Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện các thủ tục triển khai dự án theo đúng quy định; thống nhất với hai tỉnh về tiến độ bố trí từng nguồn vốn, đảm bảo quản lý sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và tiến độ triển khai dự án. Dự án xây dựng công trình cầu Cửa Hội với tổng mức đầu tư khoảng 1.050 tỷ đồng; tổng chiều dài cầu khoảng 6,2km, trong đó phần cầu dài 1,63km, phần đường dẫn hai đầu cầu dài 4,57km; bề rộng cầu là 12m với hai làn xe cơ giới, hai làn xe hỗn hợp và gờ lan can.
Công trình hoàn thành sẽ kết nối, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế biển và du lịch, đảm bảo quốc phòng an ninh các tỉnh khu vực miền Trung nói chung và hai Hà Tĩnh, Nghệ An; góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển qua Hà Tĩnh, Nghệ An, cải thiện hệ thống giao thông giữa hai bờ sông Lam, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Bắc Trung bộ.
Trước đó, Bộ GTVT kiến nghị chuyển hình thức BOT sang đầu tư công đối với công trình cầu Cửa Hội gửi Thủ tướng Chính phủ sau khi đạt được sự đồng thuận với 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho rằng, phương án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội theo hình thức BOT là không phù hợp với tình hình giao thông thực tế trên địa bàn. Việc đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội theo hình thức BOT có khó khăn do phải bố trí trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trong điều kiện đã có trạm thu giá dịch vụ tại cầu Bến Thủy trên Quốc lộ 1A sẽ ảnh hưởng đến quyền lựa chọn của người dân khi có nhu cầu lưu thông qua sông Lam, khó được nhân dân địa phương đồng thuận.
Trước đây, việc thu giá thực hiện cho tất cả các đối tượng, tuy nhiên thời gian vừa qua thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo công bằng hơn cho người dân xung quanh trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đi lại nhiều lần, Bộ Giao thông - Vận tải đã phối hợp với địa phương, các nhà đầu tư BOT miễn, giảm giá cho vùng lân cận. Mặt khác, khi tuyến đường ven biển chưa được nối thông, các phương tiện lưu thông qua cầu Cửa Hội chủ yếu là dân cư trong khu vực lân cận sẽ được miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ nên làm giảm khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư dẫn đến dự án BOT không hiệu quả tài chính và mức độ quan tâm của các nhà đầu tư cho dự án cũng giảm.
“Do vậy, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã thống nhất với Bộ Giao thông - Vận tải lựa chọn hình thức đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cho biết.
Q.L
baohatinh.vn