Ông Đoàn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho biết, nhờ các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị thành phố tiếp tục được thực hiện, tạo động lực thúc đẩy cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, hội viên, nông dân TP.HCM tiếp tục chuyển đổi diện tích sản xuất hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của TP.HCM.
Lũy kế đến tháng 11/2020, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn TP.HCM đạt 11.709,5 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ.
Cũng theo ông Đoàn Văn Thanh, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các hộ nông dân trên địa bàn TP.HCM tích cực chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi.
Tuy nhiên, năm 2020 thời tiết nắng nóng, mưa bão, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ có nhiều biến động, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid–19 đã ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân.
Đặc biệt, nguồn nước tại một số khu vực bị nhiễm mặn, thiếu hụt ảnh hưởng đến việc sản xuất; một số diêm dân gặp khó khăn do giá muối giảm khoảng 40% so với cùng kỳ.
Theo ông Đoàn Văn Thanh, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.HCM đã đạt được những kết quả tích cực, đến nay bình quân mỗi xã đạt 18,86/19 tiêu chí nâng chất, trong đó có 50/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng chất giai đoạn 2016 – 2020 (chiếm 89,29%).
Bình quân mỗi xã đạt 18,86/19 tiêu chí (tăng 1,66 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2019 là 17,2 tiêu chí) và mỗi huyện đạt 8,8/9 tiêu chí (tăng 3 tiêu chí/huyện so cùng kỳ năm 2019 là 5,8 tiêu chí/huyện), trong đó 4/5 huyện đạt 9/9 tiêu chí (chiếm 80%).
“Cơ sở hạ tầng nông thôn TP.HCM ngày càng khang trang, điều kiện học tập, khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của người dân được đảm bảo, hệ thống tiêu thoát nước, bờ bao thủy lợi được gia cố, các hoạt động bảo vệ môi trường được tập trung đẩy mạnh, trật tự xây dựng được tăng cường quản lý.
Tuy nhiên, một số tuyến đường giao thông xuống cấp, chậm được đầu tư sửa chữa đã ảnh hưởng phần nào đến việc đi lại của bà con nông dân khi tham gia giao thông”, ông Thanh nhìn nhận.
Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2019, Hội Nông dân TP.HCM tiếp tục phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững năm 2020 trong toàn thể hội viên nông dân thành phố, kết quả có 16.576 hộ đăng ký và có 12.803 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (đạt 133%).
Các hợp tác xã, tổ hợp tác từng bước đi vào hoạt động, tích cực hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó Hội Nông dân TP.HCM đã hỗ trợ các hợp tác xã hoàn tất hồ sơ đề nghị hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho hợp tác xã trị giá 100 triệu đồng/HTX. Đến nay, đã thành lập được 12 hợp tác xã cung ứng vật tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM.
Trước tác động của Covid-19, Hội Nông dân TP.HCM cũng đã vận động đóng góp kinh phí ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19, đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ và hạn hán, xâm nhập mặn với số tiền 283,3 triệu đồng. Song song đó, các cấp Hội đã tổ chức thăm hỏi, trao tặng kinh phí hỗ trợ cho 795 hộ hội viên nông dân vừa vượt nghèo năm 2019 đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 với số tiền hỗ trợ 500.000 đồng/hộ, tổng kinh phí thực hiện 397,5 triệu đồng.
Đồng thời, trao tặng 4.753 phần quà gồm khẩu trang, chai nước rửa tay sát khuẩn, các nhu yếu phẩm, tổng kinh phí thực hiện là 1,36 tỷ đồng cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn; vận động 9,9 tấn gạo thực hiện các điểm ATM gạo và hỗ trợ cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ bán vé số bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã vận động kinh phí trao tặng đồ bảo hộ, nhu yếu phẩm trị giá 82,2 triệu đồng và 20 triệu đồng tiền mặt cho Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, lực lượng phục vụ các khu vực cách ly, 13 chốt, trạm kiểm soát của TP; vận động 434 chủ nhà trọ giảm từ 10% - 100% tiền thuê 2.431 phòng trọ cho công nhân, người lao động…
Hội Nông dân TP.HCM xác định, năm 2021, bên cạnh việc đào tạo nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay, các cấp Hội đã nghiên cứu triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân khởi nghiệp hiệu quả, từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương để hình thành và phát triển mô hình, từng bước ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập.
Ngoài ra, Hội Nông dân TP.HCM phối hợp Sở Du lịch TP.HCM tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức du lịch cộng đồng cho hội viên nông dân trên địa bàn; phối hợp với Sở NN-PTNT TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp thành phố (BSA) đầu tư và xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trên sản phẩm khô cá dứa một nắng Cần Giờ; tổ chức tập huấn khởi nghiệp trong nông dân, hỗ trợ quy trình xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và xúc tiến các hoạt động khởi nghiệp trong nông dân trên địa bàn TP.HCM.
https://nongnghiep.vn/tphcm-co-so-ha-tang-nong-thon-ngay-cang-khang-trang-d282220.html
Theo Nguyễn Thủy/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã