Sản phẩm hàng hóa đặc thù là tiền vay đang được tiếp thị mạnh mẽ với nhiều hình thức, nhiều gói sản phẩm đa dạng. Cùng với sự chuyển động của nền kinh tế, tín hiệu mới đang đến với con số tăng trưởng cho vay quý I/2015 đạt 1,33%, nhiều người đặt hy vọng: đầu tư tín dụng năm 2015 sẽ có đường nét mới.
Khách hàng vay cũng là “thượng đế”
Một cán bộ ngân hàng chia sẻ, vài năm trước, khách hàng gửi tiền, nhất là những người có số tiền lớn là mối quan tâm hàng đầu của ngân hàng với những chính sách chăm sóc hấp dẫn. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, khách hàng vay vốn cũng đã lên ngôi “thượng đế” với sự quan tâm đặc biệt của ngân hàng.
Lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn hấp thu được lượng vốn tín dụng khá lớn trong 3 tháng đầu năm. |
Khó khăn của nền kinh tế đã kìm hãm tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng. Để chuyển động dòng vốn, hệ thống ngân hàng thương mại từ T.Ư đến địa phương đều thực hiện cơ chế khoán hoặc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên các đơn vị, cá nhân. “Nếu cán bộ ngân hàng không vận động để tìm đầu ra cho nguồn vốn thì cũng có nghĩa là nguồn tiền huy động được không thể sinh lãi. Không chỉ khách hàng gửi tiền mà khách hàng vay vốn cũng chính là những người trả lương cho cán bộ ngân hàng.
Vì vậy, trên cơ sở khoán chỉ tiêu của T.Ư, Ngân hàng No&PTNT tổ chức cho các chi nhánh cấp 3 đăng ký kế hoạch, từ đó, các đơn vị khoán mức tăng dư nợ cho từng cán bộ. Bên cạnh đó, chi nhánh thường xuyên phát động các phong trào thi đua đẩy mạnh cho vay nông nghiệp - nông thôn và các mô hình sản xuất trong chương trình xây dựng NTM, gắn với thi đua khen thưởng nên đã thúc đẩy đội ngũ cán bộ tín dụng bám địa bàn, tăng dư nợ” - Trưởng phòng Kinh doanh Agribank Hà Tĩnh - Nguyễn Thị Thu Thành cho biết.
Khối ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh cũng ráo riết triển khai nhiệm vụ đầu tư tín dụng. Cán bộ ngân hàng đã đến từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm; chủ động mời gọi các khách hàng tiềm năng. Thậm chí, tờ rơi quảng cáo cho vay vốn với lãi suất hấp dẫn được dán ở các điểm công cộng kèm theo số điện thoại của cán bộ tín dụng. Theo quan điểm của nhiều ngân hàng, tiếp thị là một giải pháp cần thiết để khách hàng có thông tin và chủ động nghiên cứu sản phẩm.
“Với ACB, ở thời điểm này, nhiệm vụ tìm khách hàng vay vốn còn quan trọng hơn cả việc huy động vốn. Trên cơ sở chỉ tiêu đã được giao khoán, tất cả cán bộ ở các bộ phận đều có nhiệm vụ phát triển khách hàng tiền vay. Sự vào cuộc tập trung này đã giúp dư nợ của chi nhánh tăng trưởng 17% trong quý I/2015” - Phó Giám đốc ACB Hà Tĩnh Đặng Đình Chiến cho biết.
Tín hiệu vui đầu năm
Theo quy luật kinh doanh của các ngân hàng thương mại, đầu tư tín dụng những tháng đầu năm bao giờ cũng chậm vì ở thời điểm này, khách hàng chưa triển khai được các dự án mới. Đặc biệt, trong chặng đường khó của nền kinh tế, liên tiếp quý I/2013 và 2014, dư nợ tín dụng luôn giẫm chân tại chỗ. Tuy nhiên, quý I/2015, con số này đã chuyển động với mức tăng trưởng đạt 1,33%.
Nông nghiệp - nông thôn là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 3 tháng đầu năm với mức tăng trên 4%. Trong đó, riêng cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 26 và 23 của tỉnh tăng trên 11%. Trưởng phòng Kinh doanh Agirbank Hà Tĩnh cho biết, 3 tháng đầu năm, dư nợ cho vay của Agribank Hà Tĩnh tăng thêm 220 tỷ đồng. Đạt được kết quả này, bên cạnh nỗ lực của ngân hàng còn là nhờ hoạt động SXKD ở các vùng nông thôn trong toàn tỉnh đang diễn ra sôi động. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đang tiếp thêm nguồn lực cho người nông dân phát triển mạnh mẽ các mô hình kinh tế theo hướng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực.
Lĩnh vực tín dụng cho tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng nhẹ với tốc độ gần 2% và hứa hẹn có sự phát triển mạnh hơn khi các ngân hàng liên tục triển khai các gói sản phẩm linh hoạt với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, sản phẩm cho vay hỗ trợ về nhà ở theo chương trình của Chính phủ với lãi suất 5%/năm đang thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Phó Giám đốc Vietinbank Hà Tĩnh Nguyễn Đình Khánh cho biết: Doanh số cho vay quý I năm nay của chi nhánh tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, cho vay tiêu dùng hơn 30 tỷ đồng. Hiện nay, sản phẩm cho vay hỗ trợ nhà ở đang được hấp thụ rất tốt, hứa hẹn sẽ đẩy nhanh dư nợ cho vay trong thời gian tới.
Điểm nghẽn trong tăng trưởng dư nợ quý I/2015 vẫn đang nằm ở lĩnh vực cho vay doanh nghiệp với con số âm hơn 1%. Chỉ có các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên (đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu) là có kết quả tăng trưởng mới, còn phần lớn doanh nghiệp vẫn vướng những khó khăn cũ: thiếu tài sản thế chấp, chưa có phương án SXKD khả thi mới... Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh - ông Hoàng Trung Thông cho biết: Mặc dù, các ngân hàng đều chủ động giới thiệu và mời gọi vay vốn, nhưng khi đi vào thẩm định các dự án cụ thể, khách hàng phải có đủ điều kiện mới được vay. Trong đó, khó nhất hiện nay vẫn là thiếu tài sản thế chấp. Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chờ đợi sự ra đời của Quỹ Bảo lãnh tín dụng (vừa được HĐND tỉnh thông qua cuối tháng 1) để tìm cơ hội mới tiếp cận nguồn vốn.
Mai Thủy
theo baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã