Học tập đạo đức HCM

Biến đổi khí hậu - nhiều thách thức

Thứ bảy - 04/07/2015 23:46
(Baohatinh.vn) Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề được toàn nhân loại quan tâm bởi nó tác động trực tiếp đến đời sống KT-XH và môi trường toàn cầu. Những năm qua, bão lớn, nắng nóng dữ dội, lũ lụt, hạn hán và khí hậu khắc nghiệt đã gây thiệt hại lớn về người và vật chất của nhiều nước trên thế giới. Hà Tĩnh cũng là địa phương chịu nhiều tác động của BĐKH đến đời sống kinh tế, môi trường sống và sức khỏe người dân...

BĐKH diễn biến nhanh

Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người dẫn đến thay đổi thành phần khí quyển toàn cầu, được quan sát trên một chu kỳ thời gian dài. Trong lịch sử địa chất của trái đất, BĐKH đã nhiều lần xẩy ra với những thời kỳ lạnh và nóng kéo dài hàng vạn năm mà chúng ta gọi là thời kỳ băng hà hay thời kỳ gian băng. Thời kỳ băng hà cuối cùng đã xảy ra cách đây 10.000 năm và hiện nay là giai đoạn ấm lên của thời kỳ gian băng.

Biến đổi khí hậu - nhiều thách thức
Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống. Ảnh: Trần Hướng

Vài năm gần đây, BĐKH được nhận định diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Những nghiên cứu mới đây cho thấy, nhiệt độ bề mặt trái đất và mặt nước biển tăng lên hơn 0,48oC so với thời kỳ 1961-1990; mực nước biển toàn cầu cũng dâng cao kỷ lục, đạt mức 3,2 mm/năm, cao gấp đôi so với 1,6 mm/năm của thế kỷ XX. Rõ ràng, BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Kéo theo đó là các hệ lụy đến an ninh toàn cầu trên các mặt như: năng lượng, lương thực, xã hội, việc làm, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại, đời sống, sức khỏe con người...

Việt Nam nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới, có đường bờ biển dài, địa hình phức tạp, được xếp trong nhóm các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Thực tế những năm gần đây, BĐKH càng rõ nét khi liên tiếp các loại thiên tai xảy ra như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Chỉ trong tháng 6/2015, đợt nắng nóng kéo dài kèm theo gió lào đã khiến đất nẻ, sông cạn, giếng trơ đáy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất.

Với đặc thù là nước nông nghiệp, BĐKH đe dọa nghiêm trọng vấn đề an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Điều này thể hiện trên các mặt như: thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất, thời vụ, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng, ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng, tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm. Đó cũng là thực tế của Hà Tĩnh - mảnh đất nằm trên vùng duyên hải miền Trung lắm nắng, nhiều mưa.

Lũ quét, nắng nóng hoành hành

Ngoài những đợt bão, lũ thường niên, thời gian qua, Hà Tĩnh còn phải đối mặt với những biến đổi bất thường của thời tiết như nắng nóng gay gắt, rét đậm, rét hại kéo dài. Trước đây, nền nhiệt cao nhất ở Hà Tĩnh là 37-38oC nhưng nay là 40-41oC, thậm chí, có thời điểm lên tới 43oC. Nhiệt độ cao kèm theo gió lào nóng kéo dài làm cho đất đai khô nóng, lượng nước bốc hơi lớn nên những nơi hạn trước đây chỉ kéo dài khoảng 2-3 tháng thì nay đã tới 4-5 tháng, thậm chí còn diễn ra 6 tháng (từ tháng 3 - tháng 8).

Biến đổi khí hậu - nhiều thách thức
Công nhân Nông trường Chè 20/4 (Hương Khê) nỗ lực cứu chè trong đợt nắng nóng vừa qua.

Theo tính toán của Bộ TN&MT, vào năm 2100, nhiệt độ trung bình ở tỉnh Hà Tĩnh sẽ tăng 3,6oC so với năm 1964. Trong khi đó, lượng mưa lại có xu hướng giảm với sự biến động lớn cả về không gian, thời gian cũng như cường độ. Tuy lượng mưa ít nhưng cường độ mưa lớn gây lũ, lũ quét ngày một gia tăng. Cá biệt, có khi lượng mưa của một trận đạt tới 500-800 mm kèm theo lốc xoáy gây lũ nghiêm trọng. Theo đó, tần suất và quy luật lũ lụt cũng thay đổi. Nếu như trước đây, lũ chỉ xuất hiện từ tháng 8 - tháng 10 thì nay có thể kéo dài từ tháng 4 - tháng 12, ví như cơn lũ tháng 4/2003 gây thiệt hại nặng nề về vật chất và tinh thần. Không chỉ có thế, các cơn lũ còn xẩy ra với dòng chảy mạnh, tốc độ nhanh, đỉnh lũ cao hơn khiến người dân không kịp ứng phó, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Trong ký ức người dân Hà Tĩnh vẫn chưa quên trận lũ quét năm 2002, 2013, lũ kép năm 2010 ở các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang…

Các chuỗi quan trắc đều ghi nhận nhiều năm gần đây, mực nước ở các sông tụt xuống rất thấp và thời gian ngập lụt cũng kéo dài hơn (thường trên dưới 20 ngày). Đặc biệt, nguy hại hơn là sự gia tăng của hiện tượng xâm thực bờ biển và nước biển lấn sâu vào các sông. Đến nay, nước biển đã lấn sâu vào các con sông hơn 10 km nữa và hiện tượng nước biển dâng cũng cao hơn 10 năm trước từ 10-20 cm. Do đó, dự đoán mực nước biển trung bình ở Hà Tĩnh có thể tăng 65 cm vào năm 2050, 75 cm vào năm 2070 và đến năm 2100 có thể tăng khoảng 1m, làm cho diện tích các vùng ven biển Hà Tĩnh sẽ bị mất 143,9 km2 do nước biển dâng. Với diện tích này, Hà Tĩnh là tỉnh có diện tích bị ngập do nước biển dâng xếp thứ tư trong cả nước, sau Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Sự xâm nhập mặn đã khiến 100% giếng khơi ở Hộ Độ (Lộc Hà) không sử dụng được. Ở cống Trung Lương (TX Hồng Lĩnh), độ mặn đo được luôn ở mức 4,5-5,5%o, thậm chí có khi lên đến 7-8%o, do đó, vụ hè thu không có nước ngọt để tưới dẫn đến mất mùa.

Những hiện tượng thiên tai, BĐKH đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực tự nhiên, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống sản xuất nông - lâm nghiệp, an ninh lương thực và thành quả về xóa đói giảm nghèo của Hà Tĩnh.

Chống BĐKH - bắt đầu từ ý thức

Con người là đối tượng chính chịu tác động của BĐKH và nguyên nhân của những hiện tượng BĐKH phần lớn cũng bắt nguồn từ ý thức con người. Do đó, để chống lại BĐKH, trước hết, phải bắt đầu từ việc nâng cao ý thức mỗi người dân trong bảo vệ rừng, môi trường sống bằng cách không khai thác khoáng sản, tài nguyên rừng trái phép, không xả rác bừa bãi, tiết kiệm nhiên liệu, nước trong sinh hoạt… Bên cạnh đó, các địa phương và ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ và người dân về các phương án, cách thức giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, tăng cường năng lực quản lý tổng hợp vùng bờ một cách có hiệu quả để toàn xã hội nhận thức đầy đủ về tính tất yếu phải ứng phó với BĐKH và những tác động nguy hại của nó đến tự nhiên, KT-XH, QPAN…

Nhiều địa phương, người dân cũng đã nâng cao ý thức ứng phó với BĐKH bằng cách xây dựng và bảo vệ các công trình nhằm phòng chống lũ lụt, hạn hán. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh chương trình bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, cải tạo vùng cát ven biển, chống hoang mạc hóa, đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp một số tuyến đê biển, đê sông; xây dựng một số công trình nhà trú ẩn đa năng kiên cố phục vụ nhân dân trong mùa bão, lũ; xây dựng các khu vực trú ẩn cho tàu thuyền trong mùa mưa bão… Tuy nhiên, vấn đề cần nhất vẫn là ý thức của mỗi người trong phòng chống và ứng phó với các hiện tượng BĐKH thể hiện bằng việc bảo vệ và phòng chống cháy rừng, trồng cây xanh, góp phần cùng ngành chức năng ngăn chặn nạn phá rừng.

Anh Hoài
baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập227
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm224
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại820,646
  • Tổng lượt truy cập90,884,039
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây