Căn cứ vào nội dung, mục tiêu của Đề án 1385, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 1385 tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như ban hành Bộ tiêu chí “công nhận thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới” tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ thôn, bản khó khăn sử dụng nguồn vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được quan tâm thực hiện tại các xã thuộc Đề án 1385 nhằm giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tạo sự đồng thuận trong triển khai Đề án 1385.
Đặc biệt, các ngành, địa phương thường xuyên tổ chức phát động phong trào thi đua, Cuộc vận động như “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “5 không, 3 sạch”, "Chương trình thắp sáng đường quê"; "Hàng rào cây xanh, cải tạo cảnh quan thôn xóm"; tổ chức nhóm tự quản an ninh, tổ tự quản đường làng, ngõ xóm… góp phần làm thay đổi bộ mặt thôn, bản.
Đến nay, các xã thực hiện Đề án 1385 không còn xã nào dưới 05 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tăng từ 02 - 03 tiêu chí/xã và bình quân đạt 7,5 tiêu chí/thôn, bản. Các tiêu chí cơ bản trong xây dựng nông thôn mới được cải thiện so với trước khi thực hiện Đề án 1385 như thu nhập bình quân đầu người 11,78 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều 46,98%, tỷ lệ lao động có việc làm 58,5%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 94,35%, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh 50,17%. Kết cấu hạ tầng nông thôn như đường giao thông, thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt... được đầu tư nâng cấp, sản xuất có sự chuyển biến tích cực theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi…
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nội dung của Đề án 1385 còn khó khăn do trình độ dân trí còn thấp; vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hình thức sản xuất chưa thay đổi nên hiệu quả sản xuất kinh tế chưa cao, thu nhập còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Các xã vùng miền núi và đồng bào dân tộc nguồn thu còn ít, huy động đóng góp của người dân chưa cao; việc xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn ngân sách Nhà nước…
Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh tiếp tục xây dựng nông thôn mới bền vững, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; cơ cấu kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất hợp lý tại các xã đặc biệt khó khăn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; phấn đấu có 60% số thôn, bản thuộc phạm vi Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn thôn, bản nông thôn mới; không có xã đạt dưới 10 tiêu chí xã nông thôn mới; các công trình hạ tầng thiết yếu đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng thu nhập bình quân đầu người ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân nhằm khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; rà soát nội dung chỉ tiêu, mục tiêu, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể, sát với tình hình thực tế các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới xây dựng nông thôn mới và một số tiêu chí còn đạt tỷ lệ thấp, từng bước hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới (trong đó ưu tiên phát triển các thế mạnh về cây ăn quả, rau, cây dược liệu, cây đặc sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, lâm nghiệp…), từng bước trở hình thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ; có chính sách thu hút, chú trọng phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững; triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng ở thôn, bản; chú trọng đầu tư công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Mặt khác, các cấp, các ngành và địa phương nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy sự đa dạng về văn hóa của dân tộc; cải tạo cảnh quan, xây dựng mô hình thôn, bản xanh, sạch, đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch cộng đồng kết nối với các điểm nhấn thu hút khách du lịch; nhân rộng, phát huy hiệu quả mô hình tự quản đảm bảo giữ vững an ninh - trật tự xã hội thông qua phát huy vai trò của trưởng thôn, bản, người đứng đầu dòng họ; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, có giải pháp hỗ trợ bổ sung kỹ năng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, toàn tỉnh sẽ quan tâm bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp xã, thôn, bản để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách có tính sáng tạo, đột phá phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng, tạo sự chuyển biến trong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nói chung, Đề án giảm nghèo nói riêng.
Tin rằng, với việc triển khai quyết liệt giải pháp hỗ trợ thôn, bản của các xã đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững sẽ từng bước góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, giúp kết quả xây dựng nông thôn mới đồng đều hơn trên địa bàn tỉnh…
Theo Mai Anh/quangbinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã