Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ được thành lập trên cơ sở Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nông nghiệp Bắc Trung Bộ, Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ tại Quyết định 220 ngày 09/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Sau 15 năm hoạt động, đội ngũ cán bộ khoa học của Viện không những được đào tạo chuyên sâu mà còn nhiệt huyết với nghề tạo điều kiện để ươm mầm phát triển cho ngành nông nghiệp nước nhà.
Viện có chức năng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về cây trồng, nghiên cứu xây dựng hệ thống nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng Bắc Trung Bộ. Viện đã hình thành được mạng lưới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cây trồng đối với vùng, nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, quy trình canh tác, công nghệ tiên tiến đã được tạo ra và chuyển giao cho nông dân, góp phần tăng năng suất, sản lượng và từng bước cải thiện chất lượng của các loại cây trồng, đóng góp to lớn vào những thành tựu của lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua, phục vụ tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của các địa phương vùng Bắc Trung Bộ.
Những năm qua, Viện đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trong nghiên cứu khoa học, chủ trì thực hiện hơn 230 đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở. Đây chính là tiền đề quan trọng để tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ.
Hàng năm, Viện đã thực hiện lưu giữ, đánh giá tập đoàn 230 mẫu giống lạc, 500 dòng/ giống lúa, 91 dòng/ giống sắn, 11 nhóm loài cây trồng có nguồn gốc địa phương với tổng số 165 mẫu giống (bưởi 53 mẫu giống, cam 14 mẫu giống, quýt 19 mẫu, chanh 17 mẫu giống, na 03 mẫu giống, nhâm (Quất hồng bì) 07 mẫu giống, đu đủ 04 mẫu giống, chuối 19 mẫu giống, ổi 02 mẫu giống, dứa 15 mẫu giống, khế 02 mẫu giống, dâu ăn quả 02 mẫu giống, mía 06 mẫu giống) và tập đoàn 45 giống cao su… ngoài việc đánh giá lưu giữ bảo tồn các nguồn gen quý, Viện thực hiện chọn tạo nhằm tạo ra giống cây trồng lợi thế cho vùng. Đến nay, Viện có 15 giống cây trồng mới và 04 quy trình kỹ thuật canh tác đã được Bộ NN&PTNT công nhận.
Viện đã chọn tạo thành công một số giống lúa BoT1 có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, vụ Hè Thu từ 90 -100 ngày, nhiễm sâu bệnh hại chính ở mức nhẹ, năng suất đạt 65 -70 tạ/ha, cơm ngon dẻo. Giống khoai lang KTB4, KTB5; KTB6;… là những giống chất lượng cao, củ thuôn dài, nhẵn, vỏ củ màu đỏ, ruột màu vàng, hàm lượng chất khô từ 27-33%, năng suất trung bình 14-16 tấn/ha, nếu trồng thâm canh có thể đạt 20-25 tấn/ha đang được khảo nghiệm và sản xuất thử tại nhiều địa phương ở Bắc Trung Bộ.
Các giống cây trồng, tiến bộ kỹ thuật của Viện tạo ra cho năng suất cao, chất lượng tốt còn thích hợp với điều kiện sinh thái xã hội của vùng, cũng như được người nông dân trên địa phương chấp nhận và đánh giá cao.
Các cây trồng chủ lực địa phương luôn được Viện tập trung nghiên cứu chọn tạo theo hướng năng suất cao, chất lượng tốt, ngắn ngày thích hợp với từng tiểu vùng khí hậu sinh thái vùng.
Giống sắn NA1, STB1 là những giống có năng suất đạt 60-70 tấn/ha, thích hợp cho chân đất thâm canh và vùng gò đồi. Bên cạnh đó, Viện đã thực hiện chọn tạo và phát triển thành công giống lạc L20 chịu hạn, chịu mặn và chống chịu bệnh héo xanh vi khuẩn, giống lạc L20 đã được bao phủ hầu hết diện tích lạc tại các tỉnh, năng suất vụ xuân đạt 4,0-4,5 tấn/ha và 3,0-4,0 tấn/ha vụ thu đông.
Với giống lạc L20 kết hợp áp dụng quy trình công nghệ sản xuất lạc xuân đạt 5 tấn/ha là một tiến bộ khoa học kỹ thuật mới mà Viện đã nghiên cứu thành công được áp dụng rộng rãi trên địa bàn 4 tỉnh (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị), đây là kết quả lần đầu tiên thu được ở Việt Nam và với kết quả nổi bật, mô hình này đã được khuyến cáo mở rộng để nông dân có điều kiện áp dụng sản xuất lạc theo chuỗi giá trị cao và bền vững.
Các cây trồng vụ hè cũng được Viện quan tâm và đầu tư khảo nghiệm đánh giá như các giống đậu xanh, giống vừng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, rau củ quả… nhằm tạo điều kiện luân canh tăng vụ, tăng hiệu quả kinh tế bền vững trên đơn vị diện tích.
Đối với cây ăn quả, cây trồng đặc sản Viện đã và đang tiếp tục bảo tồn và nhân rộng mô hình các giống Cam Xã Đoài, Cam Nam Đông, Bưởi Phúc Trạch, Hồng Nam Đàn, Hồng Thạch Hà, Xoài Tương Dương... song song với việc đó Viện cũng quy hoạch và xây dựng các giải pháp phù hợp với sản xuất cây ăn quả và cây có múi cho các tỉnh vùng Bắc Trung bộ.
Từ bộ giống lưu giữ vườn tập đoàn quỹ gen cây ăn quả, Viện tiến hành tuyển chọn và đã xác định được một số giống triển vọng như: Cam, Vải, Thanh long, Xoài, Nhãn… hằng năm được đưa ra khảo nghiệm để ứng dụng trong sản xuất. Các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm luôn luôn là một lợi thế của Viện, thông qua các dự án chuỗi liên kết được hình thành và ngày càng phát triển bền vững làm lợi cho sản xuất ước tính hàng trăm tỷ đồng, góp phần đáng kể phát triển kinh tế xã hội.
Với phương châm đồng hành cùng với sự đi lên của bà con nông dân, các nhiệm vụ nghiên cứu được thực hiện với ý thức trách nhiệm cao nhất. Tất cả không ngoài mục đích góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Đó cũng là lý do giải thích vì sao Viện tạo được chỗ đứng của mình như ngày hôm nay.
Từ việc nghiên cứu các đề tài, dự án trong nước và hợp tác quốc tế, xây dựng và mở rộng các mô hình. Hàng năm, Viện đã cung cấp hàng trăm tấn giống các loại, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới và tập huấn nâng cao trình độ sản xuất cho hàng ngàn người dân ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh công tác nghiên cứu, công tác nâng cao năng lực và trình độ cho cán bộ, viên chức cũng được chú trọng. So với những năm đầu thành lập, cơ sở vật chất, con người đều thiếu thốn. Đến nay, sau 15 năm hoạt động tất cả nguồn nhân lực đã được sắp xếp các vị trí phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn, là lực lượng nòng cốt có đầy đủ tố chất để ươm mầm những tiến bộ khoa học mới trong tương lai, phù hợp với xu thế hội nhập và kỷ nguyên 4.0.
Theo Thanh Hà/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/noi-uom-mam-phat-trien-cho-nganh-nong-nghiep-d294297.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã