Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và đoàn kiểm tra dịch đạo ôn ở xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên)...
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đã trực tiếp thăm đồng ở xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên), các xã Thạch Văn, Thạch Thắng (Thạch Hà) để xem xét mức độ nhiễm bệnh ở những thửa ruộng bị nặng, thửa ruộng bị nhẹ; ruộng có chất đất thịt, ruộng có chất đất pha cát để có đánh giá sơ bộ về mức độ nhiễm bệnh của từng vùng.
... tại xã Thạch Văn...
... và xã Thạch Thắng (Thạch Hà)
Đoàn cũng tìm hiểu thông tin về giống, thời gian trổ, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh của chính quyền, ngành chức năng địa phương và các hộ nông dân để có thêm cơ sở nhận định về dịch bệnh.
Cẩm Xuyên là một trong những địa phương có diện tích nhiễm bệnh lớn nhất tỉnh với 2.020 ha. Thạch Hà có 1.700 ha nhiễm bệnh, tập trung nhiều ở các địa phương đất cát pha.
* Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã đi kiểm tra tại đồng ruộng xã Xuân Lộc (Can Lộc). Tại đây, chính quyền địa phương và bà con nông dân cho biết, bệnh đạo ôn cổ bông vẫn còn nhiều phức tạp, có khả năng diện tích nhiễm sẽ còn tăng lên.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh kiểm tra tại đồng ruộng xã Xuân Lộc (Can Lộc)...
Hiện tại, địa phương đang tiếp tục rà soát diện tích nhiễm, đồng thời hướng dẫn bà con cho thu hoạch sớm những diện tích bị nhiễm để giảm thiệt hại.
Đến thời điểm này, toàn huyện Can Lộc có 2.840 ha lúa xuân bị nhiễm đạo ôn cổ bông, tập trung vào các loại giống: Thiên ưu 8, Khang dân, Nếp 98, HT1. Trong đó, giống Thiên ưu 8 có diện tích bị nhiễm bệnh lớn nhất với 2.360 ha.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cũng trực tiếp xuống đồng ở Đức Thọ để kiểm tra tình hình, chia sẻ thiệt hại, đồng thời động viên bà con chủ động các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
... tại xã Trung Lễ (Đức Thọ)...
... và tại xã Đức Hòa (Đức Thọ)
Đức Thọ là một trong 3 huyện có diện tích nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông lớn nhất tỉnh với gần 2.000 ha. Một số địa phương có diện tích bị nhiễm bệnh lớn như: Đức Hòa, Đức Lâm, Trung Lễ, Đức Dũng, Đức An…
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh | ||
---|---|---|
Yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với địa phương tập trung rà soát, đánh giá thực trạng để có tổng hợp diện tích lúa bị thiệt hại, sớm tìm ra nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh. Trước mắt, có thể áp dụng một số biện pháp như: thu hoạch sớm số diện tích lúa bị nhiễm nhẹ để giảm thiểu thiệt hại trên đồng ruộng cũng như sự lây lan của bệnh. Liên quan đến giống lúa Thiên ưu 8, Sở NN&PTNT cần đánh giá khách quan về giống, theo đó căn cơ việc cơ cấu giống vào bộ giống chủ lực của tỉnh ở các vụ sản xuất tiếp theo. |
Ngay sau chuyến kiểm tra thực tế đồng ruộng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã chủ trì buổi làm việc tại UBND tỉnh để nghe ngành chức năng báo cáo thực trạng diễn biến bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa xuân.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, bắt đầu từ ngày 13/2, bệnh đạo ôn xuất hiện và gây hại trên lúa ở giai đoạn bén rễ hồi xanh, từ đó tạo nguồn cho bệnh phát sinh trên cổ bông. Cùng với đó, thời tiết suốt vụ nhiều bất lợi, cực đoan đã tạo điều kiện cho bào tử nấm bệnh đạo ôn nhân nhanh về số lượng.
Đến thời điểm 13/5, tổng diện tích lúa xuân bị nhiễm đạo ôn cổ bông toàn tỉnh là trên 10.000 ha, trong đó có trên 5.280 ha bị nhiễm nặng và khoảng 3.000 ha bị mất từ 70% trở lên. Trong đó, chiếm diện tích chủ yếu là giống lúa Thiên ưu 8 với gần 9.000 ha (chiếm 84% diện tích nhiễm).
Nguyên nhân bước đầu được xác định là thời tiết phức tạp, khó lường, riêng với giống Thiên ưu 8 thì năm nay lại khá mẫn cảm với bệnh dịch. Cùng đó, do nhiều năm nay, Hà Tĩnh không phát sinh lớn bệnh đạo ôn cổ bông nên tâm lý bà con có phần chủ quan trong công tác phòng trừ.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhận định mức độ thiệt hại trên lúa xuân là khá nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con nông dân. Theo đó, yêu cầu Sở NN&PTNT và các địa phương phải thống kê khách quan mức độ thiệt hại; làm rõ về mặt khoa học các nguyên nhân gây ra dịch bệnh trên lúa hiện tại, gắn với làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân.
Phân tích tình hình, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, bên cạnh yếu tố thời tiết có nhiều bất lợi, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan thì có một phần lớn nguyên nhân là từ chủ quan trong công tác quản lý giống, quy trình kỹ thuật, công tác khuyến nông, BVTV của ngành chuyên môn.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh có công văn đề nghị Bộ NN&PTNT cùng vào cuộc xác định nguyên nhân gây ra hàng nghìn ha lúa xuân bị bệnh, gây thiệt hại nặng nề. Cùng đó, cần bàn chính sách hỗ trợ người nông dân theo đúng quy định của nhà nước và tình hình thực tế.
"UBND tỉnh, Sở NN&PTNT cần coi đây là bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý giống, quy trình kỹ thuật và khuyến nông để có hoạch định trong những vụ tiếp theo", Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Theo Nguyễn Oanh - Chính Thu/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã