Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả tháng 8/2020 đạt 276 triệu USD, tăng 24,1% so với tháng 7/2020 và tăng 2,7% so với tháng 8/2019. Như vậy, sau nhiều tháng liên tục tăng trưởng âm, xuất khẩu rau quả trong tháng 8 đã hồi phục trở lại, dù mức tăng còn nhẹ.
Đây là một tín hiệu đáng mừng, vì liên tục trong nhiều tháng trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu rau quả liên tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2019. Cụ thể, tháng 7/2020 xuất khẩu rau quả đạt 222,4 triệu USD, giảm 9%; tháng 6/2020 đạt 257,3 triệu USD, giảm 7,1% so với tháng 6/2019; tháng 5 đạt 270 triệu USD, giảm 24%…
Xuất khẩu rau quả hồi phục lại trong tháng 8, có tác động không nhỏ từ thị trường Trung Quốc. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm rất mạnh (giảm 29,3%) so với cùng kỳ 2019 do ảnh hưởng của Covid-19. Tháng 7, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vẫn còn giảm tới 24,2% so với tháng 7/2019.
Sang tháng 8, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã hồi phục trở lại khi đạt 161 triệu USD, tăng 0,8% so với tháng 8/2019. Tuy mức tăng trưởng xuất khẩu này còn rất khiêm tốn nếu so với từng tháng của những năm trước, nhưng cũng đã có tác động không nhỏ làm tăng trưởng xuất khẩu rau quả nói chung trong tháng 8, bởi Trung Quốc vẫn đang là thị trường lớn nhất khi chiếm tới 58,2% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam trong 8 tháng qua.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả trong tháng 8 phục hồi trở lại, có nguyên nhân quan trọng từ việc dịch bệnh Covid-19 đã bước đầu được kiểm soát ở Trung Quốc và nhiều thị trường trọng điểm, dẫn tới việc nhu cầu tiêu thụ rau quả từng bước phục hồi tại những thị trường này.
Bên cạnh đó, việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8, đã mở ra cơ hội lớn để rau quả Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào một thị trường rất quan trọng là EU. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau một tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trị giá xuất khẩu nhiều loại nông sản sang EU đã tăng mạnh, trong đó hàng rau quả tươi của Việt Nam được đánh giá có rất nhiều tiềm năng tại EU, nhờ được xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Hiện tại, Trung Quốc và nhiều thị trường trọng điểm chuẩn bị bước vào mùa đông, nên nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ rau quả nhiệt đới đang tăng lên. Cộng với việc dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng được kiểm soát và những tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, dự báo trong những tháng cuối năm nay, xuất khẩu rau quả sẽ khả quan hơn.
EU hiện đang là thị trường lớn nhất của chanh leo Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng chanh leo xuất sang EU là 2 ngàn tấn, trị giá 16 triệu USD, giảm 0,9% về lượng nhưng lại tăng 2,5% về giá trị so với nửa đầu năm 2019. Với giá trị như trên, EU hiện đang chiếm tới 49,6% tổng trị giá xuất khẩu chanh leo của Việt Nam.
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã nổi lên là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo hàng đầu khu vực do điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất và nhu cầu từ thị trường quốc tế, nhất là các thị trường cao cấp như EU.
Nguồn tin: Thanh Sơn/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã