Theo báo cáo của Sở NNPTNT, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2018. Đến nay, sau 2 năm thực hiện Tuyên Quang đã thu hút được nhiều chủ thể tham gia và có 79 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 17 sản phẩm đạt 4 sao, 62 sản phẩm 3 sao.
17 sản phẩm nông nghiệp đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao, gồm: Trà Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy đinh, chè xanh Ngọc Thúy nõn của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (Yên Sơn); chè Shan tuyết 1 tôm 1 lá Hồng Thái, chè Shan tuyết Hồng Thái lộc trà của Hợp tác xã Sơn Trà (Na Hang); cam sành Hàm Yên của Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên; mật ong hương rừng của Hợp tác xã mật ong Phong Thổ (TP Tuyên Quang)…
Các nhóm sản phẩm OCOP của Tuyên Quang thuộc nhóm ngành thực phẩm; đồ uống; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch của 51 chủ thể trên địa bàn 42 xã, phường, thị trấn. Tuyên Quang được đánh giá là tỉnh đứng thứ 5 so với các tỉnh miền núi phía Bắc về số sản phẩm đạt OCOP được gắn từ 3 sao trở lên.
Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: Số lượng sản phẩm OCOP mà Tuyên Quang đạt được tuy chưa phải là lớn so với các tỉnh bạn trên cả nước nhưng đã thể hiện được sự cố gắng vượt bậc của cả một hệ thống từ các cơ quan giúp việc cấp tỉnh, huyện cũng như các địa phương và chính các chủ thể sản xuất, kinh doanh.
Các sản phẩm được trao giấy chứng nhận OCOP là những sản phẩm đạt chuẩn cả về hình thức và chất lượng, lấy uy tín làm tiêu chí hàng đầu để đảm bảo sự hài lòng của người tiêu dùng chứ không chạy theo thành tích. Chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách quản lý sản xuất của các chủ thể, từ đó tạo ra các sản phẩm mang tính bền vững.
Cũng theo ông Việt, mục tiêu trong giai đoạn tới, Tuyên Quang tiếp rà soát, lựa chọn hỗ trợ tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương tham gia đánh giá phân hạng đạt từ 3 sao trở lên.
Ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm ngành thực phẩm và ngành thủ công mỹ nghệ và trang trí. Đồng thời, tỉnh sẽ lựa chọn, hỗ trợ phát triển sản phẩm đạt hạng 4 sao, phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn để hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng đánh giá phân hạng cấp Quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao, như sản phẩm: Chè Shan Tuyết Hồng Thái, Chè xanh Ngọc Thuý, Mật ong hương rừng, Cam sành Hàm Yên,…
Đánh giá về kết quả thực hiện chương trình OCOP của tỉnh Tuyên Quang, ông Trần Nhật Lam - Phó Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương cho rằng: Kết quả chương trình OCOP tỉnh Tuyên Quang đạt được đã thể hiện sự rõ nét những bước đi, lộ trình triển khai mà Tuyên Quang thực hiện trong 3 năm qua.
Đặc biệt với những kinh nghiệm, bài học rút ra của tỉnh Tuyên Quang chỉ ra sẽ là một trong những nội dung quan trọng đóng góp cho chương trình tổng kết 3 năm thực hiện chương trình OCOP toàn quốc trong sắp tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Thế Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã đánh giá cao những kết quả Chương trình đã đạt được, đồng thời cũng chỉ ra nhiệm vụ trong thời gian tới Tuyên Quang cần thực hiện trong thời gian tới.
Theo đó, giai đoạn 2021 -2025 Tuyên Quang xác định chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh.
Do vậy ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương cần khuyến khích, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, thế mạnh của từng địa phương, để nâng cao thu nhập, mức sống người dân và phát triển kinh tế xã hội nông thôn bền vững.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã đề nghị các cấp, các ngành địa phương tập trung, ưu tiên nguồn lực để thực hiện chương trình OCOP và xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm theo từng lĩnh vực.
Để chương trình đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Thế Giang cũng chỉ ra một số giải pháp cần thực hiện: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân, để mỗi người dân và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đều biết đến các sản phẩm OCOP; Hỗ trợ nâng cao sản phẩm đã được phân hạng; sản xuất, lựa chọn, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Trong đó ưu tiên các xã, phường đến nay chưa có sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, để chương trình OCOP đạt hiệu quả, mang tính bền vững Tuyên Quang cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, kết nối, hỗ trợ các chủ thể ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, nhà phân phối lớn trong và ngoài tỉnh. Phấn đấu mỗi huyện xây dựng 1 trung tâm, giới thiệu, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Tuyên Quang đã trao giấy chứng nhận OCOP cho các chủ thể. Và các đại biểu cũng đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ của một số chủ thể, HTX với các doanh nghiệp thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương.
Theo Thanh Thảo/danviet.vn
https://Tuyên Quang: Chỉ sau 2 năm đã có 79 sản phẩm OCOP, xếp thứ 5 các tỉnh miền núi phía Bắc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã