Nên mời công ty giống về làm việc
Như Báo Infonet đã thông tin trong bài viết "Hà Tĩnh: Giải cứu lợn chưa xong... đến lúa mất trắng vì nhiễm bệnh", tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 10.636ha/58.785ha lúa vụ Xuân nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, trong đó giống Thiên Ưu 8 nhiễm gần 9.000 ha của hàng nghìn hộ dân mất trắng diện tích. Điều này dẫn đến thực trạng sau mùa vụ dân thiếu gạo ăn, không có tiền trả chi phí đầu tư ban đầu.
Trước diễn biến phức tạp của căn bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa, ngày 14/5, đoàn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh do Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã trực tiếp về cơ sở kiểm tra, nắm bắt tình hình và có chính sách hỗ trợ người dân.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Tĩnh cho biết: “Những năm trước đạo ôn cổ bông cũng gây hại nhưng chỉ mang tính cục bộ, nhỏ lẻ. Còn xảy ra diện rộng, sức phá hoại lớn như năm nay thì chưa từng có. Tôi cho rằng đây là năm đặc biệt”.
Nói về nguyên nhân của bệnh, ông Thanh khẳng định, căn bệnh này là do thời tiết (thời điểm lúa trổ bông, khí hậu lạnh, ẩm ướt, mưa nhiều). Dân ta có tập quán là trong khi lúa trổ vè hoặc kết thúc trổ bông không phun thuốc nữa vì sợ độc và thực tế là độc thật. Ngoài ra, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan trong phòng trừ”.
Thế nhưng, với người nông dân và một số chuyên gia nông nghiệp khác lại cho rằng do giống lúa Thiên Ưu 8.
Nhiều người nêu giả thiết, nếu thời tiết, tại sao các giống khác như Nghệ An 2, Khang dân lại chỉ nhiễm nhẹ hoặc các tỉnh khác cũng bị nhiễm bệnh vì thời tiết ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa không khác nhau.
Diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông đã tăng lên hơn 10.000ha |
Kiểm tra trực tiếp tại cánh đồng Dăm De (Xuân Lộc, Can Lộc), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh khẳng định: “Nhìn ruộng lúa nếp, Khang dân lúa phát triển rất tốt, hạt trĩu bông còn riêng Thiên Ưu 8 thì lại nhiễm bệnh, cả một cánh đồng bông lúa bạc phếch, hạt xẹp lép nên chắc chắn là chất lượng giống không đảm bảo”.
Sau đó, ông Khánh yêu cầu vụ Hè Thu các đơn vị phải dừng ngay gieo trồng loại giống này.
"Sở NN&PTNT có trách nhiệm khuyến cáo đến người dân để tránh thiệt hại kép. Nên làm một thao tác quan trọng là mời Công ty cổ phần giống Trung ương (đơn vị cấp giống) về để làm việc", ông Khánh nói.
Do thời tiết hay do giống?
Theo tìm hiểu của PV Báo Infonet, vụ Xuân 2017, Hà Tĩnh được hỗ trợ 500 tấn giống lúa từ nguồn dự trữ Quốc gia để phục vụ sản xuất khắc phục thiệt hại do thiên tai năm 2016 (Thiên Ưu 8: 350 tấn, Khang dân: 100 tấn, Bắc thơm: 50 tấn).
Giống lúa Thiên ưu 8 lấy từ ba nguồn: Trung ương cấp, giống mua trên thị trường và giống của nhà. Điều đáng nói, những hộ sử dụng giống lúa của nhà lại không nhiễm bệnh đạo ôn, năng suất đạt 2,7-3 tạ/sào.
Theo ông Nguyễn Văn Trung (thôn Thanh Lâm, xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc): Gia đình ông sử dụng giống Thiên ưu 8 của nhà thì lúa không bị nhiễm bệnh, năng suất tốt. Còn những hộ mua giống từ các hợp tác xã đều bị nhiễm đạo ôn, mất mùa.
Theo yêu cầu của Chủ tịch tỉnh, nên mời Công ty CP giống Trung ương về để làm rõ nguyên nhân về giống lúa Thiên ưu 8 |
Ông cũng cho biết: “Mấy năm trước, lúa này không hề nhiễm bệnh đạo ôn, chỉ có năm nay bị. Rồi ông lý giải nếu nói về thời tiết tại sao lúa nếp, Khang dân, Bắc thơm lại không nhiễm bệnh đạo ôn. Người dân xóm tôi đều khẳng định do chất lượng giống không tốt”.
Trong cuộc họp bàn về nguyên nhân gây bệnh đạo ôn trên lúa sáng 14/5, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh: “Nguyên nhân xuất phát từ quy hoạch, giống, kỹ thuật gieo trồng, thời tiết.
Nếu nói thời tiết ảnh hưởng dẫn đến lúa nhiễm bệnh thì thử tìm hiểu xem các tỉnh khác cũng gieo trồng Thiên ưu 8 nhưng có bị nhiễm bệnh không? Thời tiết miền Trung năm nào cũng na ná nhau. Chứ mất mùa đổ lỗi cho thời tiết là không được”.
Ông Sơn thông tin: “Tôi tìm hiểu ở địa phương, người dân đều cho rằng, nguyên nhân chính từ giống. Bởi qua thực tế lúa nếp, khang dân phát triển rất tốt, mỗi Thiên ưu 8 là nhiễm bệnh nặng”.
Sau đó, ông Sơn yêu cầu các đơn vị chức năng phải xem xét kỹ về nguồn giống hỗ trợ từ Trung ương vào năm 2016, giống trôi nổi trên thị trường có phải do giống không đảm bảo an toàn hay do biến đổi gen?
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cũng đề nghị: “Các đơn vị ngành nông nghiệp phải đánh giá đúng thực trạng, mức độ thiệt hại kể cả diện tích lẫn mức độ gây bệnh. Phải làm rõ từng loại giống, từng thời vụ khác nhau để có đánh giá chính xác mức độ thiệt hại. Đồng thời nói rõ cho người dân biết, thiệt hại về lúa thì chỉ được hỗ trợ chính sách chứ không phải bồi thường, giống như sự cố môi trường biển”.
“Để thiệt hại nặng về lúa vụ Xuân, trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Từ việc xây dựng đề án, thu mua giống, đến sản xuất các anh có nắm được không hay bỏ đó dân tự quyết?” – Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nói.
Tác giả: Trương Hoa
Nguồn: infonet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã