* Trong đợt mưa lũ vừa qua, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hương Khê đã duy trì chế độ trực 24/24 giờ, nắm chắc diễn biến thời tiết và mưa lũ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo đến tận người dân; bố trí cán bộ bám sát cơ sở, đôn đốc kiểm tra để chủ động triển khai phương án ứng phó với bão lũ trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”. Mặc dù vậy, do mưa lớn và thủy đủy Hố Hô xả lũ nên huyện Hương Khê có 16 xã bị ngập, trong đó có 09 xã bị cô lập là: Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Thủy, Hương Giang, Phương Điền, Phương Mỹ, Hòa Hải. Mưa lũ làm 200ha lúa mùa bị ngập, 400ha bưởi Phúc Trạch bị ảnh hưởng, 1.000 tấn lúa bị hư hỏng; 400 con gia súc, 40 nghìn con gia cầm bị cuốn trôi; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, đường điện bị hư hỏng, ngập sâu trong nước.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã kịp thời chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Các đồng chí lãnh đạo, các đoàn công tác của huyện đã trực tiếp kiểm tra tình hình ứng phó với mưa lũ tại các xã bị ảnh hưởng; đồng thời đến động viên, trao một số nhu yếu phẩm cần thiết, động viên các hộ bị ngập nặng. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo cuộc sống nhân dân, nhất là về điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế; làm tốt công tác vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh cho nhân dân; đảm bảo an ninh trật tự; quản lý tiếp nhận và phân phối tốt tiền hàng cứu trợ, chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông và vụ Đông Xuân sắp tới.
Trước tình hình thời tiết còn diễn biến hết sức phức tạp, Thường trực Huyện ủy cũng chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan tiếp tục tổ chức trực 24/24h để theo dõi, cập nhật các thông tin về diễn biến của bão và mưa lũ, chuẩn bị kỹ phương án “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
* Tại huyện Vũ Quang, lũ lụt diễn ra nhanh nhưng nhìn chung các địa phương ứng phó tương đối tốt, sơ tán người, tài sản, hạn chế tối đa thiệt hại. Dù vậy, công tác “4 tại chỗ”, nhất là chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ ở một số địa phương còn yếu, vẫn còn tình trạng người dân chèo thuyền đi lại trên nước lũ… Tính chung toàn huyện, mưa lũ đã làm 59 thôn, 9 xã, 6.825 hộ dân bị cô lập, trong đó có 953 hộ, 16 trường, 06 trạm y tế, 07 nhà văn hoá thôn bị ngập; 23 ha cây ăn quả, 20 ha hoa màu, 02 ha thủy sản bị hư hại, cuốn trôi. Do mức nước hiện tại vẫn còn cao, cấp ủy, chính quyền đang tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả, yêu cầu các đơn vị huy động lực lượng về các địa phương giúp dân làm vệ sinh môi trường; đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
* Mặc dù nằm ở khu vực đồng bằng ven biển nhưng huyện Lộc Hà, nhất là các xã Hộ Độ, Mai Phụ, Hồng Lộc, Ích Hậu, Phù Lưu… vẫn bị ngập cục bộ, gây thiệt hại nặng về kinh tế và đời sống dân sinh.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà thăm hỏi, động viên các hộ dân làm muối bị thiệt hại nặng do mưa lũ |
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Lộc Hà đã tích cực chủ động với các lực lượng Công an, Bộ đội, Biên phòng, Huyện đoàn cùng chính quyền 13 xã chỉ đạo công tác tuyên truyền, huy động lực lượng giúp người dân các địa phương cùng chủ động phòng, chống lũ lụt. Tuy nhiên, do lượng mưa quá lớn, lượng nước tập trung đổ về các cửa sông chính nhanh nên đã gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Theo thống kê ban đầu, toàn huyện có 01 người chết do đuối nước, hơn 541ha diện tích lúa mùa, 139ha rau màu bị ngập úng, hư hỏng; hơn 10.000 con gia cầm bị chết; 207,8ha hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập tràn; Lồng bè bị cuốn trôi 31 cái, hư hỏng 50 cái; Gần 225 tấn muối ở 3 xã Hộ Độ, Mai Phụ, Thạch Châu bị cuốn trôi. Nhiều đoạn đường giao thông, công trình thủy lợi bị hư hỏng.
Hiện lượng nước đổ về các sông, cửa biển của Lộc Hà vẫn còn rất lớn. Cấp ủy, chính quyền huyện đã và đang chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt và ứng phó các cơ bão sắp tới theo dự báo. Tại các trục đường chính, các đơn vị quản lý, lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương tiến hành phân luồng đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ huyện đến các xã có kế hoạch tổ chức trực 24/24h để chủ động nắm tình hình và có kế hoạch ứng phó kịp thời với phương châm “4 tại chỗ”. Các địa phương thường xuyên cập nhập thông tin, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới mọi người dân nhằm chủ động ứng phó với diễn biến của bão, mưa, lũ; gia cố các tuyến đê, kè, xử lý tốt các điểm ngập úng cục bộ; sơ tán người, tài sản vùng xung yếu khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão và hoàn lưu bão gây ra.
* Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo ban thường vụ các huyện, thị, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc nêu cao vai trò, trách nhiệm, thành lập 57 đội thanh niên tình nguyện với sự tham gia của 952 đoàn viên thanh niên về cơ sở giúp nhân dân giằng, chống nhà ở, di chuyển người và vật nuôi, tài sản lên chỗ cao tránh tổn thất; đồng thời huy động vật chất, kinh phí hỗ trợ nhân dân vùng lũ lụt.
Đoàn công tác của Tỉnh đoàn thăm hỏi, hỗ trợ người dân xã Phương Mỹ |
Tỉnh đoàn phối hợp với Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng 440 suất quà tổng trị giá 132 triệu đồng tại hai xã Phương Mỹ, Hòa Hải; Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh huy động đoàn viên thanh niên đóng góp và huy động nguồn từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kết nối với Câu lạc bộ thiện nguyện “Nắng ấm” trao tặng 850 phần quà tổng trị giá 185 triệu đồng cho người dân 5 xã Hà Linh, Hương Đô, Hương Trạch, Hương Thủy, Lộc Yên (huyện Hương Khê).
Trong những ngày tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục kêu gọi nguồn lực giúp đỡ nhân dân vùng lũ; các huyện, thị, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc tiếp tục cử các đội thanh niên tình nguyện giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, làm vệ sinh môi trường tại các di tích, trường học, trụ sở cơ quan, nhà ở của các hộ gia đình neo đơn, người già, hộ chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn tại các xã chịu nhiều ảnh hưởng.
* Sáng ngày 17/10/2016, Trường Đại học Hà Tĩnh đã huy động ủng hộ bà con vùng lũ lụt. Ngay trong ngày 17/10, cán bộ, sinh viên, học sinh nhà trường đã huy động được 500 thùng mì ăn liền và hàng trăm chai nước uống; kịp thời tổ chức đoàn về thăm hỏi, tham gia cùng với nhân dân một số xã thuộc huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên khắc phục hậu quả của lũ lụt. Hiện nay, các đơn vị, tổ chức đoàn thể của Trường đang tiếp tục kêu gọi quyên góp kinh phí, hiện vật để tiếp tục tổ chức các đoàn tình nguyện hỗ trợ nhân dân.
Cán bộ, sinh viên vận chuyển hàng ủng hộ người dân huyện Cẩm Xuyên |
Ngọc Bảo - Trâm Anh - Hồng Thủy - Nguyễn Thoa
http://hatinh.dcs.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã