Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn chủ trì hội nghị.
Hội nghị đã nghe đại diện Tổng cục Thủy sản đánh giá lại tình hình nuôi tôm trên cát tại các tỉnh duyên hải miền Trung.
Khu vực ven biển miền Trung gồm có 14 tỉnh thành, trải dài trên 1.800 km bờ biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với tổng diện tích 100.000 ha. Đến năm 2016, các tỉnh miền Trung có tổng diện tích nuôi tôm trên cát 3.734 ha, sản lượng đạt 41.705 tấn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Văn Tính: Trong quy hoạch phát triển NTTS, cần nghiên cứu, đề xuất cụ thể công trình cấp thoát nước (mặn, ngọt) phù hợp với yêu cầu nuôi trồng.
Tuy nhiên, đây là vùng đất khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai; tài nguyên đất chủ yếu đất cát ven biển, đất bạc màu chiếm tỷ lệ lớn.
Việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, sang nuôi tôm trên cát sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất cát ven biển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh.
Thảo luận tại hội nghị, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận Hữu Thông cho rằng: Phát triển nuôi tôm trên cát là hết sức cần thiết nhưng không thể phát triển “nóng” sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ. Phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phải bền vững, bảo vệ môi trường.
“Nuôi tôm ao bạt trên cát không nên lấy nước ngọt ngầm dễ bị nhiễm kim loại nặng mà chỉ dùng nước biển để nuôi sẽ cho tôm màu đẹp, thịt ngon. Diện tích nuôi tôm trên cát không cần lớn khoảng từ 3 – 5 ha là phù hợp” – ông Thông chia sẻ kinh nghiệm.
Đồng quan điểm với Công ty TNHH Thông Thuận, Phó Tổng giám đốc Công ty Grobert Hà Tĩnh Mai Văn Hoàng nêu vấn đề không nên lấy nước ngọt ngầm dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh cao. Tuy nhiên, tùy theo vùng miền khác nhau vẫn có thể lấy nước ngọt trực tiếp cùng nước biển vào nuôi với mật độ từ 200- 300 con/m2.
Phó Tổng giám đốc Công ty Grobert Hà Tĩnh Mai Văn Hoàng tham luận tại hội nghị
Theo Giám đốc Công ty NTTS Sao Đại Dương - Nguyễn Thị Hạnh, ngoài yếu tố về kỹ thuật, công nghệ, đầu tư thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là trình độ con người, tổ chức sản xuất…
Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, các tỉnh về kỹ thuật, quy trình nuôi và đặc biệt vấn đề quản lý môi trường khi phát triển nuôi tôm trên cát.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh - Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Tôm là một trong những sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh. Tỉnh luôn đồng hành với doanh nghiệp, nông dân bằng những cơ chế chính sách thiết thực để phát triển nuôi tôm trên cát.
Hiện sự cố môi trường biển đã được khắc phục. Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, cải thiện môi trường đầu tư, quy hoạch cụ thể để tăng diện tích nuôi tôm trên địa bàn.
“Bộ NN&PTNT cần xem xét phát triển liên kết vùng dọc các tỉnh miền Trung tạo thành chuỗi liên kết sản phẩm mới đem lại hiệu quả bền vững” – Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề xuất.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Các tỉnh duyên hải miền Trung có tiềm năng, lợi thế rất lớn với 100.000 ha để phát triển nuôi tôm trên cát. Đây là vùng đất cát có nguồn nước mặn, sạch phù hợp với con tôm.
Khu vực miền Trung là vùng có công nghiệp, du lịch phát triển, lại gần thị trường Trung Quốc nên giải quyết đầu ra hết sức thuận lợi. Tuy nhiên, vùng này chịu tác động của các loại hình thiên tai, do đó phải làm đúng quy trình, có đầu tư sẽ mang lại năng suất, sản lượng cao.
Để phát triển nuôi tôm trên cát bền vững, các tỉnh cần rà soát những diện tích đất cát có thể quy hoạch phát triển nuôi tôm, không vi phạm đất rừng, tuyệt đối đảm bảo môi trường. Các vùng nuôi phải đủ điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống cấp thoát nước, điện… Quy hoạch chi tiết thành các vùng nuôi tập trung nhưng phải phù hợp với trình độ quản lý.
Các doanh nghiệp cần liên kết với nhau từ khâu giống, thức ăn, quy trình để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời liên kết với người dân để xây dựng những mô hình doanh nhân nuôi tôm trên cát hiệu quả, bền vững…
Theo Hữu Trung - Thanh Hoài/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã