Trong những ngày rét đậm, rét hại chúng tôi lên xã vùng cao Bằng Phúc của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đưa tin về việc nông dân "chống rét" cho đàn gia súc.
Giữa cái lạnh cắt da, cắt thịt, PV bắt gặp một người phụ nữ chân chất cặm cụi ôm rơm chăn đàn bò dễ đến 60-70 con. Thấy có khách, chị căn dặn, nếu vào chuồng nhớ khử khuẩn và dùng đồ của HTX để tránh bệnh dịch cho đàn gia súc.
Người bạn đi cùng chúng tôi cho biết, đó là Giám đốc HTX Thanh Tâm, HTX chuyên về rượu và nuôi lợn rất thành công tại xã vùng cao còn nhiều khó khăn này.
Chị Tâm là một nông dân thuần chất, khác với vẻ bề ngoài khá rụt rè là một tính cách quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám vượt lên khó khăn để làm giàu.
Chia sẻ với PV, Giám đốc HTX Thanh Tâm (thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn) cho biết, gia đình chị có nghề nấu rượu gia truyền, bản thân chị đã được truyền lại và làm nghề từ năm 1990. Năm 2017 mấy anh chị em quyết định thành lập HTX, nấu rượu, tận dụng bỗng rượu để nuôi thêm lợn.
Chị Tâm chia sẻ, năm 2018 rượu men lá của HTX đã được gắn sao OCOP. Trung bình hiện mỗi tháng chúng tôi xuất ra thị trường được khoảng 9000 lít. Ngoài ra, bỗng rượu được chúng tôi dùng để nuôi lợn, nuôi bò.
"HTX luôn duy trì đàn lợn 200 con, mỗi năm 3 lứa, tính ra cũng xuất ra thị trường được khoảng 500 -600 con lợn thương phẩm, thu về khoảng gần 4 tỷ đồng, rượu cũng cho thu khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Năm 2020, chúng tôi mạnh dạn nhập thêm 60 con bò về nuôi, trung bình mỗi con khi nhập có giá 25 triệu đồng. Bò mới vào đàn nên chưa có thu, tuy nhiên đàn bò đang phát triển rất tốt", chị Tâm cho biết thêm.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, HTX đã chủ động trồng 1ha cỏ và thu rơm khô dự trữ. Trong những ngày rét đậm, rét hại HTX luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn thức ăn cho đàn bò.
Theo chị Tâm, ngoài nuôi bò bằng cỏ, HTX còn chăn bằng bỗng rượu. Lợn và bò ăn bỗng rượu thấy ít bệnh hơn, ăn khỏe và đặc biệt mau lớn.
"Khó khăn thì nhiều lắm, nhất là vốn, hiện nay HTX cũng đã làm thủ tục xin hỗ trợ theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND tỉnh Bắc Kạn, nếu thuận lợi sẽ được hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng cho đàn lợn.
HTX hiện có 14 thành viên, mấy chị em bảo nhau mà làm thôi. Nếu chăm và thuận lợi thì cũng được. Thu nhập trung bình của các thành viên hiện nay từ khoảng 9 -12 triệu đồng/tháng, tuy theo ngày công", chị Tâm bộc bạch.
Ông Hoàng Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bằng Phúc cho biết, trên địa bàn xã Bằng Phúc hiện có 4 HTX, Xưởng sản xuất, trong đó có HTX Thanh Tâm đang hoạt động rất hiệu quả.
"Chúng tôi rất mong muốn phát triển và nhân rộng những mô hình hiệu quả như HTX Thanh Tâm đang làm. Tỷ lệ hộ nghèo tại xã còn khá cao, hơn 18%. Riêng thôn Nà Pài nơi có HTX Thanh Tâm tỉ lệ hộ nghèo đã xuống dưới 12%", ông Thái cho biết thêm.
Theo Chiến Hoàng/danviet.vn
https://danviet.vn/bac-kan-chi-la-nau-ruou-thoi-nhung-vi-sao-nong-dan-o-day-lai-5-ty-dong-nam-cau-tra-loi-gay-bat-ngo-20210121160817074.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã