Học tập đạo đức HCM

Xuất khẩu tôm tăng tốc với nhiều lợi thế

Thứ sáu - 02/10/2020 19:27
Xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến tiếp tục tăng, mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19.
t22.jpg
 
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận. Ảnh: Công Thử

Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà nhập khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ nước ta nhiều hơn.

Đặc biệt, các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng. Năm 2020, dự kiến XK tôm Việt Nam đạt 3,6 - 4 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2019.

Xuất khẩu tôm bật tăng

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), EVFTA đã mang đến nhiều hy vọng cho XK tôm sang thị trường EU trong những tháng cuối năm.

XK tôm Việt Nam sang EU giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, XK sang thị trường này tháng 7 và 8 bắt đầu bật tăng so với những tháng trước đó và so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, XK tôm Việt Nam sang EU trong tháng 7/2020 đạt 54,2 triệu USD, tăng 2% so với tháng 7/2019; tháng 8/2020, đạt 394,6 triệu USD, tăng gần 12% so với tháng 8/2019. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 làm biến động nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính và tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa lắng xuống ở cả các thị trường và các nước sản xuất lớn. 

Và mới đây, tỉnh Ninh Thuận đã có những lô tôm XK đầu tiên sang EU được hưởng ưu đãi thuế của EVFTA. Những lô tôm này đều đạt chứng chỉ ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản) - tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất đối với nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.

Đáng ghi nhận là, diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận ASC ở Việt Nam đang được nhân rộng, hiện chiếm 65% diện tích nuôi để đáp ứng yêu cầu thị trường EU.

Thông Thuận Group, đơn vị vừa có lô tôm xuất khẩu sang EU, hiện có 2 nhà máy tại Ninh Thuận và Khánh Hòa, với kim ngạch xuất khẩu đạt 100 - 120 triệu USD/năm. Quy trình sản xuất của Thông Thuận là chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu. Toàn bộ xí nghiệp nuôi và nhà máy của Thông Thuận đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế như BRC, GlobalGAP, ASC, BAP…

Với việc ký kết EVFTA, các đơn hàng của Thông Thuận tại thị trường EU đã tăng mạnh và có sự dịch chuyển cơ cấu nhóm thị trường xuất hàng của toàn hệ thống. Trong tháng 9/2020, Thông Thuận Group dự kiến xuất khẩu 9,5 triệu USD, trong đó xuất khẩu vào châu Âu đạt khoảng 4,5 triệu USD.

Tháng 8/2020, trừ XK sang Nhật Bản và Trung Quốc giảm, XK tôm Việt Nam sang các thị trường chính khác đều tăng như Mỹ (tăng 28,6%), EU (tăng 15,7%), Hàn Quốc (tăng 10,2%), Anh (tăng 16,4%), Canada (tăng 17,2%), Australia (tăng 20,5%). Đáng chú ý, XK tôm Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay nhờ tác động tích cực từ  EVFTA.

Đẩy mạnh diện tích tôm nuôi đạt ASC

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP đánh giá, EVFTA đang tác động tích cực đến hoạt động XK tôm.  Cụ thể, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng tôm Việt Nam như tôm hùm xanh ướp đá, tôm sú HOSO, DP đông lạnh, tôm sắt PD tươi đông lạnh, tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông… đã giảm từ 12,5% xuống 0%.

t23.jpg
 

Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Minh Phu Seafood Corp tại Khu công nghiệp Nam Sông Hậu (Hậu Giang).

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, hiện chiếm 13,3% tổng kim ngạch XK tôm của Việt Nam. Nhờ lợi thế về thuế, tôm Việt Nam có ưu thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh, nên nhà nhập khẩu của EU cũng có xu hướng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn.

XK tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Tại châu Âu, dịch bệnh Covid-19 đã có tác động nhiều tới xu hướng của các nhà nhập khẩu châu Âu và thói quen tiêu thụ tôm của người dân châu Âu. Nhu cầu tôm tại lĩnh vực dịch vụ nhà hàng giảm mạnh trong khi nhu cầu tôm tại các hệ thống bán lẻ tăng do người dân mua về chế biến tại nhà. Tiêu thụ các sản phẩm tôm tươi ít hơn trong khi các sản phẩm đông lạnh, đóng gói ăn liền, sản phẩm đóng gói kiểu MAP tăng.

Nhận định về xu hướng thị trường tôm châu Âu từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho biết, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại, ngành du lịch cũng đang bắt đầu khởi động tuy nhiên các nhà nhập khẩu tôm tại phân khúc này và các nhà cung cấp của họ vẫn phải chịu áp lực lâu dài do dịch bệnh chưa chắc chắn khi nào sẽ kết thúc. Trong khi doanh số bán lẻ hoặc trực tuyến tiếp tục tăng. Nhu cầu tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ còn tốt hơn hơn khi chuẩn bị tới các kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Với những tín hiệu lạc quan trong 2 tháng vừa qua, đại diện VASEP dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, theo ông Hòe, để XK tôm có thể phát triển bền vững trong tương lai, các doanh nghiệp cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm.

“Những năm gần đây, người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm hơn đến sản phẩm bền vững. Khi dịch Covid-19 xảy ra, xu hướng này lại càng rõ nét hơn. Người châu Âu ưu tiên sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững, mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, được sản xuất an toàn”, ông Hòe nói.

Hiện nay, hầu hết hệ thống phân phối sản phẩm tôm cao cấp tại EU đều yêu cầu chứng chỉ ASC, nhưng diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận này ở Việt Nam còn hạn chế. Nguyên nhân là tôm của Việt Nam đa phần được nuôi quy mô nhỏ lẻ, các hộ nuôi khó kham nổi chi phí chứng nhận. Do đó, theo ông Hòe, để tận dụng các ưu đãi mà EVFTA mang lại, bản thân doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư và Nhà nước cũng nên có những biện pháp khuyến khích, ưu tiên, nhằm tăng nhanh diện tích nuôi tôm đạt chứng chỉ ASC.

Đồng quan điểm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cũng cho rằng, cửa mở sau EVFTA, nhưng bên trong lại có nhiều rào cản. “EU đòi hỏi thủy sản cũng như các mặt hàng khác bán vào đây phải đạt những chuẩn mực của họ. Chẳng hạn, tôm nuôi phải có chứng nhận quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp nên đầu tư vào sản xuất, như Sao Ta đã mở rộng vùng nuôi đạt chuẩn ASC”, ông Lực nói.

Đánh giá cơ hội đối với tôm Việt Nam tại thị trường EU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, EVFTA đi vào thực thi, doanh nghiệp thủy sản, trong đó có doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn về các thủ tục pháp lý liên quan đến XK sang thị trường này.

 Theo Thanh Tâm/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập102
  • Hôm nay27,061
  • Tháng hiện tại1,040,448
  • Tổng lượt truy cập91,103,841
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây