem-tien-that-20210129120536232.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã