Khó khăn chồng chất
Có lẽ không nhắc lại thì mọi người cũng đã biết, sự cố môi trường biển năm 2016 do Cty Formosa Hà Tĩnh xả thải vẫn còn ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh trật tự của Hà Tĩnh trong năm 2017. Rõ nhất là việc một bộ phận người dân do bị kích động đã kéo đến trụ sở công quyền huyện Lộc Hà gây áp lực, đánh bị thương cả chiến sỹ công an làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh. Nhiều lần sau đó, một bộ phận người dân Lộc Hà còn kéo lên trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh để khiếu nại, đòi giải quyết liên quan đến việc chi trả bồi thường sự cố môi trường... Ở thị xã Kỳ Anh - thủ phủ của sự cố môi trường lại càng phức tạp hơn, khi nhiều lần một bộ phận người dân tụ tập chặn quốc lộ 1A - gây ách tắc nghiêm trọng con đường giao thông huyết mạch của quốc gia. Khi việc chi trả bồi thường được giải quyết cơ bản vào cuối năm thì vấn đề an ninh, trật tự được ổn định hơn. Thế nhưng, ảnh hưởng về phát triển kinh tế thì vẫn còn khi giá cả hải sản thấp, khó khăn trong tiêu thụ...
Không chỉ khó khăn do ảnh hưởng sự cố môi trường, vụ xuân 2017, lần đầu tiên trong lịch sử nông dân trồng lúa ở Hà Tĩnh gần như mất trắng do bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên giống lúa Thiên ưu 8 lên tới gần 18.000ha. Mùa màng thất bát khiến UBND tỉnh Hà Tĩnh phải xin Chính phủ cùng với trích ngân sách dự phòng của địa phương hỗ trợ gần 33 tỷ đồng cho nông dân. Cuối năm, bão, lũ liên tiếp gây thiệt hại nặng nề. Chỉ tính riêng bão số 10 đã khiến 93.251 nhà bị hư hỏng, tốc mái, 18.303ha cây lâm nghiệp đổ gãy; 66.885 con gia súc gia cầm bị chết; 21km đê điều bị sạt lở; 10,5km kênh mương bị hư hỏng; 231 điểm trường bị ảnh hưởng, với 831 phòng; 54 cơ sở y tế bị hư hỏng, 2.395 cột điện bị đổ gãy; 159km dây điện bị đứt... Tổng thiệt hại ước tính hơn 6.000 tỷ đồng. Khó khăn chồng chất nhưng nhờ nỗ lực cao nên đã sớm vượt qua, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Tăng trưởng khá
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, năm 2017 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 10,71%. Trong đó: khu vực nông nghiệp giảm 3,47%, công nghiệp và xây dựng tăng 27,76%, dịch vụ tăng 5,33%. Quy mô GRDP theo giá hiện hành đạt trên 50.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 39,3 triệu đồng.
Trong nông nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt kết quả tích cực. Có thêm 33 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 115 xã (bằng 50% tổng số xã trong toàn tỉnh), không còn xã dưới 10 tiêu chí. Sản xuất công nghiệp tăng 89,87% so với năm 2016. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như điện, thép, sợi tăng cao so với cùng kỳ; sản lượng thép đạt trên 1,5 triệu tấn, điện sản xuất dự kiến 5.419 triệu kwh, tăng 45,33% so với năm 2016. Về dịch vụ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 35.362 tỷ đồng, bằng 102,04% năm 2016. Tổng khách du lịch ước cả năm đạt 1,35 triệu lượt, đạt 113% kế hoạch, tăng 23% so với năm 2016.
Sau khi gây ra sự cố môi trưởng biển, Cty Formosa Hà Tĩnh đã nghiêm túc khắc phục, đã kiểm soát chặt chẽ, xử lý nước thải đảm bảo an toàn trước khi thải ra biển. Song song với đó là đi vào hoạt động sản xuất thép, đến nay sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động, lượng thép cuộn cán nóng mà Formosa sản xuất được đã đạt mốc 1,5 triệu tấn, qua đó hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2017, đóng góp ngân sách cho tỉnh đạt 3.700 tỷ đồng (chiếm hơn 41% tổng thu ngân sách của Hà Tĩnh năm 2017).
Việc giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân cũng được rút ngắn thời gian khi Hà Tĩnh đưa vào vận hành hiệu quả Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh từ ngày 13/7/2017 với 100% thủ tục hành chính về doanh nghiệp và đầu tư được tiếp nhận và trả kết quả tập trung tại Trung tâm. Đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công huyện Thạch Hà, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh. Năm 2017 đưa vào vận hành chính thức thêm 603 dịch vụ công mức độ 3 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Dù khó khăn nhưng tổng thu ngân sách năm 2017 của Hà Tĩnh đạt 8.925 tỷ đồng, tăng 15,91% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 21,81% so với dự toán Trung ương giao, tăng 18,36% so với năm 2016. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 35.904 tỷ đồng, đạt 102,58% kế hoạch, bằng 80,49% so với năm 2016.
Mục tiêu năm 2018 là phát triển kinh tế bền vững hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2017. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 18,5 - 19%; cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 16%, công nghiệp 44%, dịch vụ 32%, thuế sản phẩm 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 36.000 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 9.400 tỷ đồng; trong đó: thu nội địa 6.000 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 3.400 tỷ đồng.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã