Ngày 21/1, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ 2021. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh dự và chỉ đạo Hội nghị.
Năm 2020, các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT (VAAS) đã hoàn thiện hồ sơ công nhận lưu hành và tự công bố lưu hành cho 68 giống cây trồng mới, gồm 46 giống cây lương thực và cây thực phẩm, 10 giống cây công nghiệp, 9 giống cây ăn quả và 3 giống cây trồng khác (gồm 1 giống hoa, 2 giống rau).
Trong số 46 giống cây lương thực và thực phẩm mới được công nhận lưu hành, có 18 giống lúa, 02 giống sắn, 03 giống khoai tây, 03 giống khoai lang, 03 giống đậu tương, 03 giống lạc và 12 giống nấm các loại. Bên cạnh đó, đã đăng kí bảo hộ cho 16 giống lúa.
9 giống cây ăn quả được công nhận lưu hành mớicó 02 giống thanh long ruột trắng (LĐ18, LĐ19), 02 giống nhãn (LĐ19, LĐ11), 02 giống cây có múi (giống cam HG1, bưởi đường lá nhăn), 02 giống bơ cho các tỉnh phía Bắc (giống Jolio, B3)…
Song song với nghiên cứu, công nhận các giống cây trồng mới, nhiều giống cây trồng do các đơn vị vị thuộc VAAS nghiên cứu, chọn tạo cũng đã được đẩy mạnh hợp tác với cacd doanh nghiệp để kịp thời đưa ra phục vụ nhu cầu sản xuất.
Cụ thể trong năm, VAAS đã chuyển nhượng bản quyền kinh doanh 04 giống ngô (ĐP5, LVN092, VN559, VS6939), 02 giống lúa (giống GL25 và VAAS-16). Sản xuất và thương mại 1.500 tấn lúa giống các loại, 20 tấn lạc. Sản xuất và thương mại 350 kg hạt giống cà phê vối lai đa dòng TRS1, trên 1,7 triệu cây giống cà phê các loại, trên 1 triệu cây giống cà phê lá sò (TRS1), cùng hàng chục nghìn cây tiêu giống, bơ ghép, sầu riêng ghép, hàng trăm nghìn hom giống dâu, vòng trứng giống tằm cấp 2…
Bên cạnh đó, VAAS cũng đã sản xuất được gần 60 tấn hạt giống siêu nguyên chủng, gần 3.000 tấn hạt giống nguyên cho các tỉnh phía Nam. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp giống trồng cho 200.000 ha lúa thuần, 3.000 ha lúa lai cho các tỉnh phía Bắc; 4.000 ha lạc, 1.000 ha đậu tương, 3.000 ha cây có củ; cung cấp hơn 10 triệu cây giống khoai tây và một số cây giống hoa, dâu tây sạch bệnh tại Tây Nguyên.
Về các tiến bộ kĩ thuật và quy trình kĩ thuật, trong năm 2020, VAAS có 13 quy trình được công nhận là tiến bộ kỹ thuật, góp phần tạo nền móng quan trọng để các địa phương lựa chọn áp dụng kịp thời trong thực tiễn sản xuất.
Trong đó, tiêu biểu như: Quy trìnhquản lý tổng hợp (IPM) bệnh trắng lá mía tại tỉnh Khánh Hòa;quản lý tổng hợp (IPM) sâu đục thân mía bốn vạch đầu nâu tại Tây Ninh; quản lý bền vững bệnh virus hại hồ tiêu ở các vườn sản xuất đại trà; phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu; phòng trừ tổng hợp rệp sáp bột hồng hại sắn; công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học tổng hợp VAAS-AT1 kiểm soát nấm, tuyến trùng hại hồ tiêu; công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học tổng hợp VAAS-AT2 kiểm soát nấm, tuyến trùng hại cà phê…
Các quy trình kĩ thuật đã và đang áp dụng rộng rãi trong sản xuất, tạo sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, hình thành nền nông nghiệp sản xuất bền vững, hiệu quả.
Về công tác nghiên cứu cơ bản, trong năm, VAAS đã có nhiều nghiên cứu quan trọng, nổi bật như: Đã tiến hành giải trình tự bộ gen của 59 chủng vi khuẩn đối kháng; xác định được 03 thể protein Cry độc với tuyến trùng và sâu hại; phân lập được 02 chủng vi sinh vật cố định đạm, 02 chủng phân giải lân; định danh được loài mới gây bệnh héo ngọn khô cành sầu riêng.
Bên cạnh đó, đã xác định được 4 chủng tuyến trùng ký sinh côn trùng; phân lập được 03 chủng vi sinh vật chịu được nồng độ muối NaCl ≥ 1% và có hoạt tính sinh học hỗ trợ cây ăn quả phục hồi và phát triển trên đất bị nhiễm mặn; thu thập, lưu giữ và đánh giá khoảng trên 3.000 nguồn gen cây trồng các loại; xây dựng được cơ sở dữ liệu môi trường nông nghiệp nông thôn…
Năm 2020, dịch bệnh Covid-19, giãn cách xã hội đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các thí nghiệm đồng ruộng, nghiên cứu thực địa, đến tổ chức hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, đến kế hoạch của các đoàn vào trong chương trình hợp tác với Viện.
Trong bối cảnh đó, toàn hệ thống VAAS đã nỗ lực, vượt lên trên các khó khăn, trở ngại để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Thường trực Hội đồng Khoa học VAAS đã tư vấn và đề xuất danh mục nhiệm vụ cấp Nhà nước, cấp Bộ, nhiệm vụ thuộc các chương trình khuyến nông Trung ương, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, biến đổi khí hậu và chương trình hợp tác với địa phương.
Theo đó, VAAS đã tư vấn và đề xuất 89 nhiệm vụ cấp Bộ thực hiện từ năm 2021 (32 đề tài và 22 dự án cấp Bộ, 11 nhiệm vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 24 nhiệm vụ tiềm năng).
Hiện tại, Bộ NN-PTNT đã thông qua danh mục đặt hàng 27nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, bắt đầu thực hiện từ năm 2021giao cho VAAS và các đơn vị thành viên thực hiện.
Cùng với đó, VAAS đã phối hợp với các Cục, Vụ thuộc Bộ NN-PTNT xây dựng danh mục nhiệm vụ thuộc Chương trình giống 2021 – 2030 cho 14 cây trồng và nhóm cây trồng chủ lực.
Bộ NN-PTNT hiện đã phê duyệt danh mục nhiệm vụ thuộc chương trình giống, giao các đơn vị trong VAAS chủ trì 16 nhiệm vụ bảo tồn lưu giữ nguồn gen và 18 nhiệm vụ nghiên cứu chọn, tạo giống…
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã đánh giá cao vai trò của VAAS trong năm 2020 đã phối hợp chặt chẽ với các Cục chức năng của Bộ NN-PTNT trong phục vụ cho chỉ đạo sản xuất. Các nghiên cứu của VAAS đã giải quyết được rất nhiều vấn đề trong công tác phòng chống dịch bệnh hại trong sản xuất. Nhất là các nghiên cứu về chương trình đẩy mạnh phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học, nghiên cứu giải quyết các bệnh hại về cây cà phê, cây có múi, dịch bệnh cây trồng từ đất…
Các đơn vị cũng kiến nghị thời gian tới, mong muốn có sự hợp tác, đẩy mạnh hơn nữa trong các nghiên cứu về thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ, các quy trình công nghệ đấu tranh sinh học trong phục vụ sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững theo định hướng của Bộ NN-PTNT.
Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc VAAS cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước giành cho công tác nghiên cứu khoa học ngành càng hạn hẹp, đòi hỏi các viện nghiên cứu ngày càng phải chủ động, linh hoạt hơn nữa trong hoạt động nhằm tự chủ về tài chính.
Đây cũng là tinh thần mà Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã chỉ đạo tại hội nghị. Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong năm 2021 cũng như giai đoạn tới, bên cạnh các nghiên cứu cơ bản, VAAS cần tập trung hơn nữa cho công tác tư vấn, dịch vụ đào tạo, hợp tác liên kết hợp tác – chuyển giao với các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp. Qua đó, khai thác, đưa các sản phẩm nghiên cứu khoa học ra thực tiễn sản xuất, đồng thời giúp gia tăng nguồn thu nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ, nhà khoa học, nâng cao năng lực, nguồn lực cho công tác nghiên cứu…
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng lưu ý: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam là xương sống của lĩnh vực trồng trọt, nhất là lĩnh vực lúa gạo, rau quả, công nghệ sinh học.... Vai trò của Viện ngày càng quan trọng trong bối cảnh nước ta cần phải tiếp tục đảm bảo vai trò an ninh lương thực, phục vụ chiến lược xuất khẩu nông sản, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng… Giai đoạn 2021- 2025, VAAS phải tạo được sự đột phá về chất trong công tác nghiên cứu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cũng đánh giá năm 2020, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, bên cạnh các công tác nghiên cứu cơ bản, Viện đã đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ Bộ NN-PTNT cũng như phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, các địa phương trong việc ứng phó, chỉ đạo trước các vấn đề một cách kịp thời trong sản xuất.
Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều viện nghiên cứu đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, phát triển, chuyển giao tiến bộ ra sản xuất, gia tăng được nguồn thu, nâng cao đời sống cho cán bộ khoa học.
Tuy nhiên, các viện thuộc VAAS có chất lượng hoạt động còn chưa đồng đều, một số đơn vị còn thiếu năng động, chưa phát huy được vai trò sáng tạo, chủ động, nhất là về chuyển giao sản phẩm ra sản xuất còn hạn chế. Chất lượng cán bộ khoa học, nhất là cán bộ trẻ ngày càng thiếu.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị thời gian tới, xu hướng tự chủ tài chính của các đơn vị khoa học sẽ là xu hướng tất yếu. Vì vậy, VAAS cần phải có chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể cho từng đơn vị. Trong đó, mục tiêu là phải có được những sản phẩm nghiên cứu thiết thực, khả thi, có chất lượng để đưa ra thương mại, hợp tác chuyển giao ra sản xuất.
LÊ BỀN/Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã