Giúp gỡ vướng về vốn
Gia đình anh Lê Văn Trẻo (ở thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai) là một trong những hộ điển hình trong phát triển kinh tế ở huyện này. Anh Trẻo cho biết, từ năm 2013 đến nay, anh đã được vay hai đợt từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội với tổng số tiền 900 triệu đồng để đầu tư đồng bộ, mở rộng chuồng trại, mua máy phát điện, máy sục oxy, máy trộn thức ăn và các loại chế phẩm sinh học xử lý chuồng trại.
Theo ông Nguyễn Xuân Đại - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, các mô hình vay vốn Quỹ Khuyến nông đã góp phần không nhỏ trong định hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Đặc biệt, trong quá trình thẩm định, phê duyệt phương án vay vốn, Quỹ Khuyến nông Hà Nội còn tạo vai trò cầu nối hiệu quả cho các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững.
Anh Trẻo chia sẻ: "Nguồn vốn từ các ngân hàng rất khó tiếp cận, trong khi Quỹ Khuyến nông thành phố có phí rẻ, thời hạn vay dài. Nhờ vậy, người nông dân đã giải quyết được nhu cầu về vốn, kịp thời có nguồn tài chính để đầu tư sản xuất bài bản".
Hiện nay, quy mô chăn nuôi vịt đẻ trứng của gia đình anh Trẻo đã lên tới 6.000 con. Anh còn đầu tư 3 lò ấp trứng, mỗi ngày xuất bán ra thị trường trên 3.000 quả trứng vịt lộn.
Không chỉ thành công từ nuôi vịt đẻ khép kín, từ nguồn vốn vay của Quỹ Khuyến nông, anh Trẻo còn đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để nuôi cá. Với diện tích gần 10ha mặt nước, anh Trẻo thả các loại cá trắm, chép, trôi… theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn sinh học.
Trung bình mỗi năm, anh Trẻo thu hoạch được gần 100 tấn cá các loại. Anh Trẻo cho biết, tính tổng thu nhập từ trứng vịt và cá, mỗi năm gia đình anh lãi trên 700 triệu đồng.
Ông Đặng Văn Chung (ở thôn Nghi Lộc, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa) cũng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, gia đình ông được duyệt cho vay 400 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Khuyến nông Hà Nội để tập trung tái đàn, phát triển chăn nuôi lợn nái ngoại.
"Nếu không có nguồn vốn vay này, gia đình tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng chăn nuôi lợn, phát triển kinh tế gia đình" - ông Chung nói.
Theo ông Bùi Văn Sáng - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, thông qua nguồn vốn hỗ trợ cơ giới hóa từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội, công tác cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có sự phát triển vượt bậc. Ngoài cho vay vốn thực hiện cơ giới hóa, các cán bộ khuyến nông còn giúp hộ nông dân xác định nhu cầu, khả năng lựa chọn loại máy móc, thiết bị phù hợp với phương pháp canh tác tại địa phương.
Giải ngân 78,8 tỷ đồng
Ông Đoàn Đức Dân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho hay, qua rà soát tình hình sản xuất, kinh doanh của các hộ vay vốn phát triển sản xuất từ năm 2018 đến hạn trả vốn vay (từ tháng 4 đến tháng 10/2020), Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã tổng hợp được 137 hộ vay vốn với số tiền hơn 36 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 50% số hộ thực sự gặp khó khăn trong chăn nuôi, sản xuất, không đủ khả năng trả nợ đúng hạn.
Trong năm 2020, Quỹ Khuyến nông Hà Nội giải ngân cho vay hơn 78,83 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2020, Quỹ Khuyến nông Hà Nội tiếp nhận và tổ chức 3 đợt thẩm định 122 phương án xin vay vốn quỹ khuyến nông các quận, huyện, thị xã với số tiền 42,87 tỷ đồng.
Dự kiến 6 tháng cuối năm 2020, quỹ giải ngân cho 80 hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh với số tiền 28,745 tỷ đồng; cho vay theo chương trình cơ giới hóa của thành phố (30 hộ với số vốn 8,857 tỷ đồng). Để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân (đang vay vốn Quỹ Khuyến nông) gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 sớm phục hồi và phát triển sản xuất, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã có công văn đề nghị Sở NNPTNT Hà Nội, Hội đồng thẩm định cấp thành phố các phương án, dự án vay vốn quỹ xem xét, gia hạn trả nợ cho các hộ đến hạn trả vốn trong năm 2020 (18 tỷ đồng), thời gian gia hạn 12 tháng - tính từ ngày đến hạn trả nợ theo hợp đồng vay vốn.
Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, hàng năm Quỹ Khuyến nông Hà Nội vẫn duy trì dành 15 – 20% tổng nguồn vốn giải ngân trong năm để ưu tiên hỗ trợ cho vay những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch của địa phương.
Trước khi duyệt cho vay vốn, các phương án sản xuất, kinh doanh của các hộ dân luôn được thẩm định kỹ lưỡng. Với những hộ vay từ 100 triệu đồng trở lên phải được Hội đồng thẩm định cấp thành phố gồm đại diện Sở NNPTNT, Sở Tài chính họp bàn để quyết định mức cho vay cụ thể.
Theo Minh Ngọc/danviet.vn
https://danviet.vn/vay-900-trieu-tu-quy-khuyen-nong-ha-noi-anh-nong-dan-nuoi-vit-tha-ca-lai-700-trieu-dong-nam-20201023171418895.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã