Trước ngày 18/10/2017, trên địa bàn Hà Tĩnh có 26 BQLDA đầu tư xây dựng (không tính các BQLDA cấp huyện), hoạt động theo các mô hình chủ yếu gồm: BQLDA chuyên trách theo ngành, BQLDA chuyên trách theo khu vực, BQLDA chuyên trách một dự án, BQLDA kiêm nhiệm một dự án với tổng số cán bộ, nhân viên hơn 300 người.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các chủ đầu tư, các BQLDA cơ bản thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư. Tuy nhiên, hoạt động của các BQLDA chủ yếu căn cứ vào nhu cầu thực tế, nhiệm vụ phát sinh trong từng thời điểm để thành lập, dẫn đến số lượng các ban nhiều, không tập trung, gây khó khăn trong việc quản lý, theo dõi, giám sát, đặc biệt là thiếu chuyên nghiệp. Đơn cử như ngành nông nghiệp, thời điểm này có đến 29 công trình, dự án. Theo đó, mỗi dự án lại có một tiểu ban quản lý nên công tác quản lý, giám sát “rối như canh hẹ”.
BQL dự án XDCB ngành NN&PTNT (trực thuộc Sở NN&PTNT) được kiện toàn để thành lập BQL dự án đầu tư xây dựng cộng trình NN&PTNT (trực thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh).
Điều nữa, do cơ chế, chính sách về đầu tư có nhiều thay đổi trong khi các chủ đầu tư không thành lập ban chuyên trách nên quá trình lập báo cáo đề xuất chủ trương, lập dự án đầu tư còn nhiều bất cập, từ đó dẫn đến tình trạng sai phạm trong đầu tư, công trình kém chất lượng và lãng phí nguồn vốn; việc kiểm soát chất lượng dự án còn nhiều tồn tại; lực lượng cán bộ kỹ thuật ở các BQLDA vừa thiếu lại vừa yếu…
Với các BQLDA chuyên trách theo ngành, do quá trình hoạt động kéo dài, nhiều dự án dẫn đến tình trạng “phình” bộ máy trong khi các công trình được đầu tư theo chu kỳ nên gặp khó khăn trong bố trí kinh phí hoạt động. Thiếu hụt kinh phí, nợ lương, chậm đóng bảo hiểm là thực trạng nhãn tiền ở một số BQLDA chuyên trách theo ngành.
Đặc biệt, các BQLDA hoạt động kiêm nhiệm không còn phù hợp theo các quy định của Luật Xây dựng và Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ. Phần lớn lãnh đạo các ngành lại làm trưởng BQLDA - chủ đầu tư đóng vai trò quản lý theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Đó là chưa nói, các thành viên ban hoạt động kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn về xây dựng cơ bản nên không đủ tầm quản lý, kiểm tra, giám sát. Vì thế, chất lượng kiểm soát hồ sơ thủ tục còn thiếu chặt chẽ, kéo theo nhiều hệ lụy khác…
Việc kiện toàn, thành lập các BQLDA chuyên ngành trách giúp tăng cường năng lực chuyên môn, tinh gọn bộ máy
Để nâng cao công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, khắc phục tình trạng nhiều BQLDA chủ yếu trực thuộc các sở, ngành quản lý, làm chủ đầu tư với số lượng nhân lực lớn trong khi không có các ban chuyên nghiệp thì việc sắp xếp, kiện toàn, thành lập các BQLDA chuyên ngành là yêu cầu tất yếu. Việc làm này vừa phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển của tỉnh, kế hoạch đầu tư công trung hạn, chủ trương đầu tư và yêu cầu về tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, số lượng các dự án đang triển khai; đồng thời có điều kiện bố trí, sắp xếp lại nhân sự, tăng cường năng lực chuyên môn cho các BQLDA để đáp ứng điều kiện về năng lực theo quy định. Đối với các dự án ODA, chúng ta sẽ tập trung được đầu mối để xúc tiến đầu tư, quản lý đầu tư, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn đầu tư theo từng ngành, lĩnh vực; có định hướng công tác tổ chức quản lý dự án khi đàm phán, thỏa thuận với các nhà tài trợ trước khi ký kết hiệp định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phi Quang - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Tổ chức sắp xếp lại các BQLDA xây dựng cơ bản nằm trong lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của tỉnh. Đây là việc làm cần thiết và hoàn toàn đúng đắn. Quá trình thực hiện được tiến hành một cách cẩn trọng, căn cơ nhằm đưa các BQLDA mới hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, nâng cao trách nhiệm, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm một cách hiệu quả nhất.
(Còn nữa)
Nhóm P.V
baohatinh.vn