Chợ Huyện xã Bình Lộc (Lộc Hà), gần nửa năm nay, câu chuyện về một khu chợ nhếch nhác, chật chội, mất an toàn giao thông đã không còn trong tâm thức của mỗi người dân ở đây… Bây giờ, tại khu vực Cồn, một khu chợ mới khang trang đã hoàn thành. Đình chợ rộng, các ki-ốt kiên cố, hệ thống cây xanh, thoát thải cho đến phòng cháy chữa cháy đều được đầu tư khá công phu… ít ai có thể nghĩ đây là cơ sở vật chất có được của một chợ quê chỉ họp theo phiên, theo ngày.
Chợ Huyện - Bình Lộc được xây dựng khang trang trên địa điểm mới là niềm vui của người dân |
Với tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng, sau hơn 1 năm tiến hành xây dựng, đến nay, chợ huyện đã đưa vào sử dụng với tổng diện tích 13.000m2, gồm 1 đình lớn, 12 dãy ốt với tổng cộng gần 200 gian hàng. Ông Lê Trọng Ấn – Chủ tịch UBND xã Bình Lộc cho biết thêm: Cùng với các công trình phụ trợ như đường vành đai, hệ thống điện sáng, công trình vệ sinh… chợ Bình Lộc đã tạo được ấn tượng tốt về mỹ quan trong quần chúng nhân dân. Ban quản lý chợ được kiện toàn, cải tiến công tác quản lý, sắp xếp kinh doanh mua bán hợp lý, tạo điều kiện kích thích mạnh mẽ hoạt động thương mại, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Theo quy định, đây là một trong số ít các chợ của huyện Lộc Hà đã đạt chuẩn theo tiêu chí số 7 về chợ nông thôn của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Số liệu từ văn phòng điều phối nông thôn mới của huyện Lộc Hà, đến thời điểm này, trong tổng số 14 chợ thuộc 13 xã của huyện, đã có 8 chợ theo quy hoạch và đạt chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều khu chợ thuộc vùng bãi ngang này chưa thể gọi là chuẩn, thậm chí đang có nguy cơ thụt lùi, xuống cấp vì nhiều lý do khác nhau.
Tại xã Thạch Kim, dột nát, vá vía, chắp nối... là tình trạng chung ở ki ốt kinh doanh của chị Lê Thị Mai và gần 200 hộ kinh doanh khác tại chợ Hôm. Nhìn vào các dãy ốt, ít ai nghĩ rằng, những gian hàng này đều thuộc trong khu đình chợ chính ở đây.
Chị Lê Thị Mai - tiểu thương Chợ Hôm, xã Thạch Kim cho biết: “Mưa gió tội lắm... Chắn gió, chắn cát, che mưa... là tác dụng của những tấm bạt và ni lông không mấy mỹ quan được phủ lên các ốt... Thậm chí, để tiện bày bán và bảo quản hàng hóa, tránh ẩm ướt, cách mà bà con ở đây nghĩ ra là mỗi hộ đều xây ngay một bệ xi măng chứa hàng ngay trong khu vực kinh doanh của mình...”
Còn khu vực ngoài đình, hình ảnh dễ thấy nhất của khu chợ đã đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới này là những lều quán lụp xụp, hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường kém, và rất nhiều công trình phụ trợ khác của một khu chợ chuẩn hầu như đều không có...
Hình ảnh của chợ Hôm - chợ đã đạt chuẩn nông thôn mới của xã Thạch Kim bây giờ. |
Gần 6 năm trước, cùng với nhiều chợ khác của vùng bãi ngang hai huyện Lộc Hà và Thạch Hà, chợ Hôm được xây dựng. Đây cũng là khu chợ đã được công nhận đạt tiêu chí số 7 về chợ nông thôn trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của xã Thạch Kim từ hai năm trước. Tuy nhiên, bây giờ, với hiện trạng này, nó không thể gọi là một khu chợ đạt chuẩn đúng nghĩa… Nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc nâng cấp, sửa chữa chợ được thể hiện rõ ở việc cả ba đình chợ từ mái ngang, khung sắt, tôn đều đã được thay thế bằng gỗ và tấp lợp xi măng. Tuy nhiên, mưa vẫn dột, phần khung còn lại đã ôxi hóa gần hết.
Theo ông Hà MInh Tân - Chủ tich UBND xã Thạch Kim, trong xây dựng NTM, tiêu chí chợ không những không có tính bền vững mà đang có nguy cơ thụt lùi. Vùng biển chịu ảnh hưởng nhiều về mưa bão, gió mùa, nước mặn, ôxi hóa cao... nhưng các chợ hầu như đang tuân theo một kết cấu và thiết kế chung, không tính đến đặc thù vùng miền. Đây là nguyên nhân khiến chợ vùng biển đang xuống cấp nhanh chóng.
Thực tế tại huyện Lộc Hà, chắp vá, tạm bợ, ẩm ướt là tình trạng chung của nhiều khu chợ chưa đạt chuẩn như: Thạch Bằng, Hộ Độ, Thạch Châu, An Lộc, Tân Lộc. Chợ khang trang, được đầu tư về cơ sở hạ tầng… là mong muốn chung của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân tại nhiều địa phương. Thậm chí nhiều nơi đã quy hoạch được vị trí mới, đã có kế hoạch nâng cấp, mở rộng chợ cụ thể như thế nào… Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Lý – PCT UBND xã Thạch Bằng khẳng định: về trước mắt cũng như lâu dài, xây dựng, tu sửa, nâng cấp chợ là một vấn đề không đơn giản. Ngân sách có hạn, nội lực địa phương không nhiều trong khi việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đang có không ít việc phải làm… Trăn trở này không chỉ của riêng một xã nào...
Việc sửa đổi tiêu chí chợ nông thôn theo hướng không nhất thiết mỗi xã phải có một chợ thể hiện sự linh hoạt, giúp các địa phương có thể điều chỉnh để xây dựng theo đặc thù vùng miền, đảm bảo tính nền vững của tiêu chí, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Và tất nhiên, trong câu chuyện thực hiện tiêu chí chợ nông thôn cũng còn không ít việc phải làm, phải bàn nhằm đảm bảo tính bền vững, hiệu quả và ý nghĩa thực tiễn của nó với sự phát triển chung của mỗi địa phương.
THUẬN HU
Nguồn:baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã