Nuôi lươn không bùn trong bồn xi măng là mô hình làm giàu của nhiều nông dân ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.
Xây bồn xi măng nuôi lươn không bùn
Nhiều nông dân huyện Tam Nông đã tận dụng diện tích đất trống cạnh nhà xây bể xi măng để thực hiện thành công mô hình nuôi lươn không bùn cho lãi cao.
Anh Lâm Hoàng Tuấn ở khóm 1, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) đã đầu tư vốn thiết kế 2 dãy bồn xi măng trên một khoảng sân trống hình chữ nhật cạnh bên dòng kênh Đồng Tiến. Đây là điều kiện thuận lợi để anh Tuấn có thể thay nước dễ dàng để thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn.
Đầu năm 2020, anh Tuấn xây 2 dải bồn xi măng, mỗi bên có 6 cái bồn xi măng nhỏ liền kề nhau (mỗi bồn có chiều dài 3m, chiều ngang 2,5m và chiều cao 0,8m). Phía đáy và thành bồn, anh Tuấn lót lớp gạch bông, rồi bơm nước vào bồn và thả tổng cộng trên 10.000 con lươn giống để nuôi.
Nguồn lươn giống được anh Tuấn mua ở trại lươn giống sinh sản ở thành phố Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp). Lươn giống anh Tuấn mua với giá dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/con.
Bên trong bồn xi măng, anh Tuấn thiết kế hệ thống ống nhựa để bơm nước vào và thay nước bồn nuôi lươn mỗi ngày được dễ dàng. Bên trên mặt nước bồn, anh thiết kế giá thể để thức ăn cho lươn và tạo bóng mát cho lươn có nơi bám vào nghỉ ngơi, trú ẩn.
Anh Lâm Hoàng Tuấn chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Nuôi lươn không bùn trong bồn xi măng rất dễ, tỷ lệ hao hụt thấp, lươn ít bệnh, công chăm sóc rất đơn giản. Mỗi ngày thay nước một lần và vệ sinh bồn nuôi lươn sạch sẽ. Cho lươn ăn đầy đủ, phòng ngừa bệnh cho lươn kịp thời thì người nuôi chắc ăn có lãi cao".
Nguồn thức ăn cho lươn chủ yếu được anh Tuấn sử dụng là cá tạp, cua, ốc bươu vàng, tép…Các thức ăn này được nấu chín rồi xay nhuyễn.
Lúc đầu, anh thả lươn giống vào bồn xi măng ương nuôi. Một tháng sau, anh tuyển chọn những con lươn khỏe mạnh được ương nuôi trong môi trường khắc nghiệt, rồi thả đều khắp vào 12 cái bồn xi măng để nuôi đại trà và tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của lươn.
Theo anh Tuấn, cứ đầu tư khoảng 3,5kg thức ăn sẽ cho ra 1 kg lươn thương phẩm. Bên cạnh đó, anh Tuấn còn thường xuyên chăm sóc đàn lươn nuôi thật chu đáo và phòng ngừa dịch bệnh cho lươn kịp thời theo đúng quy trình kỹ thuật để giúp lươn tăng trọng nhanh, hạn chế dịch bệnh tấn công.
Nuôi lươn không bùn dễ chăm sóc, bán có lãi cao
Giữa tháng 9/2020, anh Lâm Hoàng Tuấn cho rút nước cạn để thu hoạch 6 bồn xi măng được 3 tấn lươn.
Thương lái đến tận nơi thu mua lươn với giá 180.000 - 220.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, anh Tuấn còn lãi hơn 150 triệu đồng.
Cuối năm 2020, anh Tuấn tiếp tục thu hoạch 1 bồn nuôi lươn không bùn được trên 416 kg lươn thương phẩm. Anh bán lươn thương phẩm với giá bán giá 170.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh Tuấn còn lãi 30 triệu đồng.
Từ này đến sát Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, anh Lâm Hoàng Tuấn hiện đang tiếp tục thu hoạch 5 bồn lươn còn lại. Mỗi bồn đạt từ 350 - 400kg lươn thương phẩm, dự kiến bán lươn thịt với giá 170.000 đồng/kg.
Sau khi bán hết 5 bồn lươn còn lại, trừ chi phí, dự tính anh Tuấn còn lãi từ 100 triệu đồng trở lên…Tính chung, 12 bồn lươn nuôi không bùn, sau khi thu hoạch bán cho thương với giá dao động từ 170.000 - 220.000 đồng/kg và trừ tất cả chi phí đầu tư, anh Tuấn còn lãi 300 triệu đồng.
"Dự định sắp tới, tôi sẽ mở rộng mô hình nuôi lươn không bùn trong bồn xi măng này ra thêm nữa để tăng nguồn thu nhập cho gia đình và tạo được việc làm ổn định cho lao động nhàn rỗi ở địa phương...", anh Tuấn trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Theo anh Tuấn, cuôi lươn không bùn dễ quản lý và cho ra nguồn lươn thương phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, bán được giá cao hơn so với nuôi lươn có bùn truyền thống. Vả lại, nuôi lươn không bùn đầu ra ổn định và bền vững...
Nuôi lươn không bùn trong bồn xi măng của Lâm Hoàng Tuấn là mô hình độc đáo đang được các ngành chức năng thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) nghiên cứu phát huy và nhân rộng.
Mô hình nuôi lươn không bùn trong bồn xi măng chắc chắn giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống và từng bước khá-giàu, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển…
Ông Nguyễn Văn Thù - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) nhận xét: "Anh Tuấn là một trong những nông dân tích cực tìm hiểu và áp dụng nhiều mô hình làm ăn kinh tế cho hội viên nông dân trên địa bàn. Nổi bật là mô hình nuôi lươn không bùn trong bồn xi măng đã tạo được nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh Tuấn.
"Hiện nay, hộ anh Tuấn được đánh giá là hộ khá hẳn lên nhờ nghề nuôi lươn không bùn trong bồn xi măng ở địa phương. Thời gian tới, Hội Nông dân thị trấn sẽ triển khai nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn này cho hội viên nông dân địa phương để giảm nghèo, vươn lên khá, giàu…", ông Nguyễn Văn Thù khẳng định với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Theo Trần Trọng Trung/danviet.vn
https://danviet.vn/mot-ong-nong-dan-tinh-dong-thap-bat-ban-hang-tan-luon-khong-bun-thuong-lai-tap-nap-den-mua-20210121191833517.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã