Để sớm đi vào cuộc sống, điều quan trọng trước hết là chất lượng của nghị quyết. Các nghị quyết đó phải đảm bảo được các yêu cầu, như: đánh giá đúng tình hình, yêu cầu của đời sống đối với nội dung của nghị quyết; xác định các mục tiêu, chỉ tiêu cũng như các giải pháp đề ra phải sát với thực tiễn, có tính khoa học, đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Muốn vậy, nghị quyết của HĐND phải được thực hiện theo một quy trình hết sức chặt chẽ, có thể theo các bước sau:
Thứ nhất, phải phát hiện vấn đề cần ban hành nghị quyết, gọi cách khác là sáng kiến chính sách. Nó có thể do Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân, các cơ quan chức năng phát hiện đề xuất. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, có rất nhiều nội dung cần được quyết định, song HĐND cùng một lúc không thể quyết định tất cả, vì ngoài việc tổ chức chuẩn bị để HĐND ra quyết định thì các nguồn lực đảm bảo để thực hiện nghị quyết, trong đó yếu tố ngân sách là hết sức quan trọng, trong khi ngân sách đang rất hạn hẹp thì cũng không thể ban hành quá nhiều nghị quyết. Cho nên ở khâu này, xác định đúng vấn đề cần ưu tiên để ban hành nghị quyết là việc đáng quan tâm nhất. Nội dung được lựa chọn cần thỏa mãn các yêu cầu: Đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân; nhằm thể chế hóa các đường lối chủ trương chính sách của Đảng; đảm bảo tính cần thiết, khả thi, phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Thứ hai, dự thảo nghị quyết thường được giao cho một cơ quan chuyên môn chủ trì có sự phối hợp của các cơ quan khác. Để khâu dự thảo nghị quyết có chất lượng, cơ quan chủ trì cần lựa chọn người có chuyên môn sâu, am hiểu pháp luật và thực tiễn thực hiện. Phải đảm bảo nghị quyết được dự thảo phải đáp ứng giải quyết được các yêu cầu do thực tiễn đặt ra, phù hợp với các quy phạm pháp luật, có đủ nguồn lực để thực hiện.
Thứ ba, cần tham vấn ý kiến các cơ quan chức năng và các đối tượng chịu tác động của nghị quyết. Bước này chủ yếu do cơ quan soạn thảo thực hiện, với mục đích là nghị quyết được ban hành phải phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của người dân, có tính thống nhất đồng bộ với các nghị quyết khác. Khi cần thiết cơ quan thẩm tra cũng tổ chức tham vấn để thu thập thêm thông tin làm cơ sở cho phản biện trong thẩm tra.
Thứ tư, nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra của cơ quan tư pháp và các ban HĐND. Thẩm định do cơ quan tư pháp thực hiện với mục đích nghị quyết ban hành phải đảm bảo thể thức, phù hợp với các quy định của pháp luật. Còn thẩm tra của các ban HĐND nhằm giúp cho HĐND bàn bạc thảo luận để quyết định, trong đó các kiến nghị, đề xuất về những nội dung chưa phù hợp, thiếu tính khả thi hoặc những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Chính vì vậy, một trong những giải pháp mà HĐND tỉnh đã áp dụng là các ban HĐND cần tham gia ngay từ đầu và trong suốt quá trình xây dựng dự thảo đề án, nghị quyết cùng cơ quan soạn thảo.
Thứ năm, việc trình HĐND tại kỳ hợp để thảo luận, biểu quyết thông qua. Chúng ta đều nhận thấy thông qua nghị quyết tại các kỳ họp HĐND là quan trọng nhất và năng lực quyết định của HĐND trước hết phụ thuộc vào năng lực, ý thức trách nhiệm của từng đại biểu HĐND. Để không ngừng nâng cao năng lực cho các đại biểu HĐND, ngoài việc tự thân từng đại biểu phải phát huy vai trò trách nhiệm, tự học hỏi, bồi dưỡng, xâm nhập thực tế thì Thường trực HĐND và các cơ quan chuyên trách phải hết sức quan tâm công tác tập huấn, trang bị kiến thức cơ bản cũng như kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động, nhất là với các đại biểu mới tham gia khóa đầu. Các cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác, sinh sống phải có trách nhiệm bố trí thời gian cũng như các điều kiện khác cho đại biểu hoạt động một cách thuận lợi nhất.
Thứ sáu, việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, đây là nhiệm vụ chủ yếu của Ủy ban nhân dân. Nghị quyết của HĐND sau khi ban hành cần phải được các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc ngay từ khâu quán triệt, tuyên truyền đến xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, bố trí nguồn lực. Có thể nói đây là khâu rất quan trọng, một nghị quyết dù nội dung hết sức đúng đắn, cần thiết nhưng khâu tổ chức thực hiện không tốt chắc chắn sẽ không mang lại kết quả như mong muốn.
Cuối cùng là công giám sát quá trình tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết, đánh giá. Sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND có nhiệm vụ giám sát quá trình tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; thông qua đó để đôn đốc các cơ quan chức năng trong việc thực hiện, kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập để kiến nghị, yêu cầu Ủy ban nhân dân và các cơ quan liên quan có các giải pháp đảm bảo nghị quyết được thực thi có hiệu quả cao nhất.
Định kỳ phải tiến hành sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời rút ra những mặt được cũng như những hạn chế và nguyên nhân. Thông qua giám sát, sơ kết, tổng kết sẽ đề nghị HĐND xem xét quyết định bổ sung, sửa đổi, hoặc bãi bỏ những nội dung không phù hợp đảm bảo nghị quyết tiếp tục phát huy hiệu quả.
Việc quyết định bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ toàn bộ hay một số nôi dung không phù hợp của nghị quyết cũng cần được thực hiện đúng quy trình như ban hành lần đầu.
Như vậy, có thể thấy rằng muốn nâng cao chất lượng các nghị quyết của HĐND hay chính là để nghị quyết sau ban hành sớm đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả thì cần tuân thủ nghiêm ngặt các bước của quy trình trên, trong đó mỗi bước lại do một hoặc một số cơ quan thực hiện. Chất lượng tổng thể do HĐND quyết định nhưng để có nghị quyết đảm bảo hiệu quả thì chất lượng của các bước nêu trên phải được các cơ quan phụ trách hết sức chú trọng.
Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng các nghị quyết của HĐND còn cần thêm các yếu tố như phải xây dựng được một đội ngũ tham mưu, giúp việc chuyên sâu, chuyên nghiệp cho Thường trực, các Ban và các vị đại biểu HĐND. Hiện nay, mới chỉ ở HĐND tỉnh có cơ quan tham mưu, phục vụ độc lập, bộ máy khá đồng bộ, còn ở cấp huyện, cấp xã bộ máy tham mưu giúp việc còn bất cập và hạn chế. Trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản dưới luật, cần đảm bảo các điều kiện liên quan cho hoạt động của cơ quan HĐND trong việc thực hiện hai chức năng chủ yếu là quyết định những vấn đề quan trọng nhất của địa phương và giám sát việc thực thi pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà nước và chính quyền địa phương trên địa phương.
Võ Hồng Hải - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh
http://hatinh.dcs.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã