Sản phẩm được trưng bày tại các hội chợ nông sản trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Báo Lào Cai
Gạo Séng cù Mường Vi từ lâu được biết đến là sản phẩm truyền thống của huyện Bát Xát, được thị trường ưa chuộng. Cuối năm 2018, Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi đã nghiên cứu, sản xuất thành công và đưa ra thị trường sản phẩm gạo lứt Séng cù. Gạo lứt Séng cù chứa nhiều dưỡng chất quan trọng, tốt cho sức khỏe, đồng thời với lượng chất xơ dồi dào, gạo lứt giúp chống lại bệnh xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường… Nắm được xu thế tiêu dùng đối với loại gạo này, Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm gạo lứt Séng cù có nhiều ưu điểm vượt trội so với các sản phẩm cùng loại.
Để có nguồn nguyên liệu tốt, hợp tác xã chú trọng từ khâu canh tác lúa. Hợp tác xã đã liên kết với người dân xã Mường Vi xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ gạo Séng cù. Đơn vị ký liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với hơn 70 hộ, diện tích lúa hơn 65 ha. Các hộ được hợp tác xã ứng trước tiền giống, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất, người dân phải tuân thủ chặt chẽ việc trồng và chăm sóc, sản phẩm làm ra phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Lê Thị Minh (phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai) cho biết: Tôi bị bệnh tiểu đường type 2 nên phải thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, trong đó sử dụng gạo lứt để thay thế gạo trắng. Trước đây, tôi thường nhờ người nhà mua gạo lứt ở siêu thị dưới Hà Nội. Từ ngày biết đến và sử dụng sản phẩm gạo lứt Séng cù của Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi, tôi thấy sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng gói đẹp nên rất yên tâm và trở thành khách hàng thường xuyên của hợp tác xã.
Anh Cao Xuân Diễn, Giám đốc Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi cho biết: Sản phẩm gạo lứt Séng cù được hợp tác xã đưa ra thị trường lần đầu tiên vào cuối năm 2018. Do áp dụng công nghệ hiện đại và quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên giá thành sản phẩm cao gần gấp đôi so với gạo lứt thông thường. Thời gian đầu sản phẩm rất khó bán vì giá cao (30.000 đồng/kg), chúng tôi phải tiếp cận thị trường tại các thành phố lớn, đưa vào các cửa hàng, siêu thị, kết hợp tăng cường quảng bá tại các hội chợ nông sản. Đến nay, sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận.
Năm 2019, sản phẩm gạo lứt Séng cù của Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi đã được cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Hiện, sản phẩm đã tiếp cận được thị trường Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… với lượng tiêu thụ khá và giá bán ổn định. Sản phẩm cũng được một số đối tác phân phối tại thị trường các tỉnh phía Nam.
Huyện Bát Xát có gần 200 ha lúa Séng cù, sản lượng bình quân khoảng 1.600 -1.800 tấn/năm. Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi bình quân tiêu thụ hơn 500 tấn thóc/năm, trong đó 1/4 lượng thóc được dùng để sản xuất gạo lứt Séng cù. Việc đưa ra những sản phẩm mới có chất lượng ngày càng cao, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng là hướng đi đúng giúp nông sản của tỉnh ngày càng vươn xa ra thị trường cả nước.
Nghĩa Lộ hướng đến một vụ đông thắng lợi
Vụ đông này, một số xã có diện tích sản xuất cây vụ đông lớn là Phù Nham 313,5 ha, Sơn A 174 ha, Nghĩa Lợi 116,5 ha, Hạnh Sơn 208,8 ha, Phúc Sơn 237,05 ha, Thanh Lương 120 ha, phường Tân An 118,7 ha…
Nhờ nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từ chú trọng sản lượng sang nâng cao chất lượng; từ chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của hộ gia đình sang kết hợp giữa tiêu dùng và sản xuất hàng hóa, gắn với việc tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của thị xã, đến nay, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã phát triển được vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích trên 500 ha gắn với chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò” và phát triển sản xuất rau màu, cây ngô vụ đông đạt trên 75% diện tích đất hai vụ lúa.
Nhiều năm qua, thị xã Nghĩa Lộ luôn chủ động triển khai sản xuất cây vụ đông, đến nay đã đạt trên 75% diện tích đất hai vụ lúa. Ông Vũ Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết, thị xã hiện có 9.177 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 7.230 hộ sản xuất cây vụ đông.
Với truyền thống và kinh nghiệm lâu năm sản xuất cây vụ đông, nên vụ đông năm 2020 thị xã phấn đấu tổng diện tích cây trồng vụ đông đạt 1.770 ha. Trong đó, cây ngô đông 1.470 ha, năng suất 32 tạ/ha, sản lượng 4.726 tấn; cây rau màu phấn đấu đạt từ 300 ha trở lên, gồm cả diện tích rau màu trên đất hai vụ lúa, diện tích rau màu trên đất màu, đất bãi, đất vườn… và triển khai thực hiện mô hình trồng cà chua trên gốc ghép tại các xã, phường.
Dê núi Lương Sơn công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao
Sản phẩm thịt dê núi Lương Sơn của HTX Nông nghiệp Hòa Bình, thôn Yên Lịch, xã Thanh Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) vừa được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Được gắn sao OCOP cấp tỉnh đã khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm thịt dê núi Lương Sơn.
HTX Nông nghiệp Hòa Bình nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng thịt săn chắc, ngon, ngọt được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Báo Hòa Bình
Với mong muốn phát triển mô hình chăn nuôi dê núi tại quê nhà, năm 2017, anh Nguyễn Mạnh Linh đã quyết tâm thành lập HTX Nông nghiệp Hòa Bình với 6 thành viên. Tất cả thành viên HTX đều là những gia đình có truyền thống nuôi dê tại địa phương. Tháng 7/2019, sản phẩm dê núi của HTX Nông nghiệp Hòa Bình là sản phẩm dê thịt đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận VietGAP. Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm cùng với cái "Tâm” mong muốn tạo ra những sản phẩm sạch để phục vụ người tiêu dùng các thành viên của HTX Nông nghiệp Hòa Bình đã nghiêm chỉnh thực hiện quy trình chăn nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP. Địa điểm chăn nuôi của HTX được bố trí khoa học, gồm: Khu nuôi dê giống, khu dê con, kho thức ăn, khu nuôi cách ly và khu xử lý nước thải. Hiện, diện tích khu chăn nuôi của HTX là 1.200 m2; diện tích đồi núi, khu vực chăn thả dê rộng tới 120 ha.
Anh Nguyễn Mạnh Linh chia sẻ: Nhằm đảm bảo cho đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt cần quan tâm tới công tác phòng các loại bệnh. Dê thường mắc 5 loại bệnh chính, gồm: Bệnh đậu, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, hoại tử đường ruột, nhiệt thán. Để phòng các loại bệnh trên định kỳ 6 tháng, HTX sẽ tiêm phòng cho đàn dê một lần. 15 ngày phun khử trùng chuồng trại 1 lần. Cùng với đó, chuồng trại được vệ sinh hàng ngày; chuồng phải cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Với việc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên đàn dê của HTX luôn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt.
Trong quá trình nuôi, HTX không sử dụng thuốc kháng sinh, thức ăn chủ yếu của dê là lá cây tự nhiên trên rừng. Hàng ngày, mỗi con dê đều leo bộ từ 9 - 10 cây số để lên núi ăn cỏ nên thịt dê săn chắc, thơm ngon. Thịt dê núi Lương Sơn có hương vị đậm đà, đảm bảo vệ sinh ATTP; được đăng ký nhãn hiệu, logo, mã số mã vạch, tem truy suất nguồn gốc; mẫu mã, bao bì hấp dẫn nên được người tiêu dùng khắp mọi nơi trên cả nước biết đến. Thị trường tiêu thụ chủ lực của HTX là các nhà hàng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh…
Đặc biệt, HTX đã ký được hợp đồng tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Eco Food, HG Hifood… Trung bình HTX cung cấp ra thị trường từ 4 - 4,8 tấn/năm. Giá bán trung bình đối với dê hơi là 170.000 đồng/kg; đối với thịt dê được đóng gói hút chân không, cấp đông lạnh giao động từ 500 - 600.000 đồng/kg. Mặc dù HTX chưa có lò mổ nhưng HTX đã ký kết hợp tác với một lò mổ tại TP Hòa Bình để đảm bảo đúng quy trình giết mổ, đúng tiêu chuẩn vệ sinh ATTP.
Ông Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: Sản phẩm thịt dê núi Lương Sơn của HTX Nông nghiệp Hòa Bình được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh góp phần nâng tầm thương hiệu dê núi Lương Sơn. Đây cũng là cơ hội để các hộ nuôi dê trên địa bàn xã liên kết với HTX Nông nghiệp Hòa Bình phát triển chăn nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Sơn sẽ phối hợp với HTX Nông nghiệp Hòa Bình và các hộ chăn nuôi dê trên địa bàn thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo chất lượng thịt ngon, ngọt; cải tiến, nâng cấp mẫu mã, bao bì sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm thịt dê núi Lương Sơn.
Dương Phong trồng hơn 3ha trà hoa vàng theo chuỗi giá trị
Thực hiện Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, năm 2020 xã Dương Phong (Bạch Thông, Bắc Kạn) trồng được 3ha cây trà hoa vàng tại các thôn Bản Pè, Bản Mèn, Bản Mún, Tổng Ngay với 44 hộ tham gia.
Cây trà hoa vàng đã được người dân xã Dương Phong trồng nhiều năm nay. Trong ảnh: Trà hoa vàng nhiều năm tuổi của một hộ dân thôn Bản Pè. Ảnh: Báo Bắc Kạn.
Dự án đã hỗ trợ 70% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho các hộ thực hiện. Sau gần 3 tháng triển khai, đến nay diện tích trà hoa vàng đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho thu hoạch sau 3 năm trồng. Được biết, trước đây xã Dương Phong đã có một số hộ trồng cây trà hoa vàng lâu năm, diện tích cũ khoảng 3ha nằm rải rác ở các thôn. Đặc điểm, cây chủ yếu trồng dưới những tán tầng cây lâm nghiệp, hoặc trồng xen.
Cây trà hoa vàng phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương, việc mở rộng diện tích trồng sẽ từng bước hình thành vùng sản xuất trà dược liệu tập trung, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã