Gia đình anh Nguyễn Công Kính (tổ dân phố 10, phường Đại Nài) cải tạo ao đầm, nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng bán thâm canh. |
Ông Lê Huy Chương (xóm Hạ, Thạch Hạ) phấn khởi cho biết: “Vụ nuôi năm trước, gia đình tôi nuôi thử nghiệm 4 ô cá chim vây vàng. Mặc dù kỹ thuật nuôi khó hơn, thức ăn hằng ngày cũng tốn kém hơn nhưng được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá thành rất cao, từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, cao gấp 1,5-2 lần so với các loại giống khác. Tuy chỉ nuôi 2.000 con giống nhưng sau khi trừ mọi chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng”.
Giá trị cá chim vây vàng rất cao nên vụ hè thu năm nay, ông Chương đã quyết định đầu tư nuôi thử trên ao đất. Các ao nuôi đã hoàn thành việc thả giống với 16.000 con. Ông Chương cho biết thêm, giống cá này được mua tận Thái Bình với giá khá cao, 1.800 đồng/1 phân giống, trong khi cá chẽm chỉ 900 đồng, Hồng Mỹ 700 đồng. Được biết, toàn vùng nuôi trồng thủy sản Hồng Hà có tất cả 34 hộ tham gia với diện tích 17 ha; trong đó, 2/3 diện tích nuôi cá, còn lại nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh. Hiện nay, các hộ nuôi cá đã cơ bản xuống giống, còn tôm chờ thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành.
Tại vùng nuôi thuộc tổ dân phố 10, phường Đại Nài, từ những ngày đầu tháng 4, gia đình anh Nguyễn Công Kính cùng các hộ khác đã thuê xe máy đắp đất, vỗ bờ và làm vệ sinh ao đầm để chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Anh Kính cho biết: “Sau khi bàn bạc và chuẩn bị nguồn lực, tôi cùng với 2 hộ khác quyết định đầu tư nâng cấp ao đầm để chuyển phần lớn diện tích nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng. Hiện, chúng tôi đã thỏa thuận với đơn vị cung cấp giống, các ao nuôi cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng, chờ thời tiết thuận lợi sẽ đưa giống về thả”.
Tuy vùng nuôi này chỉ có 9 ha nhưng với việc mạnh dạn đầu tư của các hộ dân nên vụ hè thu năm 2015 đã chuyển đổi thành công 6 ha nuôi tôm quảng canh sang bán thâm canh; nếu thuận lợi thì số diện tích quảng canh còn lại cũng sẽ được thay thế hoàn toàn trong vụ nuôi tiếp theo. Anh Kính chia sẻ thêm, động lực khiến anh mạnh dạn đầu tư chính là sự hỗ trợ thường xuyên về kỹ thuật của các cán bộ chuyên môn ngành thủy sản, đặc biệt là việc tạo điều kiện, hướng dẫn tiếp cận chính sách hỗ trợ theo Quyết định 02 của thành phố. Dự kiến, vụ nuôi năm nay, các hộ nuôi tại tổ dân phố 10 sẽ thả hơn 70 vạn con giống tôm thẻ chân trắng với mật độ nuôi khoảng 40 con/m2.
Theo anh Trần Hậu Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế, UBND thành phố Hà Tĩnh: “Qua kiểm tra thực tế tại các vùng nuôi cho thấy, mọi công tác chuẩn bị đã được các hộ nuôi tiến hành bài bản, chủ động. Ở các hồ tôm, không khí rộn ràng hơn, sẽ thả giống từ nay đến khoảng đầu tháng 5. So với năm trước thì vụ hè thu 2015, diện tích chỉ tăng từ 292 ha lên 299 ha, trong đó, nuôi mặn lợ 199 ha, nước ngọt 100 ha. Đặc biệt, diện tích nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh đang có chiều hướng tăng dần qua từng năm, chủ yếu tập trung ở đối tượng tôm thẻ chân trắng và các giống cá có giá trị kinh tế cao như mú, chẽm... Cùng với đó, việc mở rộng các đối tượng (cá chim vây vàng) trong vụ nuôi năm nay sẽ góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích cho các hộ. Đây cũng là mục tiêu chính của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố”.
Sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm cùng với sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền địa phương sẽ phát huy tối đa ưu thế để lĩnh vực thủy sản thành phố ngày càng phát triển bền vững.
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã