Học tập đạo đức HCM

Quảng Bình đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng

Thứ tư - 13/05/2015 21:53
Cơ giới hóa không chỉ giúp người nông dân thoát khỏi cảnh lao động vất vả, cực nhọc mà còn là yêu cầu bức thiết nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tại Quảng Bình, việc áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng góp phần tăng năng suất, chất lượng lúa và tăng thu nhập cho người nông dân.

 

Cơ giới hóa trên cánh đồng lớn

Chúng tôi về vựa lúa An Ninh, huyện Quảng Ninh vào một ngày đầu tháng tư, khi lúa đông xuân chín rộ. Nắng rát mặt người, song chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất Nguyễn Duy Viên vẫn hào hứng đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng lớn của một xã viên. Ông Nguyễn Ðại Ơn là nông dân có tiếng làm nhiều ruộng ở An Ninh gần 5 ha. Khi chúng tôi đến khu sản xuất của gia đình bên triền đê, ông Ơn đang kiểm tra lại chiếc máy tuốt lúa chuẩn bị cho vụ gặt mới. Dừng tay, ông nói: "Bây giờ làm ruộng khác xưa rồi, không còn con trâu đi trước, cái cày đi sau nữa. Mà với 5ha ruộng của tui, nếu cày bằng trâu thì biết khi mô cho kịp vụ. Hơn nữa, làm một sào ruộng chừ phải chịu nhiều chi phí, từ cày, bừa, giống, chăm sóc, bón phân cho đến thuê gặt. Bỏ ra chừng đó chi phí, cuối vụ thu mỗi sào 2,5 tạ lúa thì lỗ vốn là chắc. Vì thế tui quyết định mua một số máy móc phục vụ sản xuất. Số vốn bỏ ra ban đầu khá lớn, nhưng mình dùng nhiều năm thì tính ra mỗi năm chi phí lại nhỏ".

Theo ông Ơn, để tiết kiệm chi phí khi mua máy móc, ông đã cải tiến chiếc máy phay đất thông thường thành chiếc máy có ba chức năng. Từ chiếc máy nguyên bản, ông tháo lưỡi răng phay thay bằng lưỡi cày thì chiếc máy trở thành máy cày. Rồi từ chiếc máy đó ông lắp thêm dây cua-roa để truyền lực cho bộ phận hút nước thì thành máy bơm nước. "Nếu thuê máy cả ba khâu, chi phí cao hơn đến ba lần"- ông nói. Theo chủ nhiệm Nguyễn Duy Viên, toàn HTX có 12 hộ làm ăn lớn và khá giả như ông Ơn. Những hộ này có điểm chung là diện tích sản xuất lớn và đều áp dụng cơ giới hóa sản xuất. Từ thành công đó, HTX thực hiện mạnh mẽ việc dồn điền đổi thửa, hình thành các cánh đồng lớn để đưa các loại máy vào phục vụ sản xuất. Theo nhiều nông dân ở An Ninh, việc dồn điền đổi thửa là một yếu tố quan trọng để giúp họ gắn bó với nghề trồng lúa. Tuy nhiên, yếu tố quyết định là phải có máy móc. Việc đưa máy móc vào đồng ruộng không chỉ giải phóng sức lao động cho nông dân mà còn giảm chi phí, góp phần tăng năng suất và giảm thất thoát khi thu hoạch.

Nhiều năm qua, An Ninh không chỉ là xã dẫn đầu phong trào thi đua sản xuất, xóa đói, giảm nghèo mà còn đi đầu trong việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của huyện Quảng Ninh. Hiện, toàn xã có 261 máy làm đất các loại, trong đó có 250 máy phay, máy cày các loại, sáu máy gặt đập liên hợp. Vào mỗi vụ xuống giống hay thu hoạch, số phương tiện máy móc này hoạt động hết công suất, bảo đảm thời vụ, đưa hệ số sử dụng đất lên 2,9 lần.

Tại các huyện trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Bình như Lệ Thủy, Quảng Ninh và Bố Trạch, hình ảnh con trâu và cái cày hầu như không còn, thay vào đó là những chiếc máy làm đất, máy gặt đập liên hợp. Hiện chưa có số liệu thống kê số lượng máy phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Quảng Bình, ba khâu mất nhiều thời gian và công sức trong nghề trồng lúa là làm đất, thu hoạch và vận chuyển đã được cơ giới hóa với kết quả khá cao, tỷ lệ tương ứng là 90%, 60% và 65%. Riêng một số xã có HTX dịch vụ nông nghiệp tại Lệ Thủy và Quảng Ninh đạt tỷ lệ 100% khâu làm đất, 90% khâu thu hoạch và 100% khâu vận chuyển đã có máy móc làm thay. Ðiều đó cho thấy, HTX dịch vụ nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Hình thành dịch vụ cơ giới sản xuất nông nghiệp

Xu hướng ở nông thôn hiện nay là rút ngắn thời gian làm ruộng, giải phóng sức lao động để có thể làm những việc khác, tạo ra nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với bỏ sức ra làm thủ công trên đồng ruộng. Vì vậy, nhiều hộ gia đình có vốn hoặc sản xuất với diện tích lớn đã bỏ tiền đầu tư máy làm đất, máy gặt để phục vụ sản xuất của gia đình và làm dịch vụ. Hai năm gần đây, tại Quảng Bình hình thành một dịch vụ mới là dịch vụ cơ giới sản xuất nông nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Quân ở xã An Thủy (Lệ Thủy) là người sắm máy cày mở dịch vụ làm đất từ khá sớm tại địa phương. Anh cho biết, anh hợp đồng với các HTX để làm đất cho xã viên. Trong số ba máy cày của anh, có chiếc MTZ 50 công suất lớn, làm đất ở những vùng ruộng trũng rất tốt; hai chiếc máy còn lại cày những vùng ruộng hẹp mà không gây hư hại đến bờ bao, đường sá. Tính sơ bộ, công làm đất mỗi sào từ 85 đến 100 nghìn đồng, vụ đông xuân một "trâu sắt" của anh thu về hơn 50 tấn lúa, vụ hè thu khoảng 1/3 số lượng đó nữa, như vậy anh thu hơn 60 tấn lúa/năm, khoảng 270 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần trăm triệu đồng.

Theo nhiều nông dân, nếu gặt thủ công, một sào lúa phải chi phí 350 nghìn đồng và phải mất một ngày nếu thuê hai lao động, trong khi đó thuê máy gặt đập trọn gói 180 nghìn đồng/sào, thời gian hoàn thành chỉ trong 10 phút nên được lợi nhiều. Anh Nguyễn Trung ở xã Duy Ninh (Quảng Ninh) mua máy gặt đập liên hợp cách đây hai năm với số tiền hơn 200 triệu đồng. Cùng với bốn máy gặt đập khác trong xã, anh nhận làm dịch vụ thu hoạch lúa cho bà con. Có những thời điểm thu hoạch rộ, chiếc máy của anh chạy hết công suất. Theo anh Trung, không chỉ làm trên đồng ruộng ở huyện Quảng Ninh mà anh còn vươn ra địa bàn thành phố Ðồng Hới, huyện Bố Trạch.

Giám đốc Sở NN và PTNT Quảng Bình Phan Văn Khoa cho biết, việc hình thành dịch vụ cơ giới sản xuất nông nghiệp tại địa phương ngày càng được mở rộng và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của người nông dân muốn rút ngắn thời gian và tiết kiệm công sức, để làm nhiều việc khác có thu nhập cao hơn. Mặt khác, sự xuất hiện của dịch vụ này góp phần thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nghề trồng lúa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ðẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

Mô hình cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình triển khai trong nhiều năm qua được nông dân trong tỉnh đánh giá cao. Do khoảng cách giữa vụ đông xuân và hè thu tại Quảng Bình rất ngắn, việc đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất và thu hoạch đã giải quyết được vấn đề tranh chấp thời vụ để bảo đảm sản xuất.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đối với người nông dân là giá một chiếc máy gặt đập liên hợp hơn 200 triệu đồng, trong khi đó thời gian sử dụng trong mùa vụ ngắn (khoảng 12 đến 15 ngày), cho nên thời gian thu hồi vốn phải kéo dài ba hoặc bốn năm. Ðiều này gây trở ngại cho người dân trong việc đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Cơ giới hóa đồng ruộng thường gắn với dồn điền đổi thửa để tạo thành các cánh đồng lớn. Ở hai huyện miền núi của Quảng Bình là Tuyên Hóa và Minh Hóa, đồng ruộng manh mún, bị địa hình đồi núi chia cắt, khó khăn trong việc dồn điền đổi thửa. Do vậy, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng gặp nhiều trở ngại. Mặt khác, cơ giới hóa trong nông nghiệp tại Quảng Bình chủ yếu đối với cây lúa và khâu làm đất, thu hoạch, tưới nước... còn các cây trồng khác, việc ứng dụng máy móc còn yếu và thiếu.

Ðể tiếp tục đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Quảng Bình thực hiện mạnh mẽ việc dồn điền đổi thửa tạo thuận lợi cho việc sử dụng máy móc phục vụ sản xuất. Cùng với đó là ban hành các chính sách cho nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi, đồng thời lồng ghép với các chương trình, dự án để hỗ trợ cho bà con mua máy móc. Ngoài ra, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tỉnh đề nghị các địa phương cần dồn điền đổi thửa đi đôi với cải tạo đồng ruộng để đưa các phương tiện, máy móc vào sản xuất; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ mở rộng mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, trong đó nhấn mạnh lợi ích của việc đưa cơ giới hóa vào động ruộng, xem đây là giải pháp hàng đầu để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

 
"Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt đề án đưa cơ giới hóa vào sản xuất với tổng số nhu cầu các loại là 630 máy, song tiến độ triển khai chậm do thiếu kinh phí. Trước mắt, để đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, Sở NN và PTNT Quảng Bình đề nghị các địa phương huy động sự tham gia các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp, các HTX để hỗ trợ máy móc, phương tiện cho nông dân; tích cực phát triển dịch vụ cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp".

PHAN VĂN KHOA

Giám đốc Sở NN và PTNT Quảng Bình 

 

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG
Theo nhandan.org.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập412
  • Hôm nay91,314
  • Tháng hiện tại796,427
  • Tổng lượt truy cập90,859,820
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây