Tại Cuộc họp, Báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, tiền tệ Quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ, nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và những đóng góp, ý kiến tham gia, đề xuất chính sách của Hội đồng và Tổ Tư vấn đã góp phần vào sự thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Điều đó thể hiện ở việc điều hành kinh tế vĩ mô của đất nước năm 2020 đã đạt được những kết quả ấn tượng, toàn diện trên các lĩnh vực, thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của Nhân dân; tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 tăng 3,23%, là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trên thế giới và khu vực, trong khi giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm 2016-2020 với những kết quả, thành tích đặc biệt góp phần tô đậm thành tựu của cả nhiệm kỳ 2016-2020.
Về đề xuất giải pháp khắc phục thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh năm 2021 và thời gian tới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, diễn biến nhanh, khó đoán định, trong khi nhiệm vụ đề ra là rất nặng nề, vừa phải tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước của riêng năm 2021, vừa phải tập trung để tổ chức triển khai ngay các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, năm đầu thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Trong bối cảnh đó, cần duy trì tập trung cao độ, tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không vội vàng, phải bình tĩnh, tỉnh táo phân tích kỹ diễn biến tình hình để có những biện pháp phù hợp nhất.
Đối với lĩnh vực tiền tệ, cần phải đánh giá kỹ dư địa của chính sách tiền tệ, cùng với những căn cứ dự báo để chủ động chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề phát sinh. Nếu tình hình đại dịch Covid-19 có chuyển biến tích cực, kinh tế toàn cầu phục hồi, kéo theo sự phục hồi mạnh của kinh tế trong nước; khi đó hệ thống ngân hàng cần phải sẵn sàng để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn và ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp, người dân để đảm bảo thanh khoản, nhưng cũng đồng thời cần phải sẵn sàng các công cụ điều tiết lãi suất và tỷ giá hợp lý để đáp ứng yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, việc tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế là yêu cầu hết sức quan trọng để kịp thời nắm bắt thông tin, từ đó đưa ra những giả định, dự báo và khuyến nghị nhiệm vụ, giải pháp phù hợp. Đồng thời, cần hết sức khéo léo, linh hoạt trong xử lý các vấn đề quốc tế, giữ vững vị thế, uy tín của quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta đã chuẩn bị cho một nền tảng quan trọng theo năm 2021 và 5 năm đến một cách căn bản, về năng lực sản xuất kinh doanh, về hệ thống kinh tế vĩ mô. Nhất là, người dân đã vào cuộc mạnh mẽ trước thử thách của dịch bệnh, có thể nói một dân tộc bừng lên sức sống mãnh liệt, đoàn kết thống nhất cao, ý chí khát vọng phát triển, đây chính là nền tảng rất quan trọng để chúng ta thổi luồng sinh khí mới trong phát triển thời gian tới, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2021 và các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp. Chúng ta chấp nhận sự thay đổi trong điều kiện mới, thay đổi cả thói quen, thậm chí phải thay đổi cả thể chế pháp luật phát triển về kinh tế.
Trong thời gian tới, Chính phủ phải làm nhiều việc, nhất là thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược. Cải cách hành chính, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia và thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững là những trọng tâm. Đặc biệt, chuyển đổi số quốc gia là con đường tất yếu.
Tổ tư vấn và Hội đồng Chính sách tiền tệ Quốc gia cần theo dõi sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, phát hiện những vấn đề mới phát sinh để kịp thời tư vấn với Thủ tướng về những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp trước tình hình mới. Tiếp tục đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tư vấn để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Nghiên cứu giải pháp hoàn thiện cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước./.
Thúy QuyênNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã